Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200

Nơi tôi ở, trước đây người ta không gọi là khu phố, mà gọi là xóm . Xóm tôi khởi đầu từ cổng trường Nguyễn Huệ (nay là Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Quy Nhơn ), đầu ngả ba đường Nguyễn công Trứ , Bà Triệu kéo dài đến ngả 4 Tăng bạt Hổ,chỗ Quân Vụ Thị Trấn (trước kia ) tọa lạc.

 

ReTruongNguyenHue215

Ngả ba đường Nguyễn công Trứ - Bà Triệu - Nơi toạ lạc trường Nguyễn Huệ-Quy Nhơn (xưa) - nay là trường tiểu học Lê Hồng Phong,Quy Nhơn (Ảnh do Hồ đắc Tân cung cấp)

 

Lúc đó vẫn còn là đường đất, dù phía trước là đài phát thanh và truyền hình chễm chệ chiếm một khu đất rộng lớn. Tôi có rất nhiều bạn cùng lứa sống gần đó, vừa là bạn học vừa là bạn hàng xóm nên chơi rất thân . Cách nhà tôi một căn là nhà Nguyễn hứa Thuyên, "thủ môn" đội tuyển đội banh trong xóm. Thuyên nhỏ con và nhanh nhẹn nên "hoàn thành xuất sắc " được nhiều nhiệm vụ trong các trò chơi. Vào những buổi trưa hè, lẻn được vào hàng rào Đài phát thanh là tụi tôi tiếp cận ngay các cây keo cao vút , lững lơ những chùm keo chín đỏ, hườm vàng. Cổ đeo ná bắn cao su, tay cầm cù nèo tôi chỉ dám leo cao vừa vừa mà khoèo các chùm xung quanh, còn Thuyên thì leo cao chót vót, thoăn thoắt chuyền cành qua lại... Lúc xuống, thì Thuyên đã chứa được một bụng đầy keo ( tụi tôi nhét áo trong quần đùi, hái được thì bỏ vào áo, trông phình to như bụng bầu ).

 

Năm học lớp 5 trường Nguyễn Huệ, Thuyên và tôi rủ nhau đạp xe tới tận Cầu đôi để lấy đất sét về làm bản đồ Việt nam. Gọi là Cầu Đôi vì có 2 cầu, cầu xe lửa và cầu đường bộ. Đó là lần đầu tiên dân thành thị tụi tôi lội ruộng, móc cho được mấy tảng đất đỏ bờ ruộng đem về. Sau khi nhào nặn, lược lại nắm đất sét, tôi cũng làm được một mô hình (nổi) bản đồ Việt Nam. Cũng có sông Hồng Hà, sông Thái Bình đem phù sa về đồng bằng Bắc Bộ, cũng có dãy núi Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn chạy dọc miền Trung đến tận Bình Thuận..Nhưng sáng ra, chuẩn bị đi nộp bài thì khúc Quãng Trị, chỗ Cửa Tùng đến A Lưới ( nay gọi A Roàng ), giáp biên giới Lào bị gãy đôi !! ( vì đây là khoảng chiều ngang hẹp nhất của nước ta ). Thật xui, mô hình bị gãy đôi ngay giới tuyến 17. Tôi muốn khóc vì không còn thời gian làm lại nữa ...Lúc đó Thuyên mới trổ tài khéo tay : hắn rảy nước cho ướt đẩm miền quê Quãng Trị khô cằn, rồi bẻ 2 cây tăm tre xiên vào giữa khúc ruột mô hình bị gãy ,đất sét mềm, lấy ngón tay di di lên là mất dấu nứt gãy thôi. Nhờ vậy ,bài địa lý Việt Nam thật dễ nhớ với tôi !

Nhà tôi rộng, 2 gian liền 2 mặt đường nên thường dùng để tập trung lên kế hoạch vui chơi. Một năm, vào dịp Trung Thu, lũ chúng tôi vót tre, mua giấy bóng màu về làm lồng đèn. Các em nhỏ, bạn nào không có lồng đèn ..thì không được tham dự. Bán lồng đèn được kha khá tiền, tụi tôi đi mua một bộ lân nhỏ, có trống tum, có mặt ông địa. Đoàn múa lân xôm tụ, khí thế quá nên lưu diễn tới tận nhà Trần Hiền ờ đường Cường Để. Múa thì không biết ra sao, nhưng nhờ tay trong "giám xúi Trần Hiền", con lân tụi tôi cũng đớp được "cái lộc" treo lơ lững của nhà Trần Hiền. Bũa tiệc trung thu sau đó thật thịnh soạn tưng bừng với cả nhóm mà đến mãi những năm sau này, chẳng có buổi tiệc nào vui đến như vậy. Các bạn quần đùi, áo cộc nhễ nhại mồ hôi tranh nhau cười nói, kể thành tích. Xung quanh, la liệt lồng đèn, thức ăn thì chỉ có chè , mấy cái bánh trung thu, mía, đậu phụng luộc và nước ngọt ...

 

Không khí thanh bình dần bị thay thế bỡi các cuộc biểu tình của phe phật giáo, xóm tôi bỗng dưng bày cả bàn thờ Phật ra giữa đường. Tụi tôi kéo nhau đi xem biểu tình, đến tận nhà may Đà Lạt đường Gia Long xem người biểu tình đập phá. Máy may, chỉ, vải vóc tuôn đổ ra đường. Bấy giờ, tụi tôi mới biết mùi lựu đạn cay, nồng cay đỏ cả mắt .. .Nghe người lớn nói chuyện, chiến tranh đã lan rộng tới Phù cát,Tam Quan. Trên phồ, có nhiều người mất nhà vất vưởng, ăn xin nhiều hơn .. Và tụi tôi thấy anh Tám khùng xuất hiện . Lúc đầu, tụi tôi kéo cà đàn đi theo châm chọc. Chỉ thấy anh tay đấm ngực mình la lớn : .." cha mày Xe, mẹ mày Bành.." chứ chẳng bao giờ đánh, phá ai. Dần dần, lúc không lên cơn ,tụi tôi tới gần lân la và cho anh đồ ăn. Lũ nhỏ chúng tôi không nhận thấy ảnh hưởng cuộc chiến lan rộng ra đường phố, phong trào mặc quần loe, tóc dài phổ biến.. Đến một hôm, cảnh sát bắt nguyên băng 7 đầu bò, cạo trọc đầu còng tay, chở sau xe cảnh sát chạy diễu hành trên phố, có lẻ đệ thị uy, trấn áp tội phạm...

 

Tết Mậu thân, 1968 vì ở phía sau Đài phát thanh và Đài truyền hình nên xóm tôi trở thành mục tiêu quân sự. Tôi còn nhớ rõ, đêm ba mươi, chẳng hiểu sao- lũ lượt người lạ đi vào xóm tôi. Lúc giao thừa, tiếng pháo và tiếng súng rộn ràng nổ ì ấm cho đến sáng mồng một...Xóm tôi trở thành tâm điểm của trận chiến. Trong sân trường Nguyễn Huệ, ngưới ta đặt các ụ đại liên, pháo 105 mm chỉa thảng 90 độ vào xóm tôi , trên các toà nhà cao dọc đường Cưởng Để, người ta chỉa súng thẳng sang xóm tôi, cứ thấy thấp thoáng bóng người là..nả đạn. Sang mồng 2, mồng 3 tết trận chiến lại ác liệt hơn, cả gia đình tôi chỉ biết chun nằm dưới gầm cầu thang ( vì cho rằng đây là nơi chắc nhất ). Máy bay trực thăng quần thảo trên đầu xóm tôi, phóng rocket ì ầm xuống. sáng ra thì cái Đài truyền hình bị san bằng, còn đài phát thanh bị bốc cháy. Lúc này, có lẻ không còn nhiều người trong khu vực đài phát thanh nữa, mọi người tản ra nấp vào các nhà dân trong xóm, bắn qua, bắn lại . .Cái nhà ông Trung tá Tuý, đầu xóm mặt tiền đưởng Nguyễn công Trứ, bị 105 nện, san bằng ! Nhà tôi ở khúc giữa, thành ra kẹt...không dám chạy đi tản cư.. Mãi đến mồng 4 mới thoát ra được..an toàn ! Lúc đó, nghe nói Quy Nhơn bị đánh tới 5 điểm : Kho xăng Ông Tề, khách sạn gần đầu phi trường, nha an ninh quân đội (ở đường Cường Để) và Đầm Thị Nại, Người dân ở Hội Lộc không biết duyên cớ gì, cầm cờ đi hàng chục ghe qua Đầm Thị Nại để sang Quy Nhơn, chỉ làm mồi cho máy bay trực thăng... làm cỏ tất !!

 

Rồi cuộc chiến qua nhanh, nhà bạn Thuyên bị cháy rụi, nhà tôi ở giữa- nhờ ơn Trời Phật, không hề hấn gì- phía giáp bên phải, nhà bạn Giang Ngọc Tuyết cũng cháy rụi luôn ... cả cái xóm nhỏ như tang hoang, đối diện nhà tôi- nhà bạn Hoa- nhà in Ánh Loan- bị đào xới lung tung, lôi lên được cả đống vũ khí.


Năm 1968, tôi đã vào học trường Trung học Cường Để. Xóm tôi, có lẻ nhờ gần trường Cường Để nên nhiều thầy giáo chọn làm nơi cư trú. Mấy năm sau, gia đình thầy Huỳnh Hữu Dụng chắc tản cư từ Bồng Sơn vào, mua nhà sát nhà bạn Thuyên. Mặt sau nhà tôi, đường Bùi thị Xuân, có Thầy Phạm khả Huỳnh- ba của bạn Phạm Kiệm, kế bên có thầy Thăng thuê nhà ở. Khi đi học, cùng con đường đến trường Cường Để, và khi tan trường cũng cùng con đường về nhà nên tụi tôi lại thân nhau hơn. Tụi tôi lớn hơn nên ít còn tụ tập, tổ chức chơi đùa như hồi còn nhỏ. Xóm tôi vẫn vậy, nhưng ít thấy bóng dáng tụi tôi, thay vào đó, là các lớp nhỏ hơn, nhưng không hiểu chúng nó có thân thiết, vui chơi hết mình như tụi tôi khi xưa không ?

Nguyễn Trí Mẫn


Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất