Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200


Thời tiết đã chuyển mùa sang mùa thu, khí hậu trở nên mát mẻ. Dưới ánh sáng lung linh xuyên qua kẻ lá, ánh nắng chiều rực vàng nắng quái chiếu lấp lánh trên đọt cây, ngọn cỏ, gió hiu hiu thổi nhẹ làm lay động cành lá trúc,bụi hoa lan .Ba người đàn bà ngồi xung quanh chiếc bàn tròn dưới tàn cây hồng , dạo nầy không hiểu sao họ nói thật nhiều, thích nhắc đến chuyện ngày xưa . Sợ làm phiền đến người khác, cô y tá đã đẩy xe ra vườn cho họ ngồi với nhau ,tha hồ mà tâm sự.

Bà Thảo nhìn áng nắng vàng nhảy múa trên ngọn cây, bà khe khẻ hát: "Gọi nắng cho cơn mơ chiều nhiều hoa trắng bay. Cho tay em dài gầy thêm nắng mai. Bước chân em về nào anh có hay. Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy."

- Bà hát thật là hay ! Tiếng hát du dương và trầm cảm không khác gì Khánh Ly.

Bà Thảo mơ màng: Cũng một thời mình văn nghê, văn gừng ra phết !.Lúc đó mình bồ với Vinh trong ban văn nghệ trường trung học. Tốt nghiệp xong trung học, hai đứa rủ nhau vào Qui Nhơn học trường Sư Phạm .Không có buổi văn nghệ nào hoặc những buổi tối văn nghệ lưu diễn ở nông thôn mà thiếu mình với Vinh . Hai đứa như cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau. Bạn bè thường gọi đùa Vinh Thảo là hai con sam. Mình cũng mong như vậy ! Hai đứa mình sẽ là hai con sam quấn quít không hề rời nhau một bước cho đến suốt đời . Bà đổi giọng , thầm thì : Tôi nhớ tới những đêm trăng vằng vặc trong khu nội trú của trường ,dưới tàn cây dạ lý hương thơm ngát, Vinh đàn tôi hát, chúng tôi say đắm trong tình yêu đầu đời.Chúng tôi chơi vơi trong lời thơ, ý nhạc. Chúng tôi yêu nhau và hát cho nhau nghe trong gió, trong mây, trong nắng ngả. " Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ , lạc giữa niềm yêu chẳng bến bờ. Tôi muốn tắt nắng đi. Cho màu đừng nhạt mất. Tôi muốn buộc gió lại. Cho hương đừng bay đi."

Hai năm trôi qua nhanh, sau lễ tốt nghiệp ,ba tôi gọi về Huế để tính chuyện trăm năm. Dưới ánh đèn leo lét, chúng tôi họp đại gia đình để quyết định tình duyên bọt bèo của tôi.

Ba chị em gái tôi Thanh, Thi , Thảo sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhất thôn ,ba tôi làm công chức ,nhân viên của Ty Bưu Điện ,đồng lương quá ít ỏi, gia đình tôi sống trong eo hẹp,khổ cực , mẹ tôi phải buôn bán thêm mới đủ sống .Nhận thấy chúng tôi có nhan sắc , ba tôi thường nói : Một bước nhảy lên bà, nếu các con kiếm đươc chồng giàu có hoặc chồng có bẳng cấp lương cao thì cuộc đời của các con mới được sung sướng. Để thực hiện được ước mơ của mình, ba tôi nhịn ăn, nhịn mặc , để lo cho chúng tôi trước. Hơn nửa số tiền lương ba lãnh về, ba dùng để mua quần áo, son phấn và giày dép cho chúng tôi. Bất cứ một buổi tiệc sinh nhật, party hay kỵ giỗ nào trong họ hàng hoặc người quen nào ba cũng bắt ba chị em chúng tôi tham dự. Ba bắt chúng tôi diện thật đep rồi giới thiệu các con với họ hàng hoặc bạn bè nhờ mối mai đưa tiển , ba mong chúng tôi nửa đời sau được sống trong sung túc , không phải chịu cảnh cơ cực bần hàn như ba mẹ .

Ba tôi nói: Thảo đã tốt nghiệp xong trường Sư Phạm. Con lớn tuổi nhất, bây giờ phải tính chuyện lấy chồng. O Hòa bên An Cựu có giới thiệu một nhà thầu khoán giàu có, ở Sàigon gốc người Huế,muốn về đây tìm vợ, nên o Hòa mới làm mai Thảo cho ông Đạt, ông ta cỡ chừng 50 mươi tuổi. Tôi lúc đó mới 21 tuổi, làm sao có thể ưng một người lớn hơn mình ba mươi tuổi để lấy làm chồng ?

Hai hàng lệ chảy dài,tôi thưa với ba là tôi đã có Vinh .Ba hỏi tôi về thân thế của gia đình Vinh rồi quyết định: Con không thể làm dâu một mệ có quán bán cơm được. Vinh là con một, mẹ góa con côi. Dĩ nhiên Vinh phải xin về dạy gần nhà , với hai cái lương của giáo viên tiểu học làm sao con có thể sống mà nuôi con được .Hơn nữa đi dạy về ,con còn phải phụ mẹ Vinh bán cơm , chẳng chóng thì chầy con sẽ trở nên tàn tạ, giống như mẹ con bây giờ ,không còn là cô Thảo xinh đẹp của ba nữa .

Tôi nghẹn ngào khóc ròng. Khi yêu tôi không bao giờ toan tính cuộc đời mai sau sẽ ra sao. Tôi chỉ biết yêu Vinh cho dù sống trong túp lều tranh , buôn bán khổ cực tôi cũng chấp nhận nhưng thực tế mà ba tôi vẽ ra cho tôi thấy không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi thả liều, nhắm mắt đưa chân, nhận lời cầu hôn của ông Đạt. làm ngưởi phụ tình, không bao giờ được tha thứ.

Giọng bà Thảo chùng xuống: Suy ngẩm cho kỹ,tôi là người quá bac bẽo. Sợ nghèo khó, sợ khổ cực mà bỏ Vinh . Đám cưới của tôi tổ chức linh đình. Đồ sính lễ và tiền nát thật hậu hỷ như ý ba mẹ tôi mong muốn. Ngày rước dâu, tôi hờ hững đi bên cạnh chồng tôi, bước ra khỏi cổng nhà để lên xe hoa, tôi bất chợt nhìn thấy Vinh đứng bên kia đường, lẫn khuất trong đám đông nhìn tôi mắt đỏ hoe. Đó là lần cuối cùng tôi thấy Vinh .

Tôi về nhà chồng với cõi lòng vắng lặng. Tôi sống trong nhung lụa ,vật chất đầy đủ,có người hầu,kẻ hạ nhưng sao tôi thấy dửng dưng và không tìm thấy hạnh phúc. Chồng tôi là người quá thực tế. Mổi buổi chiều về anh thường hỏi tôi có lo cho mấy con chim ,con chó của ảnh ăn chưa ? Có tưới mấy bụi bông hồng, có phun sương cho mấy giò lan của ảnh chưa ? Chưa có bao giờ ảnh hỏi han tôi ân cần, hay âu yếm, săn sóc cho tôi. Chưa bao giờ ảnh cùng tôi nghe chung một bản nhạc, chưa có bao giờ ảnh cùng tôi lặn lội giữa đường trăng .Ngày qua ngày, tôi có cảm giác như tôi là một người nô lê, phải lo chuẩn bị quần áo, khăn tắm, nước nóng sẵn để hậu hạ ,phục dịch cho ông chủ .Đối với ông Đạt ,tôi là một cái máy đẻ biết ăn, biết nói không hơn không kém.

Hôm nay tôi nhớ Vinh ,nhớ biển ở cõi xa xăm ngày nào, nhớ anh hiu hắt buổi trưa hè. Tôi nhớ nhung hoài những kỹ niêm thân yêu giữa tôi và Vinh. Bây giờ tôi cảm thấy quạnh hiu và ước gì giòng thời gian quay ngược trở lại , tôi sẽ chọn Vinh . Cho dù khổ cực, nhưng bên anh tôi có nụ cười.

Tiếng hát từ phòng khách của viện dưỡng lão vọng ra ." Quê hương em nghèo lắm ai ơi ! Mùa đông thiếu áo, ngày thời thiếu ăn...."

Bà Hồng trầm ngâm một lát rồi nói: Thưở còn trẻ, tôi không được xinh đẹp như bà nhưng bù lại trời ban cho tôi có một giọng nói dịu dàng và lôi cuốn. Tôi có tài ăn nói và thu phục cảm tình của người khác. Lại nữa tôi được sinh ra trong gia đình giàu có, một tay do mẹ tôi ăn nên làm ra, cho nên tất cả mọi người trong gia đình đều phải tuân lịnh của bà ngay cả ba của tôi . Tốt nghiệp xong trung học, tôi ra Huế theo học trường đào tạo Cán Sự Điều Dưỡng . Ở đây tôi gặp Trường, người cùng quê cũng theo hoc ngành y tá giống như tôi. Chúng tôi rất tâm đầu ý hợp, gặp gỡ với nhau thường xuyên ngoài giờ học. Khi thì biển Thuận An, khi thì bánh bèo thôn Vỹ, khi thì đi ăn chè Cồn. Mặc dù đi chung với nhau đã lâu nhưng Trường chưa bao giờ thổ lộ cảm tình hoặc nắm tay tôi. Tôi nghĩ có lẽ là Trường quá nhút nhát, không mạnh dạn tỏ tình như con trai Huế. Hay là Trường còn chưa yêu tôi ? chỉ coi tôi như một người bạn.

Tôi tốt nghiệp xong trường Cán Sự Điều Dưỡng, về lại Nha Trang xin vào làm y tá tại bệnh viện. Năm đó có một bác sĩ mới ra trường, đươc bổ nhiệm thực tập tại bệnh viện thành phố. Biết được gốc gác, thân thế của gia đình tôi. Bác sĩ Hiếu tìm cách làm quen với tôi và những lúc tôi trực đêm ở bệnh viện, anh Hiếu muốn lấy lòng mẹ tôi bằng cách mua quà cáp, biếu xén và đưa ba mẹ tôi đi vũ trường Thiên Thai. Ngoài việc làm ra tiền, mẹ tôi sống rất cấp tiến, biết hưởng thụ. Ở một thành phố nhỏ như Nha Trang, chỉ có bà là người đàn bà đầu tiên mướn thầy về dạy nhảy đầm và dành nguyên cả một gian nhà trang trí y hệt như vũ trường. Mỗi cuối tuần bà mời bè bạn , tụ họp vui chơi, còn thuê nguyên cả một ban nhạc sống chơi suốt đêm, gây ồn ào náo nhiệt cả một góc phố.

Tôi sống khác mẹ tôi, không tham gia vào những sinh hoạt sống động của bà. Bà còn đánh giá người ta qua tiền bạc và bằng cấp . Bà rất coi trọng bác sĩ Hiếu, nhưng thật ra Hiếu hợp với bà hơn là với tôi cho nên khi bà đề nghị xúc tiến hôn lễ ,gả tôi cho bác sĩ Hiếu, tôi quyết liệt phản đối vì biết được ý định ông ta muốn lợi dụng gia đình của tôi để tiến thân. Để trả đũa lại hành vi của tôi, bà cấm không cho tôi liên lạc với Trường vì chê gia đình chàng nghèo, lại không có bằng cấp gì so với bác sĩ Hiếu. Thế là mối tình chưa tỏ đã tiêu tan thành mây khói.

Buồn tình, trước khi đi làm ,tôi dậy thật sớm ra biển tắm cho khuây khỏa. Ở bãi tắm tôi làm quen được với Tâm, một công nhân xây dựng. Chúng tôi nói chuyện rất tương đắc anh chàng có tài pha trò và nói tiếu lâm làm cho tôi cười suốt buổi sáng. Thỉnh thoảng Tâm có tới nhà thăm tôi. Tôi cảm thấy trẻ trung và yêu đời trở lại nhờ những câu nói hóm hỉnh của anh chàng. Có một lần Tâm đến thăm tôi nhưng không gặp vì tôi bận trực đêm . Lại gặp mẹ tôi, bà hỏi qua về thân thế của Tâm . Khi biết anh chàng sống với mẹ trong túp lều tranh ở gần chợ Đầm và làm nghề xây cất . Bà mỉa mai ,nói bóng nói gió rằng Tâm là đủa tre mà muốn gát mâm son. Thế rồi từ đó Tâm không đến nữa. Tôi ngơ ngác tìm Tâm trên biển vắng, nhưng bóng chim tăm cá, Tâm không bao giờ xuất hiện, bơi chung với tôi nữa.

Tôi sang Đức năm 1980, ở đây tôi quen được một người bản xứ làm đầu bếp trong tiệm ăn. Xóa tan mọi dị biệt về phong tục tập quán, chúng tôi cảm thấy hợp với nhau về mọi phương diện. Lúc đó mẹ tôi được định cư ở Mỹ theo diện con lai, bà chuẩn bị làm giấy tờ bão lãnh cho tôi sang Mỹ để đoàn tụ với mẹ. Tôi dẫn Paul giới thiệu với mẹ, bà nhìn anh ta với ánh mắt mất thiện cảm và phản đối quyết liệt, bà quên mất rằng tôi đang ở lứa tuổi ba mươi ba, chuẩn bị bước vào tuổi trung niên , không cho tôi lấy người ngoại quốc thì ưng ai bây giờ ?

Tôi được mẹ bão lãnh sang Mỹ. Nhờ bạn bè ,làm mai, làm mối cho tôi một tấm chồng nhưng cái duyên đã qua đi, khó tìm trở lại được. Bà cảm thấy chán nản, buông xuôi cho tôi muốn làm gì thì làm ở tuổi bốn mươi. Hai ông bà quay trở lại VN sinh sống bỏ mặc đứa con gái , không dám than thân trách phận, oán trách mẹ mình !

Tình duyên của tôi dang dở vì tôi không có một lập trường dứt khoát. Phải chi ngày xưa tôi không nghe lời mẹ tôi, bây giờ tôi đã có một tấm chồng. Người ta nghèo đâu phải là một cái tội. Vợ chồng nghèo cơm muối ,dưa cà vẫn sống thật hạnh phúc. Bảy mươi hai tuổi đầu, chưa có một người đàn ông nào đi qua đời tôi ! Thật là hẩm hiu !

Bà Đào tiếp lời: Tôi không cam chịu số phận giống như hai bà. Cuộc đời của tôi đầy sóng gió, nhưng mà do tôi tạo ra, không phải do gia đình ép buộc. Tôi sinh ra trong gia đình nho giáo, cha làm nghề dạy học,mẹ buôn bán tảo tần nuôi năm chị em chúng tôi. Tôi là chị cả trong nhà, ba tôi cứ luôn miệng nói : Con phải làm gương cho các em , bắt tôi phải ăn nói lễ phép . Kính người trên,nhường người dưới, phải có công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn

Nhưng ông nào đâu có biết trong tôi là một hỏa diệm sơn ngùn ngụt cháy. Tôi lúc nào cũng muốn phá bỏ cái vỏ đạo đức,khô khan của gia đình mình nhưng tôi làm gì được vì chung quanh tôi lúc nào cũng có cặp mắt của hàng xóm, của họ hàng rình mò, những cái miệng chuyên môn đâm thọt vào đời tư của người khác. Tôi lấy chồng ở tuổi ba mươi hai, vì sợ ế nên mới lập gia đình chứ lúc đó tôi chưa hề biết yêu là gì.

Khi con trai được hai tuổi, gia đình tôi vượt biển sang Mỹ, chồng tôi bị kẹt lại. Sống trong môi trường mới, tôi rất thích thú. Chung quanh nhà là người Mỹ, không ai để ý đến ai, gần mười năm rồi mà tôi không biết ông hàng xóm bên cạnh nhà tên là gì.Tôi bắt đầu sống theo bản năng của mình, làm một người đàn bà hai mặt. Ra đường tôi quậy long trời lở đất, về nhà tôi là một người mẹ hiền, con thảo. Tôi hưởng thụ, sống y như người Mỹ,làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Cuối tuần tôi gởi con cho ông bà ngoại giữ, nướng hết tuần lương vào sòng bài. Ở đây ,tôi gặp gỡ những người tình mới. Tôi không cần biết quá khứ của họ,hiện tại họ là ai , đang làm nghề gì ,miễn là họ cùng sở thích giống như tôi là đủ rồi . Tôi không bao giờ cho họ biết số phone và địa chỉ nhà hay thành phố tôi ở. Gia đình tôi không hề hay biết gì về việc làm của tôi, cứ tưởng tôi buồn vì xa chồng nên đi casino để giải khuây.

Gần 15 năm sau chồng tôi mới sang đoàn tụ. Tôi lấy cớ giấy tờ bất hợp lệ nên trì hoãn việc bão lãnh. Sau một năm chung sống, một hôm dọn dẹp nhà cửa, chồng tôi bắt gặp tờ thơ cũ tôi viết hò hẹn với tình nhân. Thế là ảnh lôi tôi ra tòa ly dị . Cha mẹ chết, con trai tôi lấy vợ ra ở riêng, em út mỗi người mỗi ngã, tôi vào đây sống tiếp những ngày còn lại.

- Hai bà có biết ! cho đến bây giờ tôi còn chưa hề biết yêu là gì ?. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình sống thật là sa đoạ . Chỉ biết thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác , nhu cầu của vật chất mà quên đi mất là mình đang làm mẹ người ta .

Hơn một tháng nay, ba người đàn bà thôi không kể lể chuyện của đời mình nữa mà bắt đầu bước vào giai đoạn trầm cảm, ngồi trầm ngâm, tư lự, không ai nói với ai một lời.

Nhìn mông lung vào bụi trúc vàng được trồng hai bên cánh cổng của viện, bà Thảo quên mất không gian và thời gian,những tưởng mình đang ở một nơi nào đó trong thôn Vỹ Dạ , ngẹn ngào cất tiếng hát: " Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Anh đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về... Khá thương kiếp bình bồng, dẫu khắn khít đôi lòng. Chiều nào em xa anh !"

Bà Hồng dang hai tay ôm trọn người tình tưởng tượng, mắt ánh lên niềm hạnh phúc lứa đôi.

Bà Đào với dáng điệu khoan thai bước xuống sân cỏ, tập thể dục dưỡng sinh thế con trâu bước ra khỏi vũng bùn. Bà xuống tấn, đẩy mạnh hai tay ra phía trước: Xua tan mọi cám dỗ của vật chất và thân xác. Bà cụp hai bàn tay xuống : Rủ sạch bụi trần. Bà dang rộng hai tay ra: Mở rộng lòng từ bi và nhân ái. Bà co hai tay vào trước ngực : Tìm về Phật Tổ.

Cô y tá , theo Đạo Phật, nghĩ thầm: Trong ba người chỉ có bà Đào là biết giác ngộ, đã tự giải thoát cho chính mình sớm nhất, có lẽ sau khi chết đi bà ấy sẽ nhập niết bàn, còn hai bà kia suốt cuộc đời cứ tự trách, sợ sau này hồn của họ sẽ không được siêu thoát.


Sương Nguyễn
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất