"Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi,
Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ"

Hai câu nói trên đã được truyền miệng qua các cụ, qua miệng mẹ tôi như kinh tụng hằng ngày, lúc đó tôi chưa hiểu đời, hiểu người cho lắm, thành ra câu nói trên hình như không nhập tâm tôi cho mấy, cho dù trong lòng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy một anh chàng ngoại đạo nào đó khi lớn lên.

Ngày xửa, ngày xưa, ngày mà tôi chỉ là một thiếu nữ ngây thơ, thánh thiện, thánh thiện vô cùng để có thể trở thành một nữ tu như bao nhiêu nữ-tu khác trong tu-viện. Thế nhưng, đời không như là mơ nên đời đã giết chết giấc mơ của tôi, giấc mơ trở thành nữ-tu mà tôi hằng ao ước. Cũng vì trời không chiều lòng nên tôi đã trở nên Tôi của hiện tại, nghĩa là tôi của những bổn phận, của những trách nhiệm như bao nhiêu người đàn bà chung quanh.

Ngày ấy quen nhau, nhà tôi biết tôi là con chiên ngoan đạo, biết tôi là thiếu-nữ thánh-thiện ngây thơ, biết tôi là nữ-tu không mặc áo dòng nên đã cám dỗ tôi bằng mọi cách, đã bao quanh tôi bằng những chiếc vòng đủ màu sắc làm tôi mờ mắt, làm tôi quên mất những điều tâm-niệm khi tôi trưởng thành.

Nhà tôi lúc ấy chỉ là anh chàng ngoại đạo biết yêu người có đạo, nên tôi đoán sau một đêm mất ngủ, sau một đêm tính toán cộng trừ, nhân chia cuộc đời, đã xoay ngược cái kim đồng hồ, xoay hẳn 180 độ để bước trên con đường từ Chùa dẫn đến nhà thờ một cách thật là ngay ngắn, trang nghiêm, đàng hoàng. Nhà tôi đã tự tham dự những khoá học giáo-lý ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu-Thế mà tôi không hề hay biết, vì cái chiêu bài dụ dỗ của nhà tôi lúc đó nên... "Ngây thơ tôi nào có biết gì, đến khi tôi hiểu thì tôi đã... làm lỡ đời tôi...". Thật đấy quý vị ạ, chàng lúc đó rất siêng năng đi nhà thờ, rất siêng năng tham dự những buổi tĩnh tâm trong mùa Chay Thánh. Chàng đưa tôi đi hết nhà thờ này đến nhà thờ khác, từ những Thánh lễ cổ-truyền ở nhà thờ Đắc-Lộ đến những buổi giảng phòng ở nhà thờ Huyện-Sĩ, nếu quý vị ở vào địa vị tôi lúc đó chắc cũng như tôi chứ chẳng khác gì.

Sáng Chủ-nhật nào chàng cũng đạp chiếc xe đạp lóc-cóc từ Khánh Hội sang mãi bên Trương Minh Giảng, con đường thật xa để đưa tôi đi lễ. Một hôm con bé còn đang say sưa ngủ, bỗng bị Mẹ gọi dậy vì chàng của tôi đã đến. Nhìn đồng hồ trên tường... trời ơi! mới có 4g sáng mà chàng đã đến để đưa tôi đi lễ, rõ khổ cho tôi vì chàng chẳng nhớ đến giờ giấc của các Thánh lễ. Tôi, mẹ nhìn nhau lắc đầu. Mặc chàng ngồi ở phòng khách tôi lên lầu ngủ tiếp mặc kệ mẹ cằn nhằn, lúc ấy tôi vẫn là con bé thích ăn, thích ngủ nên cái sự "ngoan đạo" quá đáng của Chàng làm tôi bực mình. Những lúc như vậy, tôi có cằn nhằn, thì chàng lại lên giọng đạo đức một cách thật dễ thương:

- Tại anh thích đưa em đi lễ thật sớm, sáng sớm đi lễ mình cầu nguyện Chúa dễ nhậm lời hơn...

Trời ơi! nghe một người ngoại đạo nói như thế làm sao mà không thương cho được? Không rung động cho được phải không quý vị? Cái điệu này các cụ còn bị lầm huống gì tôi. Đã vậy lúc đó cái gì chàng cũng cho tôi là Nhất, nào là Em ngoan nhất, em hiền nhất và em cũng dễ thương nhất nữa...

Cuộc đời là những gì không trọn vẹn, cuộc đời là những gì không như ý, cho dù tôi vẫn không nghĩ đến chuyện trăm năm gá nghĩa cùng chàng. Nhưng rồi định mệnh đã đẩy đưa chúng tôi ra đi, đưa chúng tôi đến một chân trời mới. Trước khi đến chân trời mới, chúng tôi đã dừng chân ở đảo Pulau Bidong. Ở đây, mọi người đều phải tham gia những công tác của đảo trước khi đi định cư ở một nước khác. Vì có giọng nói ngọt ngào chứ không chua như bây giờ nên lúc đó tôi đã được chọn làm xướng ngôn viên của đảo, với sáng đọc tin tức, chiều đọc bản tin nhắn người vượt biển, trong khi chàng của tôi sau giờ làm việc ở văn phòng, chàng đã học thêm giáo-lý ở một nhà thờ bé nhỏ trên đồi. Cứ thế, gần 3 tháng chúng tôi rời đảo để sang Mỹ với nhiều mộng mơ, nơi vùng đất Tự-do mà biết bao nhiêu người đang ước ao đặt chân đến.

Như tôi đã nói, "đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ", thật đúng như câu hát mà tôi thường nghe ngày xưa. Từ Los Angeles, chúng tôi đi Dallas, từ đó chúng tôi về Lawton bằng một loại máy bay nhỏ như một loại xe bus dưới đất vì thỉnh thoảng phải hạ cánh để bỏ khách xuống. Đến phi-trường Lawton, nhìn quanh thật ngỡ-ngàng, phi-trường vắng vẻ tiêu điều như một phi-trường Pleiku mà tôi đã ghé đến ngày xưa. Chúng tôi được một Linh-Mục VN ở nhà thờ Lawton đi đón, tôi lúng-túng bước xuống trong chiếc áo dài may trên đảo dùng để mặc trong ngày đi định cư. Gió lồng-lộng, tà áo tôi bay phất phới như bay mất những ý nghĩ đẹp mà tôi đã có trong đầu trước khi đặt chân đến bên này.

Vị linh mục đưa chúng tôi đến căn nhà mà nhà thờ đã thuê cho chúng tôi trong những bước đầu ở đây. Bước vào trong, tôi thất vọng, chán nản, nhìn giường chiếu, đồ đạc chung quanh làm tôi buồn muốn khóc, nhưng không dám khóc vị sợ làm nản tâm hồn chàng. Cái nóng ở đây không giống cái nóng ở Saigòn nên làm tôi khó chịu, cái quạt nước dưới cửa sổ chạy ầm-ĩ làm tôi trằn trọc mãi. Chàng nằm dưới đất, tôi trên giường, đêm đêm có tiếng dế mèn, có tiếng ếch nhái kêu inh-ỏi làm tôi buồn não-ruột, đã vậy thỉnh thoảng lại có tiếng nổ ầm đâu đó, từ một căn cứ quân-sự làm tôi hoảng hốt giật mình, cứ tưởng như mình còn đang ở VN, đang sống trong thời gian chiến tranh pháo-kích.

Một vài ngày sau đó, chàng được rửa tội để chính thức là người có đạo như tôi, để chính thức cùng tôi bước vào nhà thờ một cách đàng hoàng không e-ngại.

Chúng tôi may mắn được nhà thờ chuẩn bị mọi thứ cần thiết, mà một đám cưới phải có tại Thánh đường, cũng như tiệc mừng mà bất cứ đám cưới nào cũng có. Xúng-xính trong chiếc áo cưới rộng hơn mình, đã được những người khéo tay thâu hẹp lại làm tôi cay đắng. Trong Thánh lễ, Cha giảng gì tôi chẳng nghe rõ, tôi chỉ biết tôi đang cô đơn, tôi chỉ biết tôi và chàng là 2 kẻ lạc-lõng không người thân. Cha mẹ tôi đó, anh chị em tôi đông lắm, họ hàng tôi thật nhiều, bạn bè tôi cũng thật là đông, nhưng sao không một ai bên cạnh? Tôi tủi thân, mũi tôi cay nồng, nước mắt tôi bắt đầu rơi từ từ xuống má, xuống môi. Khi Cha bảo chúng tôi nắm tay nhau, chàng xiết nhẹ tay tôi, cái xiết tay của chàng như an-ủi, như vỗ-về, từ nay chỉ còn có tôi và chàng sánh bước trên đường đờ,i đã làm tôi khóc sướt mướt, tôi không kìm được những giòng nước mắt rơi như suối đổ, tôi không kìm hãm được những tiếng nấc nghẹn-ngào tấm tức từ ngày tôi ra đi. ,Tôi khóc đến nỗi Cha phải ngừng giảng, mọi người bàng hoàng lo lắng nhìn chúng tôi kinh-ngạc. ,Tôi khóc như chưa bao giờ tôi khóc, tôi khóc như bị cha mẹ ép duyên... Nhưng rồi, Thánh lễ cũng qua đi, tôi đã là của chàng, chúng tôi là của nhau, mọi người ân-cần đến ôm chúng tôi với những lời chúc tốt đẹp nhất. ,Họ hàng, anh em chúng tôi bây giờ là những người xa lạ, là những người không ruột thịt, là những người chúng tôi chưa hề quen biết, họ đã bao bọc chúng tôi qua sự trìu mến, qua tình con người giữa con người, qua tình anh em cùng một Chúa trên cao.

Tiệc cưới của chúng tôi gồm những món ăn do một nhà hàng Tàu đảm trách, mà nhà thờ đã bỏ tiền ra để khoản đãi trong đám cưới của chúng tôi. "Ơn ai mang lại từ trời..." Vâng, ơn ai mang lại từ trời!..."

Sau đám cưới, chúng tôi là vợ chồng, sáng sáng đi học anh-văn, chiều thả bộ đến nhà những người VN mới quen biết. ,Nhưng có những sáng Chủ-nhật trời mưa thật to, mưa tầm, mưa tã, không áo mưa, không dù che, chúng tôi đành phải ở nhà đọc kinh. Bởi tôi là nữ-tu không mặc áo dòng, nên cảm thấy không yên lòng những sáng như vậy. Nhà tôi đã phải ngồi đọc với tôi đúng 150 kinh, tức 3 chuỗi tràng hạt trước khi bước xuống giường. Nhà tôi lúc đó ngoan lắm, nên bảo sao nghe vậy. Hai chúng tôi cùng đọc, nhưng không biết đọc được bao lâu, được bao nhiêu lần tôi cũng quên không đếm, và khi nhớ lại thì nhà tôi đã quên hết mọi kinh, chẳng còn nhớ được kinh nào. Tôi cũng không còn cái uy của người vợ mới cưới, hay của người yêu bé nhỏ như xưa, nên nhà tôi hình như quên cả con đường dẫn đến nhà thờ... Nhưng, tôi vẫn là tôi, dù con đường từ nhà đến nhà thờ có xa cách mấy, dù tay bồng tay bế, tôi cũng không bao giờ bỏ một Thánh Lễ nào, nên tôi tự hào tôi là người ngoan đạo, cho dù tôi hiểu cái ngoan đạo của tôi không giống với cái ngoan đạo của quý vị, nhưng tôi đã tìm về tôi của những ngày xưa cũ.

Bởi thế, những lúc giận nhau, những lúc giận nhà tôi đến tím gan, tím ruột, nhưng vẫn cứ phải bấm bụng làm lành, để "chúng mình" cùng nhau dắt con đến nhà thờ tham dự Thánh lễ cho phải phép đạo. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi thấy tôi tức nhà tôi, tức tôi, tức luôn cả đời, chỉ vì cái giáo lý mà nhà tôi học ngày xưa không đủ vững, chỉ vì cái kim đồng hồ của nhà tôi quay ngược quá nhanh, thành ra ngày hôm nay tôi mới khổ đến như thế. Đã vậy, những lúc đi nhà thờ, gặp điều gì không vừa ý, là về nhà hết ý-kiến này đến ý kiến nọ làm tôi nhức cả đầu, làm tôi phát giận, để 2 đứa cãi nhau chí-choé. Những lúc như thế, nhà tôi phân bua:

- Có vậy mà cũng giận, anh chỉ nói sự thật chứ anh đâu có bôi bác gì mà em nổi nóng. Chúa đâu có bảo mình phải đồng loã với những gì mà mình cho là không đúng đâu? Rõ là vô lý.

Đấy, nhà tôi là một trong những ông chồng theo đạo vòng vòng như vậy đấy quý vị. Bởi thế, biết tính nhà tôi không còn "ngoan đạo" như xưa, nên tôi cũng chẳng dám để nhà tôi ngồi gần ba tôi vào những sáng Chủ-nhật, sau Thánh lễ bao giờ, vì ba tôi cũng là người có nhiều ý-kiến, cho dù Ba tôi chẳng thuộc cái loại "Lậy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ" như nhà tôi, nhưng sáng Chủ-nhật nào, sau khi đi lễ về đều nghe Ba Mẹ tôi cằn-nhằn nhau:

- Khiếp, sáng nay Cha giảng gì mà lâu thế không biết? Ba đếm đúng 120 chữ "Tôi" trong bài giảng của Cha, Cha giảng gì lung-tung, Ba chẳng hiểu gì cả.

Mẹ tôi tức lắm kêu lên:

- Cái ông này rõ hay, chẳng có ai như ông cả, không có lần nào đi lễ về mà đừng có bới móc hay châm biếm, lần nào đi lễ về cũng có chuyện để nói, đi lễ vậy thì ích gì?

Khi tôi nhắm mắt đưa chân, đi với nhà tôi trên con đường mà tôi hy-vọng, và cứ nghĩ tôi có thể giúp nhà tôi tìm ra chân lý, hoặc cải hoá được nhà tôi theo cái định-lý ngoan đạo mà tôi ước mong. Nhưng thật khổ cho tôi với cái đạo tự tâm mà nhà tôi đã tự vạch cho riêng mình. Quý vị không thể nào hiểu nổi những đau khổ của tôi, khi phải đương đầu với những chuyện lười biếng của nhà tôi. Nếu có bảo nhà tôi đi xưng-tội, nhà tôi lại oang-oang:

- Anh thấy anh đâu có tội gì mà phải xưng?

Tôi nhăn mặt:

- Sao lại không? Này nhé! Tội nói dối vợ, tội xạo với con, tội ăn vụng, tội lười biếng, thiếu gì tội phải xưng...

Nhà tôi cười vớt vát:

- Ừ, thì em biết hết tội của anh rồi, em xưng tội giùm anh đi, nhưng nhớ đừng có xưng tội ăn vụng, anh không có ăn vụng bao giờ cả, ăn vụng là chết với bà, làm sao anh dám?

Nghe nhà tôi nói tức anh-ách. Ngày xưa chưa lấy nhau, nhà tôi đâu có ngại đường xa, cho dù có phải qua mấy cái dốc cầu vẫn thấy nhẹ nhàng như thường, vẫn cứ năn-nỉ để đưa tôi đi lễ, đi nhà thờ, đi nghe giảng... thế nhưng, khi lấy được vợ rồi thì con đường có gần cũng hoá xa, mà mình thì cứ phải mỏi miệng dịu dànng như Thánh nữ để năn-nỉ, ỉ- ôi, lôi kéo để dẫn bằng được "Sa-tăng" đến nhà thờ, nhờ Chúa cảm hoá. Nhiều lúc giận quá tôi phải nói:

- Mình kỳ ghê đi, hồi chưa lấy người ta, mình đâu có lười như vậy? Lấy được rồi quên hết nhà thờ, nhà thánh. Biết mình như thế, có trải chiếu hoa, có lót vàng dưới chân cũng không thèm lấy mình đâu. Người gì mà lười như vậy không biết nữa?... Mai mốt chết, người ta lên thiên đàng, đừng có nắm chân người ta đó, nắm chân, người ta đạp xuống cho mà coi.

Vâng, đấy là cái sai lầm mà tôi không thể làm lại từ đầu. Đấy là cái vấp ngã mà tôi không thể đứng lên để quay đầu lại. Bởi thế tôi cứ hỏi lòng, lấy phải ông chồng theo đạo vòng-vòng như tôi, đã là một vấn đề nhức đầu, huống gì lấy phải ông chồng ngoại đạo, mỗi người một bàn thờ, mỗi người một lời kinh thì làm sao hạnh-phúc? Thì làm sao hợp ý trong cuộc sống hằng ngày? Bởi cái lỗi lầm không bao giờ sửa được, như một vết chàm in đậm trên da thịt, đã đưa tôi đến kết luận sau cùng... Nếu sau này, các con tôi lớn lên, chắc chắn tôi sẽ bảo các con, đừng nên lấy người theo đạo vòng-vòng như bố, và cũng đừng lấy người khác miền như Mẹ, mà hãy "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"...


Nguyễn Thị Tê Hát