Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200

Vi Chất chán nản ngã người dựa sát vào vách tường phía sau lưng và đưa mắt buồn bã nhìn So Phy: "Không được, thông cảm cho anh, anh đã xẻ ruột ra nói hết với người ta rồi nhưng không ai tin mình hết. Dường như thiện ý của chúng ta đã bị coi là quá lạ lùng, quá khùng điên, không thể có đối với những người đã quen sống trong một xã hội đầy dẫy những mưu toan và lợi dụng. Anh biết em muốn giữ lời hứa, muốn làm vui lòng vong linh một người mẹ tội nghiệp nhưng anh không còn một cách nào khác; anh không thể chịu đựng được sự sỉ nhục người ta đối với mình. Thôi, chúng ta đã làm hết sức, hãy để cho mọi việc tự nó xảy ra".

So Phy gật đầu nhè nhẹ, nàng lặng lẽ nhìn Vi Chất, hai người không nói gì với nhau một lúc khá lâu trước khi Vi Chất sửa lại thế ngồi, nhìn thẳng vào mặt người nhân viên an ninh thuộc ban tiếp nhận người mới đến đảo và mệt mỏi buôn thỏng một câu ngắn, gọn:

- Thôi được, ghi vào hồ sơ đi, gia đình tôi ba người, quốc tịch Kampuchia.

Người nhân viên thở phào nhẹ nhõm, anh ta gỡ cặp mắt kiếng ra khỏi mắt, cầm chiếc gọng nhỏ xíu, vàng ánh, quay quay với vẻ hài lòng, người chồm tới trước chống cả hai tay lên bàn, cười khà khà và nói rổn rảng:

- Tốt, có vậy chứ, biết điều sớm thì đâu có mất nhiều thì giờ như vậy. Không qua mặt được tôi đâu, thông cảm đi, tôi chỉ làm nhiệm vụ, tôi cũng đâu có muốn nhưng Cao ủy họ không cho người Miên quy chế tỵ nạn, quyết định quốc tế mà, các anh được cho lánh nạn ở đây, hết Pon Pot rồi về. Đừng tìm cách qua mặt chúng tôi; Miên Việt, Miên có vợ Việt, Miên nuôi con Việt, ối chà, tôi đã nghe đầy tai những chuyện như vậy rồi, đừng lừa nhau kiểu đó, bộ tôi con nít sao, làm gì có cha mẹ nào lại bỏ đứa con ba tuổi cho anh chị nuôi; tưởng nói vậy là có thể dựa hơi nó để đi định cư được sao? Đừng mơ tưởng hảo.

Vi Chất cắn chặt hai hàm răng, hai tay tự bấu lại với nhau để tự trấn tĩnh, mặt ngẩn cao vừa kiêu hãnh vừa đau xót. Những lời nghe được như một nhát dao phũ phàng và hung hiểm đâm nát trái tim trong sáng và ngay thật của anh.

Sophy lo lắng nhìn Vi Chất, nàng ôm sát đứa nhỏ vào lòng và nhẹ nhàng nhích lại gần chồng, lặng lẽ cầm tay anh bóp nhẹ như vỗ về, an ủi. Vi Chất mỉm cười với vợ rồi chậm rãi ngước lên, ơ hờ nhìn người nhân viên an ninh, chua chát và lạnh lùng:

- Đừng nói gì nữa cả; ông đâu cần biết hoàn cảnh của chúng tôi thế nào? Tình trạng đất nước tôi ra sao? Ông chỉ muốn phủ nhận tư cách Việt Nam của đứa nhỏ này, ông đã được như ý, thôi, chấm dứt đi.

Người nhân viên hơi e ngại trước thái độ của Vi Chất và có lẽ cũng thấy xốn xang về sự nặng lời quá đáng của mình nên xuề xoà, dã lã:

- Được rồi, được rồi, anh chị có thể ra phía trước sắp hàng với người ta, mời ăn mì, chờ đó sẽ có người đến phát các vật dụng cần thiết và Văn Phòng Trại sẽ sắp xếp người đến hướng dẫn về chỗ ở; anh chị thuộc khu Kampuchia.

Vi Chất không đợi người nhân viên nói hết lời, anh cuối xuống xách chiếc túi cói nhỏ đựng mớ quần áo cũ đặc dưới chân bàn và đưa tay dìu nhẹ giúp vợ đứng lên. So Phy nâng cao cho đầu đứa con dựa sát vào vai, cẩn thận sửa lại chiếc mũ lưỡi trai bạc màu chụp nghiên trên đầu thằng bé rồi lẵng lặng bước theo chồng.

Hàng người chờ đợi bên ngoài đứng ngồi la liệt, mệt mỏi và nôn nóng mong được sớm phân phối về các khu. Phía sau hàng rào ngăn cách khu vực an ninh và đường về khu Longhouse hàng trăm người, tốt bụng có, hiếu kỳ có, đang lố nhố nhìn ngắm và lớn tiếng chào đón, hỏi han đám người mới đến.

Vi Chất ái ngại nhìn vẻ buồn bã của vợ, anh cũng không vui nhưng ráng dằn lòng, mỉm cười an ủi:

- Đừng buồn em, "Such chăc rất prăs luk chuay" ở hiền Phật phù hộ mà, mình còn ở đây lâu, từ từ biết đâu mọi việc sẽ khác đi; cùng lắm là mình sẽ nuôi con, tốt chứ có sao đâu, chúng ta đều thương nó mà. Mình còn trẻ, còn nhiều sức lực, mình sẽ lo được cho nó đàng hoàng.

So Phy âu yếm nhìn chồng, nàng cũng cười và cố làm bộ như đang vui vẻ, phấn khởi cho anh an tâm nhưng giọng nói lại không dấu được vẻ ủ ê, buồn bã:

- Anh tưởng em có thể dễ dàng xa được con sao? Anh tưởng em không coi nó là ruột thịt và muốn nó ở mãi bên mình à? Nhưng tội cho chị Việt Nam đó lắm; lúc trao thằng bé cho em chị ấy chắp tay xá xá như muốn ngồi dậy để lạy em. Chị ấy yếu lắm, vết thương toan hoát, ruột gan tim phổi như muốn lòi hết ra ngoài những cũng ráng gượng sức nhắc đi nhắc lại với em: "Cô làm ơn làm phước cứu cháu, cố gắng giúp cho nó được gặp cha nó, mồ côi tội lắm cô ơi. Cha nó đã chạy thoát được, có lẽ đang ở bên Thái, giúp nó, giúp nó". Anh Sóc đã dịch nguyên văn cho em nghe như vậy, anh ấy đã ở Việt Nam bao năm nói sai sao được. Mẹ đứa nhỏ tội lắm, chị ấy không còn đủ sức khóc lớn nhưng nước mắt chảy ròng ròng, trước khi tắt thở còn gượng sức cầm tay thằng bé đang nằm lũi dưới đất đặt vào tay em. Em không cầm được nước mắt và đã hứa với chị ấy. Làm sao! Biết làm sao bây giờ?

@

Mai Yên là người đầu tiên trong cộng đồng người Việt ở Paulo Bidong biết tin có một đứa bé Việt Nam không cha mẹ sống trong khu Kampuchia. Yên là một thiếu nữ trẻ đang tình nguyện dạy toán cho một lớp học sinh người Miên đủ mọi tuổi tác và trình độ, được mở chung trong trường Tiểu Học song ngữ dành cho trẻ em Việt Nam.

Trình độ Miên ngữ của Yên không khá lắm nhưng bằng vào một tình cảm chân thành dành cho những trẻ em tội nghiệp, của một dân tộc láng giềng tội nghiệp và bằng vào một sự cố gắng phi thường, nàng đã có thể giúp các em học sinh của mình hiểu rõ và làm thông thạo các phép tính căn bản cũng như đã tạo được một tình cảm thầy trò gắng bó. Chính tình cảm này đã giúp các đứa trẻ ngây thơ và chơn chất tin cậy và chia xẻ với cô giáo của mình những điều mà các em không thể nói với ai.

Nhiều học sinh đã bu quanh Mai Yên trong giờ ra chơi ngay sau hôm gia đình Vi Chất đến trại; một em biết chút ít tiếng Việt, có lẽ đã được các bạn chỉ định trước, đã dùng cả hai ngôn ngữ pha trộn để cố gắng trình bày cho Mai Yên hiểu rõ về một sự việc dài dòng và phức tạp:

- Cô ơi! Có một thằng nhỏ Việt Nam lạc trong khu bọn em.

- Lạc, sao vậy? Có gì thì báo cho Ban Xướng Ngôn để họ gọi cha mẹ nó đón về chứ, cùng trại cả chứ xa xôi gì mà lạc.

- Không phải! Em diễn tả không rõ cô không hiểu. Không phải lạc ở đây đâu. Bên Miên, nó lạc bên Miên và đi với gia đình anh Vi Chất đến đây. Nó nhỏ xíu hà, không có cha mẹ gì cả, nó không nói được tiếng Việt, không rành tiếng Miên, cả ngày nín thinh.

Mai Yên sửng sốt trước tin tức vừa nhận được, nàng hấp tấp hỏi lại, nửa tin nửa ngờ:

- Có chuyện như vậy sao? Cha mẹ thằng bé đâu? Làm gì chút xíu vậy mà lạc được từ Việt Nam qua đến Miên? Các em có lầm không? Con nít giống nhau cả, các em với trẻ em chúng tôi cũng vậy thôi mà, da vàng tóc đen cả chứ có gì khác nhau đâu!

- Không lầm đâu cô ơi! Chị So Phy kể lại mà, trong khu bọn em ai cũng biết hết. Thằng nhỏ tên là Cà Dập, nghĩa Việt Nam là đẹt, là thua thiệt, mồ côi; có cha mẹ đàn hoàng không ai đặc tên như vậy đâu, nó không có khai sinh nhưng chị So Phy nói ở nhà gọi như vậy dể gợi nhớ đến những không may của nó, như một kỷ niệm buồn.

Mai Yên háo hức theo dõi câu chuyện; đứa bé diễn tả không được rõ ràng, mạch lạc cho lắm; nó nói rất dài, rất nhiều nhưng quanh quẩn, trùng lập khiến Mai Yỗn phải hết sức chú ý và khó khăn tổng hợp nhiều chi tiếc rời rạc mới có thể hình dung ra được toàn bộ sự việc. Suốt buổi dạy, Mai Yỗn bồn chồn suy nghĩ về thảm kịch của đứa trẻ mồ côi không quen biết và đã vội vàng nói với Nghĩa, người bạn trai thân thiết, ngay khi vừa về đến nhà:

- Anh ơi, có một cháu bé của mình trong khu người Miên, tội quá.

Nghiã mỉm cười, anh hơi ngạc nhiên trước thái độ luốn cuốn, nghiêm trọng của Mai Yên và lững lờ, trêu chọc:

- Cháu mình! Sao tự dưng hôm nay lại đẻ ra một cháu nào vậy? Có gì mà cô giáo quýnh lên thế? Bộ hôm nay "năng tương ngộ" với ai à?

Mai Yên không cười, cũng không chú ý đến lời ví von dí dỏm của Nghĩa, chỉ chậm rãi giải thích:

- Không phải cháu thật của mình, ý em muốn nói là một cháu bé Việt Nam thôi; hình như nó vượt biên với cha mẹ bằng đường bộ qua Kampuchia, hình như chuyến đi gặp bất trắc, người mẹ đã chết và người cha mất tích; nó đi đến đây với gia đình một người Miên tốt bụng. Em không chắc chắn điều gì, chỉ nghe đám học trò kể lại câu được câu không nhưng em tin là có thật, người Miên thật thà chất phát lắm, họ không bày chuyện đặc điều đâu. Anh phải đi gặp thằng bé với em, mình không được ơ hờ, nếu không sẽ ân hận lắm.

Nghĩa cười lớn, anh bước lại gần Mai Yên cầm cả hai tay nàng lắc lắc như vỗ về, trấn an:

- Em bình tĩnh một chút có được không, hôm nay sao vậy? Cái gì mà ơ hờ...ân hận? Chuyện chưa đâu ra đâu cả nhưng cho dù có thật thì cũng đâu phải là chuyện lạ lùng, ghê gớm gì lắm. Tai nạn trên bờ, tai nạn dưới biển, công an Việt nam, hải tặc Thái, biên phòng Mã rồi lính Pon Pot, lính Hun Sen... đồng bào mình đã gặp biết bao nhiêu thảm cảnh rồi, thêm hay bớt một thì cũng vậy thôi, có gì mà em cuốn lên vậy.

- Sao lại không cuốn, nghe nói phòng an ninh đặc biệt không cho khai đứa bé là Việt Nam; nghe nói người mẹ nuôi buồn lắm vì cô ấy muốn lý lịch đứa bé được thừa nhận để nhờ nhắn tin tìm cha nó, để lâu sợ có nhiều thay đổi và mất dấu luôn; hơn nữa người ta đã tốt với trẻ em của mình như vậy chả lẽ mình không tiếp tay được chút gì. Anh vẫn thường nhắc với em là đất nước mình khổ quá, dân tộc mình tang thương thảm hại quá, phải ráng làm bất cứ điều gì có thể cho đồng bào mình mà. Anh dạy em, anh mà không thuộc bài nghỉ chơi anh luôn, liệu đấy.

Nghĩa rất hiểu Mai Yên, tâm hồn nàng trong sáng bao dung và cuộc sống hết sức hồn nhiên, cởi mở, nhiệt tình, lúc nào cũng muốn đem ngọn lửa nhỏ từ trái tim soi sáng và sưởi ấm những tối tăm, bất hạnh của cuộc đời thường chung quanh. Nghĩa không muốn làm Mai Yên buồn, anh ủng hộ và khuyến khích mọi điều nàng làm mặc dù anh biết nhiều lúc chỉ với trái tim thương yêu không đủ và không thể xóa đi bất hạnh. Nghĩa dơ cả hai tay lên khỏi đầu, vừa nói vừa bước lui ra vẻ như sợ hãi trước lời đe dọa âu yếm của Mai Yên:

- Thôi, chịu thua cô rồi, cô xí xọn quá đi. Được rồi, mình sẽ đi đến khu Miên, sẽ làm hết sức, chịu chưa?

- Hứa với em rồi há, giỏi, ngoan.

Mai Yên nói, cả mắt và miệng đều cười.

@

Sự vui vẻ và háo hức của Mai Yên không kéo dài được lâu, nàng và Nghĩa được nồng nhiệt đón tiếp bỡi đám học trò, được chân tình thăm hỏi và tận tâm hướng dẫn đến gặp gia đình Vi Chất của nhiều phụ huynh; tuy nhiên, thái độ của Vi Chất đã không giống như Mai Yên mong đợi, anh lịch sự nhưng lạnh lùng, xa cách, chỉ im lặng ngồi nghe Mai Yên trình bày những tin tức nàng biết được và ý muốn được góp sức để chăm sóc và hoàn tất mọi thủ tục cho thằng bé bằng một thái độ dửng dưng, thụ động.

Thực sự Vi Chất không có điều gì phiền lòng về hai người khách trẻ của mình, thậm chí anh còn nhìn thấy ở họ một sự nhiệt thành đáng tin cậy, nhưng luận điệu cay nghiệt của người nhân viên an ninh như còn vang rõ bên tai anh, rồi hình ảnh những người lính nón cối, súng ống kè kè dày đặc trên quê hương anh và những "chuyên gia" trá hình hiện diện để chi phối tất cả các cơ quan công quyền lớn nhỏ, biến đất nước anh thành một thuộc địa, bị trị bỡi những chính sách sắc máu, dẫy đầy thảm họa và tai ương đã khiến Vi Chất dấy lên một tình cảm dân tộc mơ hồ và đâm ra nghi ngờ tất cả những người mà anh nghĩ ít nhiều có liên quan đến những đọa đày oan nghiệt trên quê hương anh. Vi Chất không muốn bị ê chề, tủi hổ vì những tị hiềm, ngộ nhận xuất phát từ những suy luận về các quyền lợi cá nhân nhỏ nhoi như đã từng bị, anh suy nghĩ và quyết định nói với Mai Yên, lời lẽ ôn tồn nhưng rất cương quyết.

- Xin cảm ơn cô đã quan tâm nhưng trường hợp của Cà Dập đã được giải quyết, không thể và không nên sửa đổi gì cả.

Vi Chất đứng lên bồng đứa nhỏ đang nằm ngủ trên chiếc võng rách treo cao trên sạp nằm và trở lại ghế ngồi, nói tiếp:

- Đây là con trai tôi, hồ sơ đã xác định như thế.

Mai Yên nhìn sững đứa bé, Cà Dập ngơ ngác nhìn khách lạ và sợ hãi rúc đầu nép sát vào ngực cha. Thằng bé ốm yếu dưới mức trung bình, tay chân đầu cổ nổi đầy những mụt ghẻ nước bưng mủ và khắp người được bôi một lớp thuốc sát trùng màu tím sậm, dù vậy, Mai Yên vẫn có thể nhận thấy dường như mặt mũi đứa nhỏ trắng sáng hơn, mắt nó thông minh, linh hoạt hơn và mái tóc đen vừa phải, mềm mại, không cong quắn như phần đông các trẻ em người Miên khác. Mai Yên tin chắc vào những gì nghe được và nhẫn nại thuyết phục:

- Tôi biết anh đã khai rõ về trường hợp cháu bé này trên phòng an ninh; tôi cũng biết là đã có những sự hiểu lầm đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng tôi không phải là giới chức có trách nhiệm hay quyền hạn gì ở trại nên không dám bàn đến vấn đề thủ tục hay pháp lý, chúng tôi chỉ đến đây hoàn toàn vì lý do tình cảm và với tất cả thiện chí mong muốn được chia xẻ với anh chị trách nhiệm tinh thần về một cháu bé thiếu may mắn, đồng bào của chúng tôi. Đơn giản chỉ có vậy, mong anh chị thông cảm cho.

Vi Chất im lặng nhìn Mai Yên và Nghĩa, ánh mắt vẫn đầy vẻ nghi ngờ, thiếu thiện cảm. Trước sau anh chỉ lập đi lập lại là mọi việc đã kết thúc, và mọi người bằng lòng với quyết định đó, đừng làm sự việc trở nên phức tạp, anh không muốn như vậy. Câu chuyện tưởng như không xoay chuyển gì được cho đến khi So Phy từ ban tiếp liệu trở về. Nàng mỉm cười chào khách, cất vội cái son nhỏ, chiếc sô nhựa có chứa mấy cái chén, mấy đôi đũa mới lãnh được xuống dưới sạp nằm và lẹ làng trở lại chỗ ngồi, bồng đứa con từ tay chồng và nhìn mọi người mỉm cười thân thiện. Mai Yên thấy có cảm tình với người thiếu phụ trẻ, có vẻ ốm yếu nhưng hiền thục và rất xinh đẹp này, nàng cũng mỉm cười và vui vẻ mở lời:

- Thưa chị, chúng tôi đã nói chuyện nhiều với anh, chúng tôi là người Việt Nam và riêng tôi đang dạy học cho các em Kampuchia, chúng tôi đến thăm, cảm ơn anh chị về lòng từ tâm anh chị đã dành cho cháu bé mồ côi này và xin phép được chia xẻ những gì có thể được để cùng lo cho cháu bé. Chúng tôi tự thấy có bổn phận và đến hoàn toàn bằng thiện chí, mong anh chị đồng ý.

So Phy hết sức cảm động khi nghe lời trình bày của Mai Yên, nàng lại đặc biệt có cảm tình khi biết công việc Mai Yên đang làm cho cho các trẻ em người Miên, nàng chớp chớp hai mắt triều mến nhìn Mai Yên và rất muốn được bày tỏ sự cảm kích của mình, tuy nhiên nàng đủ sáng suốt để nhận thấy không khí có vẻ căn thẳng và đoán biết đã có những bất đồng chưa giải tỏa được giữa chồng và những người khách lạ nên chỉ nhìn chồng dọ hỏi và không nói điều gì.

Nghĩa theo dõi câu chuyện từ đầu, anh không nói gì nhiều, chỉ lắng nghe, phân tích và dần dà hiểu được lý do về thái độ e dè, khép kín của Vi Chất. Anh rất cảm phục thái độ tự trọng của người thanh niên này và nhẫn nại tiếp lời Mai Yên

- Cộng đồng của chúng tôi ở đây đông đảo và phức tạp, nhưng tôi chắc chắn, nếu biết được việc làm của anh chị, tất cả đồng bào của chúng tôi sẽ vô cùng cảm kích và biết ơn. Tôi biết có thể đã có những ngộ nhận xúc phạm đến lòng tốt vô vị lợi của anh chị, đó là một điều đáng tiếc mang tính cá nhân mà cộng đồng và cá nhân chúng tôi không muốn, chúng tôi xin thành thật xin lỗi anh chị. Mỗi dân tộc chúng ta đều có những bất hạnh riêng và trong quá khứ đã có những đụng chạm đau lòng, nhưng ở đây tất cả chúng ta đều là những người lưu lạc ăn nhờ sống tạm vào tình thương của nhiều quốc gia khác, chúng ta cùng chung số phận và hy vọng có thể đối với nhau như những người bạn thực sự. Từ tinh thần đó mong anh chị tin chúng tôi, tin vào thiện chí của cuộc thăm viếng này và mở lòng với nhau nhiều hơn.

So Phy nhìn Vi Chất, hai người trao đổi với nhau rất lâu, lúc bằng tiếng Miên, lúc bằng tiếng Pháp, dường như có nhiều bất đồng, nhiều tranh chấp và biện giải nhưng cả hai vợ chồng đều giữ thái độ bình tĩnh, tự chế, không nóng giận, to tiếng; cuối cùng Vi Chất lắc đầu, ánh mắt biểu lộ một sự nhựng bộ đầy thương yêu, triều mến, anh ngước lên nhìn Nghĩa và Mai Yên, nói nhanh:

- Thôi được rồi, chúng tôi trân trọng tình cảm của anh chị, tôi không muốn lập lại câu chuyện trên phòng an ninh nhưng tôi muốn nó không thể được lập lại; vì vậy, tạm thời Cà Dập vẫn là con của chúng tôi cho đến khi nào chúng ta tìm lại được cha ruột của nó. Trong thời gian đó anh chị có thể đến chơi với cháu, chúng tôi rất vui mừng. Tôi chỉ có thể làm được có thế, mong anh chị hiểu cho.

So Phy rất vui trước quyết định của chồng, nàng thân mật bồng Cà Dập đưa về phía Mai Yên nhưng thằng bé luốn cuốn ôm lấy cổ mẹ. So Phy vỗ vỗ vào lưng đứa nhỏ và nói nhỏ mấy câu, vừa trấn an vừa khuyến khích. Thằng bé len lét nhìn Mai Yên, giọng lí nhí, tay vẫn không rời cổ mẹ

- Kône chia Việt Nam, âu puk maday e Thái Lan: "Con là người Việt Nam, cha con ở Thái Lan".

Mai Yên và So Phy đều cười, không khí vui vẻ và ấm áp. Nghĩa cũng thân mật vỗ vai Vi Chất:

- Cảm ơn anh chị lắm, việc liên lạc tìm cha cháu bé xin để tôi lo, anh chị chỉ cần cho biết các chi tiếc về địa điểm, thời điểm và những gì có liên quan khác đến Cà Dập để chúng tôi cung cấp cho văn phòng TMS, đây không phải là trường hợp đầu tiên, trong quá khứ cơ quan này đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc tìm người, hy vọng lần này cũng vậy.

Nghĩa ngừng lại một chút rồi nói tiếp, giọng lạc quan và tự tin:

- Còn việc giải thích với cộng đồng chúng tôi, xin anh chị an tâm, tôi nhất quyết và bảo đãm sẽ không có bất cứ điều gì làm phiền lòng anh chị nữa. Xin anh chị tin tôi, một người bạn của một dân tộc láng giềng và là một người bạn chung trại tỵ nạn.

@

Câu chuyện về Cà Dập đã nhanh chóng được truyền miệng cho nhau suốt các khu trong trại Paulo Bidong. Đầu tiên, Nghĩa lên đồi tôn giáo tìm gặp Đại Đức trụ trì chùa Từ Bi; vị tu sĩ trẻ luôn miệng niệm Phật mỗi khi nghe đến một đoạn thương tâm, ông ngồi trầm ngâm chăm chú theo dõi câu chuyện, tràng hạt xoay đều trong tay và cuối cùng, ông nói với đôi mắt gần như ngập lệ:

- Bể khổ vô lượng, phận người nhỏ nhoi. Thôi, cần liên lạc những đâu khác thì con cứ tự nhiên, còn cộng đồng mình để cho thầy.

Vị Đại Đức không để chậm phút nào, liên lạc được phái đi các nơi và ngay buổi chiều cùng ngày, ông tiếp Linh Mục chánh xứ Guise Bidong, Thầy truyền đạo Hội Thánh Tin Lành và Hiền Tài đại diện Giáo Hội Cao Đài Hải Ngoại trên đảo. Câu chuyện được kể lại chi tiếc với lời kêu gọi của Đại Đức chánh đại diện về hai công việc phải làm nhân danh Hội Đồng Liên Tôn: Thăm viếng, ủy lạo tinh thần và vật chất cho cô nhi Cà Dập và đề nghị Hội Đồng Trại can thiệp để thành lập hồ sơ mới, chính xác về hoàn cảnh và nguồn cội của Cà Dập. Cả hai đề nghị đều được tất cả đại diện các tôn giáo hết lòng ủng hộ; riêng Linh Mục chánh xứ, vốn trầm tĩnh và sâu sắc, đã nhỏ nhẹ nói thêm:

- Việc nói chuyện với Hội Đồng Trại có lẽ không khó, nhưng quan hệ với các anh em người Miên tương đối phức tạp; đặc biệt là với vợ chồng người bạn đã nuôi dưỡng cháu Cà Dập lại càng tế nhị hơn. Người Miên phần lớn là Phật tử, viện này có lẽ nhờ Đại đức trực tiếp cho là ổn thõa nhất. Đại Đức chánh đại diện không rườm rà khách sáo gì, ông vui vẻ nhận lời và ngay tối hôm đó có mặt ở nhà Vi Chất.

Nghĩa rất vui với kết quả đạt được nhưng không ngừng lại ở đó, anh cùng Mai Yên phân công đến gặp Cố vấn và các anh chị em điều hành Trung Tâm Sinh Hoạt Phụ Nữ; Trung Tâm Tư Vấn Phúc Lợi và Ban Bảo Trợ Cô Nhi, ở mỗi nơi, cả hai người đều không hề đề cập đến bất cứ một đề nghị giúp đỡ vật chất nào, chỉ khẩn thiết yêu cầu và nhẫn nại thuyết phục các cơ quan liên hệ can thiệp với ban sưu tầm tung tích để nơi này giúp tìm kiếm gia đình Cà Dập và can thiệp với văn phòng Cao ủy tỵ nạn để tái thiết lập hồ sơ chính thức cho thằng bé.

Mọi việc tiến hành suôn sẻ và tốt đẹp, tiếng nói của Hội Đồng Liên Tôn và của các cố vấn thiện nguyện đã được đáp ứng đúng mức, một giới chức cao cấp từ Teranganu vào nhận bản nhắn tin với nội dung đã được sửa chữa, thêm bớt nhiều lần và hoàn chỉnh với các chi tiếc đại khái là: "Một em bé Việt Nam khoảng ba tuổi, không rõ tên, bị lạc ngày...năm 1989 tại vùng núi thuộc làng Batambun, tỉnh Mondoky, tây bắc Kampuchia, gần biên giới Thái Lan. Em bé đi cùng người mẹ đã thương vong vì bị phục kích. Khi chết, người mẹ khoảng ba chục tuổi, tóc dài, bận quần đen, áo bà ba màu tím, cổ đeo giây chuyền vàng tây có tượng Phật nhỏ bằng nanh heo rừng. Em bé bận quần áo thun màu xanh đậm, có vét thẹo dài trên bắp chân trái. Được biết em bé đi cùng gia đình nhiều người, hiện đã thất lạc, vậy ai là thân nhân của em xin liên lạc với ban thư tín TMS, trại Paulo Bidong P.Ọ Box... , hay người giám hộ của em tên So Phy, MC...."

Vị giới chức đọc kỹ bản nhắn tin, ông cẩn thận hỏi thêm một số dữ kiện ghi đầy mấy trang sổ nhỏ rồi vui vẻ và tự tin nói với mọi người:

- Xin quí vị an lòng, chúng ta đã có khá đầy đủ các chi tiếc cần thiết, đây không phải là trường hợp đầu tiên; nếu gia đình em bé thoát được và đang tạm dung ở một nơi nào đó như dự đoán, chắc chắn chúng tôi sẽ tìm được trong một thời gian rất ngắn. Xin bình tĩnh chờ đợi, chúng tôi sẽ làm hết sức.

Văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ra dễ dãi và nhiệt tình, nhân viên trưởng cơ quan là một phụ nữ Á đông nói rành tiếng Việt, và có tên na ná Việt Nam - Cô Dam- đã âu yếm vuốt tóc Cà Dập và vui vẻ nói với Mai Yên và So Phy khi hai người đưa thằng bé lên trình bày sự việc:

- Hồ sơ người mới đến đảo chỉ có giá trị tương đối, mọi việc các em có thể khai lại rõ ràng khi tuyên thệ lập thẻ xanh. Cao ủy sẽ quan tâm đặc biệt hồ sơ này, các em cố gắng lo cho cháu bé được chu đáo, Cao ủy sẽ giúp đỡ; còn việc muốn đoàn tụ với gia đình nếu tìm được, cô hứa.

Mai Yên đã ở khá lâu trong trại và đã chứng kiến nhiều sự việc không như ý nên rất e dè và tin tưởng vừa phải vào những lời hứa, riêng So Phy thì thật sự vui mừng, nàng dẫn Cà Dập đi lòng vòng khắp đảo với Mai Yên, hai người lên chùa lễ Phật rồi ra biển ngồi uống nước. Một kế hoạch tổng quát được hai người bạn bàn thảo và thõa thuận với nhau: Cà Dập sẽ được gởi vào vườn trẻ, sẽ học song song chữ Việt và chữ Miên; sẽ được Mai Yên đón ra cách ngày và ban đêm trở về với cha mẹ nuôi.

So Phy vừa buồn vừa vui về diễn tiến câu chuyện chung quanh Cà Dập; đứa bé đã sống với vợ chồng nàng gần một năm, nó như một cây non mới nhú mầm, được bứng lên trồng vào một khu đất mới, lạ lẫm, ngơ ngác một thời gian rồi quen dần và trở thành một bộ phận không thể tách rời của gia đình So Phy; phần nàng, một tình cảm mẫu tử thiêng liêng nẩy nở, đằm thắm và sâu đậm đến mức nhiều lúc So Phy đã quên đi thân thế thật sự của thằng bé và nghĩ nó như một phần máu thịt của chính mình. Trong người So Phy, bàng bạc một sự đối khán nội tại dai dẳng và tế nhị: bằng tình cảm nàng không bao giờ dám nghĩ một ngày nào đó Cà Dập sẽ rời khỏi vòng tay của nàng, vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời nàng, nhưng lý trí lại luôn nhắc nhở: "Đừng ích kỷ, Cà Dập thuộc về một nơi khác, nó có những ràng buộc huyết thống thiêng liêng riêng và phải giúp nó toàn vẹn". So Phy không bao giờ quên hình ảnh người mẹ bất hạnh của đứa nhỏ, nàng cũng nhớ như in những đau dớn, nhục nhằn của chính mình- một đứa bé mồi côi- và tự hứa bằng mọi cách phải
tránh cho đứa bé, thằng con, thoát khỏi tình cảnh lẻ loi, côi cút.

So Phy tìm thấy ở Mai Yên một tình bạn sâu đậm và gắn bó, nàng không ngần ngại chia xẻ với bạn những đắng cay, chua xót của đời mình:

- Chị biết không, mới mười tuổi mình đã mồ côi cha mẹ và vong gia thất thổ cho đến bây giờ!

-...

- Không biết hồi 75 bên chị thế nào chứ thời thay đổi chế độ bên mình kinh khiếp lắm. Ngôi biệt thự của cha mẹ mình ở Shihanout Ville lớn lắm mà nháy mắt thành gạch vụn vì hàng ngàn quả pháo. Bom đạn tàn khốc lắm nhưng điều đó cũng không đáng sợ bằng con người đâu, cũng dân mình cả chứ ai nhưng họ đã mang một trái tim khác và suy nghĩ, hành động khác. Tất cả bọn mình, hàng ngàn người, bị lùa hết ra đường, đi hàng một, lang thang lếch thết, đói lạnh, rách rưới... Bóng đêm, những lời quát tháo, chửi rủa, những tiếng khóc, tiếng kêu thất thanh, tiếng rên rĩ... Những loạt súng, những mã tấu, những bao bố trùm đầu, những sợi giây kẽm xuyên ngang bàn tay từng xâu người, những hố chôn tập thể...Như vậy đó, gia đình mình muời tám người tản lạc, mất dần hồi trong những đêm kinh hoàng như vậy, và mình, con bé mười tuổi cứ thế trôi đi, trôi đi

-...

- Chưa hết đâu, năm 79, tàu bay, xe tăng, súng đạn lại đến từ đất nước chị. Tội nghiệp dân tộc tôi; những câu khẩu hiệu hoan hô, những câu khẩu hiệu đả đảo, mọi việc giống như trò hề nhưng máu xương thật của dân tôi tiếp tục đổ ra, máu tài nguyên của đất nước tôi tiếp tục chảy đi và người dân tôi ngơ ngác giữa những lời hô hào và sững sờ giữa những lằn đạn; ban ngày cuối đầu trước một thế lực, ban đêm khom lưng trước một thế lực khác. Một phầu tư dân tôi đã chết không nhắm mắt được; nói con số đơn giản chị không mườn tượng ra được hết mức độ bi thảm đâu; phải nhìn thấy những đồi xác người, những nghĩa địa đầu lâu mới hiểu được dân tộc tôi đã sống như thế nào và đã chịu đựng những gì?

So Phy kể giọng đều đều, buồn bã và xa vắng, nàng không khóc nhưng Mai Yên khóc, cô cầm tay bạn, bóp nhẹ:

- Tôi hiểu! tôi hiểu.

So Phi lặng lẽ đưa mắt nhìn Cà Dập đang hồn nhiên vọc cát trên bãi biển rồi quay lại nhìn Mai Yên, nói nhỏ:

- Cảm ơn chị nhưng xin đừng nói gì cả, người ta có thể chia xẻ với từng bất hạnh cá nhân nhỏ nhoi những không ai có thể chia xẻ được thảm họa của cả một dân tộc. Tôi không có ý làm chị buồn, tôi càng không có ý phiền hà trách móc gì chị hay những người Việt Nam ở đây khi nhắc đến sự kiện 79 giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng ta đều quá nhỏ nhoi và đều là nạn nhân của những cuồn vọng, tôi biết. Tôi kể dài dòng với chị chỉ cốt muốn nói một điều: Tôi đã chứng kiến hàng trăm cái chết, tôi đã mục kích hàng vạn những mất mát, phân ly. Tôi thương thằng bé kia biết bao, tôi không muốn mất nó nhưng càng không muốn nó mất những người thân, chị ráng giúp cháu, tôi cảm ơn.

Mai Yên hết sức cảm động và cảm phục người bạn có quá nhiều bất hạnh nhưng cũng thừa thãi tình thương của mình, nàng kể lại mọi chuyện với Nghĩa, hai người dành nhiều thì giờ đến chơi với gia đình Vi Chất và thường xuyên nhắc nhở các cơ quan có trách nhiệm gia tăng nổ lực tìm kiếm gia đình Cà Dập.

Mọi việc tiến triển tốt đẹp, chưa đầy ba tháng sau ngày gởi bản nhắn tin, So Phy nhận được một lá thư thông báo của ban thư tín TMS, nội dung lá thư cũng được in lớn và dán ở tất cả các bản tin trong toàn trại. Theo đó, một người đàn ông tên Nguyễn Phong Dinh, đang tạm dung tại trại Phanat Nikhon, Thái Lan, xác nhận bị thất lại một đứa con trai đúng theo ngày giờ, địa điểm và có những đặc điểm giống như được cung cấp bỡi ban thư tín TMS trại Paulo Bidong. Người vợ tên Huỳnh hoài Hương và đứa bé là Nguyễn Cửu Long. Kèm với lời nhắn tin này có in một tấm hình nhỏ chụp một đôi vợ chồng trẻ đứng sát bên nhau, người vợ có bồng một đứa con nhỏ. Tấm hình bị mờ, ố nhiều chỗ nhưng nhìn kỹ vẫn thấy được cặp mắt long lanh hạnh phúc và nụ cười rạng rỡ tin yêu của cả hai vợ chồng.

@

Cà Dập đã ở trại gần hai năm, thằng bé đã bớt ghẻ chóc, có da có thịt và hồn nhiên tươi vui hơn hồi mới đến đảo, nó cũng đã lờ mờ hiểu được chút ít về nguồn cội phức tạp của mình và cũng đã nhận được những lá thư rất cảm động, đầy những lời lẽ nhớ thương của người cha ở xa. Đầu tiên cả Mai Yên lẫn So Phy đều không muốn cho Cà Dập biết về hoàn cảnh thật của nó, sợ gợi nhắc cho thằng bé những hồi ức đau lòng, nhưng dần dà cả hai bảo mẫu này đều nhận thấy việc đoàn tụ với cha là một khả năng trong tầm tay nên đã quyết định chuẩn bị tâm lý, tránh cho thằng bé khỏi phải đối đầu với những thay đổi quá đột ngột, bất ngờ đối với nó.

Cà Dập còn quá nhỏ lúc xảy ra thảm kịch gia đình, nó không biết được điều gì rõ ràng, chỉ nhớ lờ mờ trong tìm thức những hình ảnh rời rạc về những người thân không còn hình dung ra được. Lúc nghe So Phy kể lại về quốc tịch gốc, về cái chết của mẹ, về đất nước Kampuchia, về cha mẹ nuôi, về người cha vừa tìm ra được. Thằng bé ngơ ngẩn một lúc rất lâu và không thể nhận hiểu được ngay điều gì, nó chỉ mếu máo lập đi lập lại:

- Con không biết, con không biết... Con muốn ở với mẹ So Phy.

So Phy cảm động ứa nước mắt, nghẹn ngào không nói được lời nào. Mai Yên bình tĩnh hơn, nàng hiểu tâm trạng của Cà Dập, mọi việc quá mới mẻ, phức tạp đối với đầu óc ngây thơ, non dại của nó, không thể trong một lúc bắt thằng bé chấp nhận những điều khác với một thực tế đã hầu như hiển nhiên đối với nó: một gia đình êm ấm có đầy đủ cha mẹ. Mai Yên ra dấu cho So Phy im lặng, nàng cúi xuống ôm Cà Dập vào lòng, nói nhẹ nhàng như vuốt ve, như an ủi:

- Được rồi...được rồi, con muốn sao cũng được, nín đi, ngoan dì thương.

Mai Yên nói để trì hoãn nhưng mục tiêu vẫn phải đạt được theo một cách khác; những ngày kế tiếp Nghĩa, Mai Yên, So Phy và cả Vi Chất luân phiên nhau dẫn Cà Dập đi chơi, không ai nhắc gì với thằng bé về những chuyện lớn lao, phức tạp cũ, chỉ kể cho nó nghe chuyện nọ, chuyện kia, xa gần nói về gia đình, quyến tộc, làng xóm, quê hương. Từng chút, từng chút mọi người nói để thằng bé hiểu điều tốt nhất đối với nó là trở về bên người cha ruột thịt của mình.

Cà Dập hiểu được chút đỉnh, nó có vẻ phân vân, suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng rụt rè hỏi So phy và Mai Yên:

- Ông thầy trên chùa nói chim có tổ người có tông đúng không?

- Đúng chứ, thầy học hành hiểu biết nhiều, nói sai sao được.

- Còn chú Nghĩa bảo lá rụng về cội là sao?

Mai Yên nhìn Cà Dập mỉm cười, nàng rất hài lòng thấy thằng bé đã có vẻ quan tâm suy nghĩ đến những điều nó cần phải nghĩ tới, nàng nhỏ nhẹ giải thích và nhẫn nại dẫn dụ cho đến lúc đứa nhỏ gật gù tỏ vẻ am hiểu; nó im lặng một chút rồi bình tĩnh đứng lên, quả quyết như vừa chọn xong một quyết định:

- Con về với ba rồi, má So Phy và dì Yên vẫn thương con chứ?

- Chắc chắn

- Ba Chất, chú Nghĩa cũng vậy chứ?

- Dĩ nhiên, mọi người đều thương con mà; rồi mình còn gặp lại nhau nữa.

- Hứa với con há!

- Hứa.

- Vậy được, con sẽ đi; nhưng bao giờ mình gặp lại? gặp ở đâu?

So Phy nhìn Mai Yên, hai người đều im lặng. Câu hỏi của Cà Dập vô tình đã gợi nhắc cho hai người bạn những thực tế đau lòng. So Phy chỉ được chấp nhận tư cách lánh nạn, dù muốn hay không, nàng cũng phải trở về một ngày nào đó; còn Mai Yên, người tỵ nạn trễ tràng đang chờ đợi để được thanh lọc, tương lai vô cùng bấp bênh và đen tối. So Phy lặng lẽ bồng Cà Dập vào lòng, giọng lạc quan và tin tưởng cốt làm cho thằng bé vui nhưng thực tâm nàng lại không thể tin vào những điều mình đang nói:

- Con an tâm đi, có Cao Ủy tỵ nạn mà, cả quốc tế đều quan tâm đến chúng ta, nhất định chúng ta sẽ được đi định cư, lúc đó phương tiện thiếu gì, mình muốn gặp nhau lúc nào cũng được.

Mai Yên và So Phy đều cười nhưng cả hai đều xót xa, đau đớn. Tình hình ngày càng khó khăn; tin tức thu lượm được xác nhận lực lượng Hải Quân Hoàng Gia Mã Lai đã được lệnh phong tỏa lãnh hải, kéo tất cả tàu bè của những thuyền nhân muộn màng trở ngược ra khơi; tiến trình thanh lọc mười ba ngàn người đến trại sau ngày đóng cữa diễn ra chậm chạp và khó khăn, tỷ lệ số người được công nhận tư cách tá nạn hết sức nhỏ nhoi, giới hạn; nhiều phái đoàn quốc tế vào trại vận động tự nguyện hồi hương; đã có tin phong phanh về một kế hoạch cưỡng bức hồi hương...Về phía cộng đồng Kampuchia, tình hình càng căn thẳng, ngột ngạc; lúc này, lúc khác người ta đồn đãi, chuyền miệng cho nhau, thì thầm bàn tán về những áp lực quân sự và vận động ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Cam Bốt. Có tin Liên Hiệp Quốc đã đóng cữa các trại tỵ nạn dọc biên giới Thái Miên, hồi hương tất cả người Kampuchia và quyết định này cũng có hiệu lực cho tất cả những người còn lại, ở rải rác khắp vùng Đông Nam Á

Vi Chất và So Phy nói chuyện rất nhiều với nhau, hai người lo âu, rầu rĩ một thời gian rồi dần dà họ nhận hiểu được hoàn cảnh khắc nghiệt chung và số phận không mấy sáng sủa của mình và bình thản đương đầu. Tương lai của Kampuchia vẫn là một ẩn số mờ mịt và người dân nhỏ nhoi phải phó thác cuộc đời cho định mệnh. Chính quyền đương thời rõ ràng là một thứ bù nhìn hồn đỏ, xác Miên; Ông hoàng nhiều tham vọng, tự thân, vẫn chỉ là một thứ đàn anh bị thất sủng của bọn diệt chủng sa cơ; còn lực lượng được mệnh danh là tự do chỉ là một tập họp nhỏ nhoi và đầy dẫy những tì vết bất lực, tham nhũng trong quá khứ. Vi Chất đau lòng lắm, từng ấy thế lực đã giết chết hàng triệu đồng bào anh, và họ sẽ tiếp tục tồn tại trong một liên minh được chia đều quyền lực để thống trị, số phận của cả dân tộc anh sẽ tùy thuộc vào những đồ tể trá hình núp dưới nhiều danh nghĩa khác nhau này.

Không còn một cách nào khác, lìa bỏ quê hương là một nỗi nhục, bị ruồng rẩy, từ chối là mối nhục lớn hơn nhưng qụy lụy van xin để được chấp nhận là cái nhục tận cùng không thể chấp nhận được. Thôi, về. Vi Chất quyết định như thế và So Phy cũng hết lòng ủng hộ lựa chọn này. Hai người nấn ná chờ đợi để hy vọng thấy tình trạng của Cà Dập được giải quyết; thấy thằng bé được đoàn tụ với gia đình như một an ủi tinh thần trước khi hai người bắt đầu những bất trắc mới.

So Phy thường xuyên tiếp xúc với văn phòng Cao Ủy tỵ nạn để nhắc nhở về trường hợp của Cà Dập; lúc nào nàng cũng được niềm nỡ tiếp đón, nồng nhiệt hứa hẹn. Tuy nhiên, thúc đẩy thanh lọc là một kế hoạch lớn, vận động hồi hương là một chính sách quan trọng, công việc riêng của một đứa bé tỵ nạn mồ côi trở thành quá nhỏ nhoi, vô nghĩa. Người ta chỉ có những nụ cười ngoại giao và những lời hứa chính trị mà hoàn toàn không có một trái tim thông cảm và chia xẻ. Việc đoàn tụ của Cà Dập chỉ được chấp thuận trên nguyên tắc và chấm dứt ở đó.

@

Mai Yên vội vã từ trường về nhà, vừa thở vừa lau mồ hôi và hấp tấp hỏi Nghĩa:

- Anh có nghe thông báo của Task force không? Em có ghé lớp mà không thấy ai, không chừng là thằng bé.

Nghĩa đang chăm chú dịch hồ sơ tái cứu xét cho một người bạn cùng nhà, anh thảng thốt đứng lên, ngơ ngác một chút trước câu hỏi bất ngờ của Mai Yên rồi hốt hoảng nhớ lại những thông báo được lập di lập lại nhiều lần trên loa phóng thanh được giăng mắc khắp trại. Suốt buổi sáng, Phòng Hành Chánh Bệnh viện Sickbay, Văn Phòng giám thị trại và Văn Phòng Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Nhiệm đã liên tục phổ biến lời kêu gọi thân nhân một trẻ em - không rõ danh tánh, đang mê mang vì tai nạn - đến phòng cấp cứu có việc cần bàn. Việc gọi thân nhân người bệnh không phải là điều ít xảy ra, nhưng căn cứ vào sự lập lại nhiều lần mang tính khẩn cấp cùng sự can thiệp của cơ quan có quyền lực cao nhất trại vào công việc chuyên môn của bệnh viện cho biết mức độ hệ trọng của vấn đề làm tất cả mọi người lưu ý. Nhiều người bỏ dở các công tác thiện nguyện để về nhà kiểm điểm con cái; nhiều người khác hớt hải chạy đến trường học, nhà trẻ để chắc chắn nạn nhân không phải thân nhân của mình, người ta bàn tán với ý phiền tránh các phụ huynh vô trách nhiệm đã lơ là với đứa con lâm nạn của mình.

Nghĩa biết tất cả những điều đó nhưng vốn độc thân, chưa từng trực tiếp chăm sóc con cháu gì nên anh chỉ thấy xốn xang chung chung khi nghĩ đến nỗi bất hạnh của một cháu bé không may nào đó mà không hề thấy có sự liên hệ nào đến mình. Lời nhắc nhở của Mai Yên thực sự làm Nghĩa bàng hoàng. Thông báo rất rõ ràng, ai cũng có thể nghe được vậy tại sao không có người đến gặp các cơ quan có trách nhiệm, hay là nghe nhưng không hiểu...Nghĩa thảnh thốt lẩm bẩm một mình: có thể... có thể lắm.

Mai Yên sửng sốt nhìn vẻ luốn cuốn của Nghiã, nàng vội vàng kéo tay anh đi như chạy ra cữa, hai người không nói với nhau lời nào suốt dọc đường đến khu người Miên.

So Phy và Vi Chất đang bình thảng ở nhà, bữa cơm đã được dọn sẵn để chờ Cà Dập. Mai Yên nhìn vẻ vắng lặng của gian phòng và biết điều dự đoán của mình đã đúng, nàng cố trấn tĩnh, nói gọn:

- Anh chị đi với tôi đến bệnh viện một chút, hình như cháu Cà Dập không được khoẻ, đang được khám đại khái gì đó.

So Phy nhìn Nghĩa và Mai Yên, hai người im lặng ngó ra chỗ khác. So Phy vừa xỏ chân vào giép vừa dục Vi Chất đang dũ dũ tờ báo định đậy lên mâm cơm: "Bỏ đó đi anh, nhanh lên xem con thế nào", rồi quay về phía Mai Yên: "Anh chị đã gặp cháu chưa? Nó bị gì? Hiện ra sao?."

Mai Yên làm như không nghe được câu hỏi, nàng kéo tay So Phy chạy lúp xúp, mặt trắng bệt và môi tái ngắt, run run. So Phy mắt đỏ hoe, hỏi như sắp khóc:

- Cái gì vậy? chị nói đi, nói đi, đừng dấu tôi.

Nghĩa và Vi Chất cùng im lặng chạy theo hai người phụ nữ. Phòng cấp cứu lố nhố người. Mai Yên vạnh đám đông lách người vào trong cách cữa khép hờ và rụng rời đứng khựng lại. Cà Dập đang nằm thiêm thiếp trên giường, đầu quấn băng trắng toát, tay chân đều bị cột vào thành giường và đang được chuyền cả máu và nước biển.

So Phy kêu lớn: "Con ơi!" và lao đến sát bên Cà Dập, vừa khóc vừa nhoài người như định ôm lấy đứa nhỏ. Người y tá trực đưa cả hai tay giử chặc So Phy và nghiêm giọng:

- Chị là gì của cháu bé? Sao giờ này mới đến đây? Yêu cầu bình tĩnh, bác sĩ cấm không được làm kinh động người bệnh.

So Phy không hiểu gì nhưng nàng đoán được lời cảnh cáo của người y tá nên chỉ đứng yên, nhẹ nhàng cầm tay Cà Dập, nước mắt chảy ròng ròng, người run rẩy như sắp quị xuống. Mai Yên bước lại gần, đỡ lời cho bạn:

- Chị này là mẹ của nạn nhân, người Kampuchia không nghe được thông báo, xin quí vị thông cảm và xin vui lòng cho biết tình trạng của cháu bé.

Người y tá lắc đầu nhìn So Phy với vẻ thông cảm và quay lại nói nhỏ với Mai Yên:

- Cô ráng an ủi và khuyên người mẹ bình tĩnh, cháu bé té từ cây cao xuống bị chấn thương sọ não nặng, đã chụp hình và làm mọi điều cần thiết, tình trạng tạm ổ định nhưng lúc này chưa thể có kết luận dứt khoát, phải chờ thêm 24 tiếng đồng hồ, nếu không có phản ứng phụ mới thực sự có hy vọng.

- Cháu bị hôn mê luôn như vậy à?

- Gần như vậy, nó chỉ hồi tỉnh chập chờn từng lúc ngắn, những lúc như vậy nó luôn miệng gọi mẹ và thều thào như muốn nói điều gì, rất khó nghe, hình như nhắc đến một con chim gì đó.

Mai Yên nói cho So Phy biết về tình trạng của Cà Dập, nàng không lập lại mọi điều như người y tá đã giải thích, chỉ vắn tắt một số chi tiếc, cố gắng giảm nhẹ mức độ hệ trọng của vấn đề. So Phy khóc ngất khi nghe Mai Yên vô tình nhắc đến con chim mà Cà Dập đã nói trong lúc mê sản, nàng nghẹn ngào nói với bạn:

- Tội nghiệp con tôi, chị biết không, hôm qua nó bắt được một con chim non mới mọc lông măng còn nằm trong tổ ở đâu đó, thằng nhỏ thích lắm, vui vẻ nói cười cả buổi, tôi không nỡ la rầy trách mắng gì nhưng có nói với nó là đừng làm như vậy, con chim còn nhỏ, nó có mẹ và cần mẹ nó; mẹ nó cũng thương và cần nó. Thằng bé hiểu, nó có vẻ buồn và hối hận, sáng nay nó đi học tôi không để ý, chắc nó mang con chim trả cho mẹ nó, leo cây sơ ý để sẩy tay.

So Phy vừa kể vừa khóc, Mai Yên cũng mờ lệ, nàng dặn So Phy ở lại với Cà Dập và lặng lẽ bước ra ngoài. Số người chờ đợi trước phòng cấp cứu khá đông, Mai Yên thoáng thấy trưởng phòng nhân viên Cao Ủy Dam đang ôm một tập hồ sơ dày đứng riêng biệt ở một góc xa, nàng bước lại gần gật đầu chào. Bà Dam gật đầu chào lại và nói nho nhỏ:

- Tôi đã biết tin, rất đáng tiếc, xin chia buồn.

Mai Yên im lặng một chút rồi ngước lên nhìn thẳng vào mặt người đại điện cao cấp nhất của cơ quan nhân đạo quốc tế trong trại và hỏi nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị:

- Thằng bé còn một người cha, bà có nghĩ là chuyện bất hạnh này có thể không xảy ra nếu tất cả chúng ta đều đã làm hết sức để giúp nó không?

Bà Dam trầm ngâm gật gật đầu không nói gì; có một điều gì đó thực sự không vui khiến giới chức lão luyện và đầy quyền uy này mất hẳn vẻ linh hoạt và tự tin cố hữu, bà buồn bã bước sang bên kia đường, trách xa những tiếng ồn ào bàn tán về tai nạn của đứa nhỏ. Tự nhiên bà thấy chán chường, mệt mỏi trước những chương trình, những kế hoạch lớn; thấy ghét con người nguyên tắc, giấy tờ; thấy bất mãn với những tính toán cứng ngắt theo các thứ tự ưu tiên đặc nền tản trên những lợi ích. Đúng, chuyện có thể không xảy ra nếu như việc can thiệp cho đứa bé không bị coi là quá cá nhân, nhỏ bé và bị ghi vào cuối lịch công tác.

Bà Dam thấy mắt mình cay cay nhưng bà không thể khóc, không được khóc. Chút nữa đây bà sẽ chủ tọa một buổi họp, có Giám đốc chương trình cộng đồng kinh tế Âu Châu thuyết trình về kế họach huấn nghệ và tìm việc để khuyến khích thuyền nhân tự nguyện hồi hương. Bà phải vui vẻ, lạc quan, tự tin và uy quyền để điều khiển, dẫn dắt buổi họp đạt được kết quả cao nhất.

Phải quên thằng bé đi, chiều hôm nay bà còn một buổi họp thứ hai với Giám đốc Hội Hồng Nguyệt Mã Lai và Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Nhiệm để bàn thảo kế hoạch cắt giảm ngân sách y tế; đóng cữa các trường sinh ngữ và huấn nghệ; kiểm soát báo chí và thư tín vào trại; gia tăng biện pháp an ninh; tăng cường rào chắn; giới hạn sự đi lại và hủy bỏ toàn bộ các hình thức văn nghệ, thể thao để tạo áp lực tâm lý giúp cho chương trình tự nguyện hồi hương tiến hành suôn sẻ. Bà cũng phải vui vẻ, lạc quan, tự tin và uy quyền để đè bẹp các ý kiến chống đối nếu có.

Phải quên thằng bé đi, thật không dễ dàng gì nhưng nhất định phải quên. Bà Dam tự nhủ và khẽ lắc đầu; ước gì bà được khóc, như một người mẹ, khóc mùi mẫn và tự nhiên; điều ấy dễ chịu biết bao.


Nguyễn Mạnh An Dân

Nguồn: Đặc San CĐ & NTH Qui Nhơn 2010

  

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất