Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Sông Lại Giang
Sông Lại Giang-Photo Đình Hùng

Hàng xóm

Đất lề quê thói. Câu thành ngữ xem ra từng làm khó bao nhiêu con người nếu đã từng ít nhất một lần trong đời thay đổi chỗ ở hoặc phải sống với sự thay đổi của ai đó. Tôi đã từng là người trong cuộc của cả hai trường hợp trên.

Quê nhà. Nhà quê. Tôi có nhiều "quê" lắm, quê nội ngoại, quê đã từng sống thời niên thiếu, quê "kinh tế mới",... cứ mỗi lần di cư và sống nơi nào đó vài năm thì nơi đó thành "quê". Duy chỉ một nơi mà dù đã "sống với nhau" đã gần ba mươi năm mà sao trong thâm tâm tôi, nơi đó chưa thể thành quê. Đó là nhà tôi. À mà nghĩ vui vui một chút thì nơi tôi ở hiện tại không thành quê được vì nó là... phố. Phố thì không phải là quê! Không có những mùa màng cây trái, nhà này bưng sang nhà kia mời nhau mấy củ khoai, chục trái bắp, nải chuối sứ, nửa trái mít hay mớ đọt bầu bông bí, nắm rau mồng tơi, bồ ngót nấu bát canh giải nhiệt ngày hè. Phố, cũng ít khi nhà này sang nhà kia xin tạm trái ớt, tép hành, chén mắm, muỗng muối những khi "xớ lở". Phố không có những buổi chiều oang oang đầu ngõ giọng các bà, các mẹ "réo" con cháu về ăn cơm. Không có những bà mẹ, cô chị bồng bế em bé sang nhà hàng xóm vừa đút cơm vừa tám đủ chuyện trên trời dưới đất. Phố cũng đâu "mấy khi" nhà này mời nhà kia ăn giỗ, mấy khi mời nhau ly trà nóng buổi sớm mai. Cũng có cây xanh, sân vườn. Cũng có tiếng chim hót líu lo nhưng cổng thường cao, tường rào thường kín.
Gần ba mươi năm ở phố mà móng chân mình chưa phai váng phèn. Cái tâm thức quê kiểng ẩn núp đâu đó hễ có dịp là ra mặt, là dỗi hờn, là hoài nhớ trước sau.

Hơn năm trước, hàng xóm nhà tôi có một bà giúp việc mới. Hai nhà châu lưng vào nhau, nghe tiếng sinh hoạt nhưng ít khi thấy mặt nhau. Khoảng sân nhà tôi giáp với gian bếp nhà kia. Mỗi sáng sớm tập thể dục, mỗi tối nằm ngoài sân ngắm trời trăng mây gió tôi thường xuyên bị làm phiền bởi bà giúp việc nọ. Không biết bà bao nhiêu tuổi mà giọng hãy còn khỏe và cứ... sảng sảng bất kể là lúc nào. Gần nửa đêm bỗng dưng nghe bà la oai oái, giật mình lắng tai thì ra bà gọi điện thoại về quê. Đang lúc nghỉ trưa bỗng giật thột vì tiếng bà chửi rủa mấy con mèo ăn vụng. Rồi bà "gây gỗ" cả với thằng bé con chủ nhà đang học lớp 6, lớp 7 gì đó. Những lúc vui thì bà hát, mà hổng phải ca dao, dân ca chi mà là nhạc Trúc Phương, Anh Bằng mới.., chết. Chết hơn là bạn í chơi bolero nên cũng dễ "phiêu" lên phiêu xuống tùy thích! Mấy nốt cao thì e é muốn bung lổ nhĩ. Nhiều lúc đang thưởng thức bài thơ, đoạn văn của bạn bè fb mà gặp bà đang cao hứng gây gỗ la ó hay ca hát thì ôi thôi... mọi tâm cảm văn nghệ bay biến hết! Vậy mà khi bình tâm nghĩ kỹ thì bà ấy mới là... quê thứ thiệt, quê chính cống chứ không phải làm màu. Bà rinh nguyên cái "quê" ra phố, "kệ cha nó" cứ chơi kiểu nhà quê vậy, ra sao thì ra.

Tháng trước, mấy ngày thấy lạ lạ, chợt để ý. Thì ra vắng... tiếng bà giúp việc nhà hàng xóm. Tưởng bà bận việc hay về quê thăm nhà. Tuần sau cũng không nghe bà ấy. Nghĩ bụng chắc nhà chủ chịu hết xiết nên cho bà... hồi gia. Nhưng sau loáng thoáng nghe rằng nhà chủ thuê bà chăm sóc cho bà cụ nằm bệnh nay bà cụ mất bà "ô sin" cũng... mất việc theo.

Bà "ô sin" về quê. Tiếng quê cũng theo về chốn cũ. Tự dưng thấy tiêng tiếc, nhơ nhớ. Tiếc gì? Nhớ gì? Ơ hay, chẳng lẽ mình nhớ bà ấy. Mà mình với bà ấy chưa biết có đồng quê, đồng xứ gì đâu. Thậm chí mình chưa thấy mặt bà ta ra sao mà. Vậy nhớ gì, tiếc gì. Tiếc sao hơn năm ròng mà mình không chịu hỏi chuyện câu nào với người bên kia bức vách để được nói giọng quê, tiếng quê?!

Giờ mới ngẫm, nhà quê thì quê rặt, quê từ cái giọng nói quê ra...

Phanrang, 16.7.2016
b ù i d i ệ p
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất