Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

cai-mon-4
1- Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; là một làng quê đậm chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp chạy xuyên qua những vườn cây trĩu quả, những hàng cây cảnh và điểm bán hoa trái, cây giống hai bên đường. Cái Mơn sẽ chỉ là vùng đất không tên tuổi nếu không có những loại cây giống, trái cây độc đáo như sầu riêng hạt lép, nhãn tiêu, bưởi da xanh, bòn bon, chôm chôm tróc ....

Cũng rất ít ai biết được các loại trái cây "đặc sản" trên có nguồn gốc từ Penang, Malaysia và được Pétrus Ký chọn lọc lấy giống mang về nước trong mỗi chuyến thăm quê nhà để người dân trong vùng trồng thử..... Các loại giống nhập khẩu này đã tỏ ra thích hợp với vùng đất màu mỡ Cái Mơn, Chợ Lách, cho quả thơm ngon, giúp địa phương phát triển và đứng đầu cả nước về cây giống.
cai-mon.4
Cái Mơn nằm trên QL 57 cách Tp.Bến Tre 30km, cách TT Chợ Lách 10km, phà Đình Khao 27km, Tp.Vĩnh Long khoảng 32km, cách Tp.HCM 115km và Tp.Cần Thơ khoảng 62km theo đường qua phà Đình Khao.

Pe-trus-ky
2- Trương vĩnh Ký

Trương Vïnh Ký, quen gọi là Pétrus Ký, sinh ngày 6-12-1837 tại làng Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh-Long (nay là huyện Chợ Lách, Bến Tre). Cũng giống nhiều bậc trí thức khác thời chống Pháp, cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm, vinh quang lẫn tủi nhục và thường có cái kết không hay.

* Năm 1845 cha mất khi ông lên 8, ông còn có một người anh; mẹ ông tần tảo nuôi hai con nhỏ, ông học chữ Hán từ khi lên 5 và tỏ ra có khiếu học ngoại ngữ từ đó.
* Năm 1846 khi vừa lên 9, ông được một giáo sĩ Tây phương xin đem về nuôi và đưa vào học tại trường dòng Cái Nhum. Ông học quốc ngữ còn được các giáo sĩ nước ngoài tận tình chỉ dạy chữ La-tinh; họ đã ngạc nhiên và nể phục về sự hiếu học, trí thông minh hiếm có của ông.

* Năm 1848 lên 11, ông được các giáo sĩ gởi sang Miên học trường công giáo Pinhalu ở Phnom-Penh; trường này có nhiều học sinh các nước châu Á cùng đến học. Vốn thích ngoại ngữ nên ông đã tìm cách làm quen các bạn và học thêm các thứ tiếng khác từ các bạn ấy như tiếng Miên, Lào, Thái, Myanmar, Ấn Độ, Trung quốc ... Trong thời gian 4 năm ở đây, nhờ tính hiếu học, siêng năng, quyết tâm và có trí nhớ phi thường, ông học thêm được rất nhiều thứ tiếng.

* Năm 1852 ông được học bổng cấp cho học sinh ưu tú sang Malaysia học thêm 6 năm tại chủng viện Dulalma ở Penang; một hòn đảo thuộc Mã Lai. Chủng viện cũng có nhiều chủng sinh từ nhiều quốc gia khác đến học. Trong thời gian 6 năm ở đây, ông đã cần mẫn học hỏi bạn bè các ngôn ngữ khác và đã thành thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thái Lan ...., Ông được Thống đốc nước Anh ở đảo này tặng giải thưởng xuất sắc về luận văn viết bằng tiếng La-tinh.

* Năm 1858, lúc 21 tuổi, ông ra trường, khi còn đang phân vân giữa việc tiếp tục đường tu hành hay đường đời thì nhận tin mẹ mất; ông quyết định trở về quê hương thọ tang mẹ; chấm dứt quãng đời tu học. Đây cũng là thời điểm Pháp đem quân vào chiếm Việt Nam : bắt đầu từ Đà-Nẵng (9-1858), rồi Sài Gòn, Gia Định (2-1859), tiếp là việc mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vua quan triều Nguyễn cho rằng quân Pháp xâm chiếm Việt Nam do muốn truyền đạo, vì thế việc cấm đạo Công giáo lúc ấy diễn ra gay gắt hơn; ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông.

* Năm 1860 ông lên Sài Gòn và làm thông ngôn cho viên tướng người Pháp, năm 1861 ông quyết định sống cuộc sống đời thường và kết hôn với bà Thọ ở Chợ Quán, Sài Gòn.
* Năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn (Collège des Interprètes), ông được nhận vào dạy.
* Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản đứng đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông đi theo làm thông dịch. Tại đây ông đã kết bạn với văn hào Victor Hugo và một số viện sĩ hàn lâm người Pháp.

* Năm 1866, Pétrus Ký Ký được Pháp bổ nhiệm làm giám đốc trường thông ngôn và dạy tiếng phương Đông tại trường này.
* Năm 1869, Pétrus Ký xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo; ông làm Giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút; đây là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước ta.

* Năm 1872, Pétrus Ký được Pháp chọn làm Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm dạy người Pháp, Tây Ban Nha học tiếng phương Đông.
* Năm 1874, Pétrus Ký được nhà nước Pháp bình chọn đứng hàng thứ 17 trong số 18 Nhà bác học xuất sắc nhất trên thế giới, ông nói được 27 ngôn ngữ, trong đó viết thạo 11; được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông.

* Năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong danh hiệu Viện sĩ (Officier d'Académie)
* Năm 1885, ông được vua Đồng Khánh tin cậy sắc phong làm Hàn Lâm Tự Độc Học Sĩ, sung Cơ mật viện.
* Năm 1886 ông xin nghỉ về Sài Gòn dạy học tại trường Thông ngôn; cùng năm ông cho xuất bản tác phẩm "Chuyện đời xưa"; ông là người Việt đầu tiên in sách bằng chữ quốc ngữ để phổ biến văn hóa nước nhà.

* Năm 1887 ông nghỉ hưu và làm báo tư nhân, ông bị bệnh và mất năm 1898 khi chỉ 62 tuổi. Ông mất đi để lại trên 118 tác phẩm và hàng ngàn bài viết giá trị về nhiều lĩnh vực.
Sau khi mất , tên của ông đã được đặt cho một ngôi trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn dành cho nam sinh: Trường Trung học Pétrus Ký; sau 1975, trường này được đổi tên là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Hiện nay vẫn còn nhiều địa phương có trường mang tên Trương vĩnh Ký. Trường Péstrus Ký (trước đây) cũng như trường chuyên Lê Hồng Phong (sau 1975) đều rất nổi tiếng về chất lượng của đội ngũ thầy trò.
pe-trus-ky.6
Trước năm 1975; Sài Gòn và Gia Định có 2 con đường mang tên ông với 2 tên gọi khác nhau. Đường Pétrus Ký của Sài Gòn cũ hiện nay là đường Lê Hồng Phong ở quận 5 và quận 10; còn đường Trương Vĩnh Ký của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Nguyễn Văn Bảo ở quận Gò Vấp. Hiện nay, quận Tân Phú, Tp.HCM cũng có đường mang tên ông.
mo-pe-trús-ky

Mộ phần Trương Vĩnh Ký tại nhà số 520, Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM; mộ đã được xây từ tháng 12/1889, trước khi ông mất. Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa; kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc. Cổng vào lăng mộ được xây theo phong cách phương Đông với cổng Tam quan; trên nóc cổng lại có gắn một cây Thập giá. Giữa cổng có khắc hàng chữ La tinh: "Miseremini mei saltem vos acimic mei" (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như là một ước nguyện cuối đời của học giả họ Trương; hiện nay tại Cái Mơn quê ông có nhà bia tưởng niệm nơi ông sinh gần Nhà thờ Cái Mơn nhưng có vẻ ít được chăm sóc nên nhanh chóng xuống cấp.
pe-trus-ky.3
Khu mộ phần vẫn chưa được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử của thành phố nên không thuộc diện được trùng tu bằng ngân sách NN. Nguyên nhân chính là thành phố có quá nhiều di tích cần ưu tiên sữa chữa, tôn tạo. Tuy có công đóng góp về nhiều lĩnh vực nhưng do ông xuất thân từ chủng viện, làm việc cho cả triều Nguyễn và Pháp nên nay vẫn còn nhiều cách đánh giá khác nhau về học giả lỗi lạc này. Chính quyền tỉnh Bến Tre đã cho làm tượng và có trường Trương vĩnh Ký tại huyện Chợ Lách quê ông để tỏ lòng trân trọng những gì ông đã đóng góp cho quê nhà - nói riêng - và nền văn hóa nước nhà - nói chung.

Nguyễn Trí Dũng
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất