Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

nhân ngày quỹ 1$ giúp thầy và bạn của CHS Cường Để và NTHQN tròn 4 tháng tuổi.

Bây giờ đang là tháng giêng đầu năm dương lịch 2011 nhưng đề tựa lại là câu chuyện cuối năm vì đây là câu chuyện của năm cũ, vậy thì chúng ta coi nó là chuyện tản mạn cuối năm con cọp nhé. Con cọp đang chuẩn bị vẫy đuôi chào mọi người để bàn giao năm mới cho con mèo, còn tôi xin nói câu chuyện về giáo dục xưa và nay.

Quân- Sư- Phụ

Thời xưa phong kiến tôn vinh Quân, Sư, Phụ, đứng đầu là Quân- vua. Bây giờ quan điểm đó đã lạc hậu. Ngay từ thời đó Mạnh Tử đã phát biểu: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh: quý dân, sau tới đất nước, vua không quan trọng. Ngoại trừ một vài nước lạc hậu như Swarziland, vua ngày nay chỉ còn là biểu tượng ở một số nước hay để làm cảnh cho dân xem mà thôi. Người Anh rất thích uống trà, họ ví hoàng gia nước Anh như một bộ bình trà cổ. Tôi thấy quan niệm ấy có hậu và khôn ngoan. Nhiều nước đã vứt nhũng bộ bình trà cũ đi không thương tiếc khi có những bình trà mới, nhưng đồ cổ thường rất có giá. Thời nay lãnh đạo các quốc gia được xem như là những công chức cấp cao, ở những nước dân chủ họ bị báo chí soi mói tới nơi tới chốn, người ta vinh danh nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà giáo, nhà văn, khoa học gia, nhà kinh doanh ...nhưng chính khách ít khi được vinh danh, nếu có ở một nước nào đó thì thường làm cho người ta liên tưởng đến một nền chính trị chuyên chế, thiếu dân chủ hay là thủ đoạn vận động của một chính đảng nào đó muốn lên cầm quyền.

Còn Phụ thì sao? ở đây phụ là cha chữ nho đọc giống nhưng viết khác với phụ là đàn bà, là vợ (phụ nữ, phu phụ). Công cha như núi Thái Sơn, tôi đã từng lên chơi núi Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, cảnh tượng thật hùng vĩ, nơi đó có đàn tế trời và miếu thờ Đức Khổng Tử. Trên đỉnh núi có những tảng đá mọc băng ra ngoài không gian đầy uy lực, như thách thức với thiên nhiên. Thời nay cha vẫn là cha không thay thế mà cũng không thể "vứt đi". Nhiều nước có ngày vinh danh cha, chữ father trong anh ngữ vẫn là một chữ thường được viết hoa (God Father, Pilgrim Fathers, Forefather). Tuy nhiên cha không còn quyền hành tuyệt đối trong gia đình, cha sai quấy có thể bị con kiện ra tòa. Hơn nữa quan điểm trên cũng tỏ ra lạc hậu khi thể hiện sự bất bình đẳng giới: bỏ quên người mẹ (phụ mẫu tồn bất khả viễn du: cha mẹ còn không được đi xa), mà công cha thường không nặng bằng nghĩa mẹ.

Sư hay sư phụ, lão sư là thầy giáo được tôn vinh trên cả cha. Có nhiều lý do để giải thích điều này:

Thầy là người phổ biến ý thức chính trị tư tưởng cho nhà nước phong kiến, nhà nước nào tồn tại với ý thức hệ ấy, do đó mà nhà nước phong kiến tôn vinh người thầy. Thầy là người đào tạo viên chức cho nhà nước phong kiến. Ngày xưa muốn ra làm quan, được vinh hiển, được coi là phụ mẫu chi dân phải qua con đường học hành khoa cử mới vào được hoạn lộ. Cha mẹ là dân thường, là nông dân không thể làm nổi việc này, chỉ có ông thầy mới làm được. Thầy giáo là người quyết định con đường sự nghiệp của học trò.

Học trò ngày xưa thường chỉ học một vài ông thầy trong suốt đời mình: đó là ông thầy dạy chữ thánh hiền, có người chỉ học qua một ông thầy mà thi đỗ tiến sỹ. Ngoài ra học trò còn có thể học thêm ông thầy dạy võ để được văn võ song toàn. Thầy dạy các môn khác như âm nhạc, hội họa, chiêm tinh, y dược, địa lý, bói toán ... không được xem là thầy giáo thực sự vì đó là những môn phụ, môn chơi, huống chi là thầy dạy những môn khoa học kỹ thuật như bây giờ. Thầy giáo ngày xưa ít học trò, đức Khổng Tử được tôn là vạn thế sư biểu cũng chỉ có 72 người được xem là học trò của ngài (thất thập nhị hiền). Ở miền Nam ngày nay người ta còn dùng từ "ông thầy" để chỉ cho ông chủ kinh doanh hay ông sếp cơ quan là người quản lý, thân gần mình, nâng đỡ hay dạy nghề cho mình. Ngày xưa học trò phải luôn nhớ tới thầy, phải có mặt nhà thầy khi có việc quan trọng, phải đi lễ tết thầy, phải lui tới chăm sóc khi thầy đau ốm, phải để tang khi thầy mất.

Ngày nay vai trò của người thầy giáo đã giảm nhiều. Trước hết là vì không còn những ông thầy dạy mọi thứ từ A tới Z như ngày xưa. Xã hội phát triển, lượng tri thức trở nên khổng lồ, ngành nghề trở nên đa dạng, xã hội phân công lao động và tạo ra vô số ngành nghề chuyên môn nên khi học lên cao mỗi người thầy chỉ có thể ta dạy một môn hoặc một phần của môn học trong một thời gian nhất định mà thôi. Dạy học trở thành một nghề nghiệp bình thường như bao nghề nghiệp khác, trong suốt cuộc đời một người có thể học qua hàng trăm ông thầy, và mỗi ông thầy có thể có hàng vạn học trò. Câu nhất tự vi sư bán tự vi sư nhiều khi trở thành một câu nói đùa: dạy chữ là thầy, bán chữ cũng thầy hay một chữ là thầy, nữa chữ (nói lái) cũng do thầy. (điều khó hiểu là ngày xưa lại được phép đa thê mà ngày nay chỉ duy nhất một vợ dù anh yêu bao nhiêu cô mặc kệ, quả là ở đời có quy luật bù trừ!)

5 nguy cơ mất nước

Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong sách Vân Đài Loại Ngữ, có 5 nguy cơ đưa đến mất nước nếu không ngăn chặn được. Đó là:

- Trẻ không kính già

- Trò không trọng thầy

- Binh kiêu tướng thoái

- Tham nhũng tràn lan

- Sỹ phu ngoảnh mặt

Xin được luận bàn về hai điều đầu tiên có hai từ kính và trọng. Trong tiếng Việt hai từ này thường được ghép chung thành một chữ kính trọng. Kính trọng là tôn trọng, lắng nghe, quan tâm và chăm sóc chứ không phải là sợ sệt, khúm núm, vâng dạ. Đứng trên giác độ xã hội thì trong một xã hội mà người trẻ kính trọng người già thì xã hội đó được nhiều hạnh phúc. Một cụ già đi đường bị vấp ngã trên nền tuyết, cụ cố gắng tự đứng lên một cách khó khăn, mọi người đi qua đều tất bật, không ai quan tâm, bạn tôi đến giúp và hỏi thăm cụ có sao không, cụ mời anh về nhà mình gần đó, một căn hộ tiện nghi đầy đủ nhưng cụ chỉ ở một mình, bạn đời của cụ đã mất, con cái đều ở xa, tuổi già thiếu vắng hơi ấm gia đình. Xã hội nơi người già được phúc lợi, được đầy đủ vật chất nhưng bị lãng quên, không được thương yêu, kính trọng, người già sống phải sống trong nỗi cô đơn thì không thể gọi là xã hội hoàn chỉnh. Ngày nay tuổi thọ trung bình con người lên đến 70, 80 thì hầu như mọi người trẻ tuổi đều có cơ hội trở thành người già trong tương lai.

Theo tôi, dù nghèo hay giàu người Việt chúng ta cần giữ gìn hai cơ chế: gia đình và trường học. Gia đình là tổ ấm giúp cho con người sống hạnh phúc và bước ra đời vững vàng, lương thiện; trường học là nơi đào tạo những công dân tốt, có phẩm chất cao. Trẻ kính già, trò trọng thầy sẽ củng cố hai cơ chế này. Chúng ta cần học hỏi nhiều từ nền giáo dục phương tây, chẳng hạn như sự quan tâm đến học sinh, cách dạy học đi sát thực tiễn, không từ chương, tạo ra thế hệ trẻ năng động, khỏe mạnh, có tri thức thực sự, có tinh thần tự lập và đầy đủ kỹ năng sống. Nhưng chúng ta cũng cần giữ lại truyền thống tôn sư trọng đạo của phương đông. Không nên coi thầy giáo như người làm công ăn lương bình thường. Điều này có lợi cho nền giáo dục quốc gia và cho con em chúng ta. Ngoài gia đình chỉ có nhà trường mới là vườn ươm thực sự cho con em chúng ta, nơi đó cần được coi ngó, chăm sóc cẩn thận, được đối đãi một cách đặc biệt và được hưởng nhiều ưu đãi hơn so những nơi khác. (nhưng chỉ mang phong bì đến nhà gửi thầy cô giáo trong ngày nhà giáo theo tôi là một cách làm còn bất cập, việc làm này trước mắt giúp đỡ cho thầy cô giáo với đồng lương còm cõi có thêm chút ít thu nhập nhưng nó đồng thời làm méo mó hình ảnh người thầy và làm cho học sinh mất đi sự kính trọng thầy cô, điều này có hại cho giáo dục).

Lòng tri ân

Năm 1990, cố thi sỹ Phùng Quán viết: "tôi bỗng nhận ra một điều vô cùng thấm thía: thì ra nhân dân không quên một điều gì hết, việc hay cũng như việc dở, việc dữ cũng như việc lành. Bất cứ ai làm được một việc tốt cho đất nước, dù việc nhỏ cũng được ghi khắc vào ký ức nhân dân... Lòng biết ơn là một phẩm cách vô cùng lớn lao của dân tộc chúng ta".

Dấu ấn của người thầy trên mỗi người chúng ta thật sâu đậm: người có học đi đứng, ăn nói, suy nghĩ, làm việc, cảm nhận, cống hiến và thụ hưởng cuộc sống khác hẳn người vô học. Dù giàu hay nghèo số phận của họ cũng may mắn hơn. Nền giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học, trung học tạo ra sự khác biệt đó. Theo suy nghĩ của tôi, hai chữ tri ân trước hết là dành cho cha mẹ, sau đó là dành cho thầy cô giáo: công ơn cha mẹ sinh thành, công ơn thầy cô dạy dỗ. Những người quên điều này tôi coi đó là những người khuyết tật tâm hồn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm ngoái trong buổi họp mặt thầy cô và cựu học sinh hai trường, thầy trò đều mang trên đầu hai thứ tóc, một vị giáo sư trường Cường Để ngày xưa nói với chúng tôi: "các em giữ gìn truyền thống thầy trò là tốt, không hẳn là cho chúng tôi, chúng tôi mất đi các em đến thắp nén hương là được rồi, nhưng cái chính là nêu gương cho lớp trẻ sau này". Một câu nói sâu sắc, cảm động của một người thầy lúc nào cũng nghĩ đến thế hệ trẻ đáng cho chúng ta suy gẫm.

Xuân Phong
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất