Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Ông làm từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Giờ giấc hơi tréo cẳng ngổng nhưng ông rất hài lòng vì ban ngày ông có thể theo học thêm tiếng anh và làm những công việc giấy tờ vào giờ hành chánh. Ông tìm được công việc này qua trung gian một người quen. Biết bao nhiêu người ước ao có một việc làm như ông dù đồng lương chỉ tạm đủ qua ngày. Ông đến xứ sở này khi ông không còn trẻ nữa. Cái tuổi gần 40 đáng lý ra là cái tuổi đã ổn định về công ăn chuyện làm, về gia đình, con cái. Vậy mà đùng một cái ông hiện diện nơi này, tay trắng và với một trái tim chảy máu. Xa lạ, bỡ ngỡ, lo âu, và một nổi buồn cứ xâm chiếm ăn mòn tâm trí ông.

 

Công việc của ông là giúp việc lặt vặt trong bếp, từ xắt rau, xắt thịt đến rửa chén, rửa nồi, hể khi nào hở tay là bà chủ tặng thêm chuyện khác để làm. Ông có cảm tưởng như là hình như người ta mướn mình vào, mình trở thành người của họ vậy. Ông quá thèm thuốc lá mà không có thì giờ nghỉ để kéo vài hơi. Ông cảm thấy trong người bức rức, khó chịu, và bồn chồn. Ngày xưa, nhiều khi chỉ có một điếu thôi, mà cả một đám bạn xúm vào, mỗi đứa kéo một hơi, rồi tán dóc, chuyện trên trời dưới đất, chuyện yêu đương, chuyện tương lai, chuyện thơ văn với cả một khung trời rộng mở phía trước. Đã qua rồi tuổi thanh xuân, đã qua rồi đầu đội trời, chân đạp đất, đã qua rồi, đã qua rồi! Những viễn tưởng cho một bình minh bỗng chốc thành khói sương chiều. Ông thở hắt ra, lòng nặng trĩu một nổi niềm khó tả. Hôm nay ông đứng đây, tập làm quen với dao, với nồi niêu soang chảo, với những lời nặng nhẹ của bà chủ. Cái gì cũng phải tập như đứa trẻ vừa biết đứng chửng cần tập đứng vững, rồi tập đi. Hôm nay là ngày đầu tiên của ông. Ông đứng bảy tiếng đồng hồ liên tục, từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm, cái gót chân ông đau buốt, cái lưng ông cứng đơ, mấy ngón tay ông không mở ra được vì cầm dao quá lâu mà chưa có cơ hội để duỗi ra, ông tái tê thận phận. Xắt mấy củ hành đầu tiên, hai con mắt cay xè, nước mắt, nước mũi tèm lem. Ông lẩm bẩm, phải chi lúc trái tim mình co thắt, lúc hơi thở mình cạn kiết, lúc nổi nhớ mình cồn cào mà nước mắt tha hồ chảy ra lênh láng như thế này thì vết thương đỡ nhức nhối và vết thẹo mau liền. Ông nhìn xuống đất, bên cạnh ông, là một cái bao hành tây đến mấy chục kí lô, củ nào củ nấy to đùng thâý mà ngao ngán. Vậy mà cuối cùng rồi cũng xong. Ra khỏi nhà hàng, hai con mắt ông sưng húp, hai ngón tay với hai miếng băng keo, máu rịn ra ướt đẩm. Vừa về đến nhà, hai đứa cháu của ông, đứa 8 tuổi, đứa 9 tuổi chạy ra đón ông làm ông tỉnh người. Bất ngờ ông nghe đứa cháu trai hỏi "cậu ơi, sao tóc tai, quần áo của cậu hôi quá vậy". Ông đỗ quạu và lớn tiếng "hôi gì mà hôi, không hôi sao có tiền mà trả tiền nhà, tiền cơm, tiền nước cho tụi bay được". Đang líu lo, bỗng dưng hai đứa im re, không dám hỏi thêm gì cả, tiu nghỉu đi vào phòng.

Bên ngoài phòng khách, chỉ còn một mình ông. Ông ngã cái đùng trên cái ghế xa lông, mạnh quá nên cái đít ông chạm phải cái lò xo và mông trái ông chảy máu. Cái ghế này quá cũ, rách nát, những cọng sắt ló lên, nếu không biết cách ngồi thì hỏng việc. Thường khi ông biết cái nhược điểm của nó nên ông ngồi xuống từ từ thì không sao. Sao lần nay ông lơ ngơ lớ ngớ như người mất hồn. Ông lầm bầm, chắc lầm bầm đỡ đau hơn hay sao mà ông cứ vừa xuýt xoa vừa lầm bầm. Hai đứa cháu của ông thấy ông nhăn mày, nhíu mặt, thương ông, muốn an ủi ông mà không dám ra, cứ thập thò ở cửa phòng. Đôi khi trong lòng ngổn ngang quá, sẵn dịp lớn tiếng với hai đứa nhỏ, vậy chứ ông thương hai đứa ghê lắm. Ông ra đi mang theo hai đứa. Đêm hôm ông quyêt định ra đi , tự dưng cô em gái ông hỏi, ông có thể mang hai đứa theo để cô rộng tay mà lo cho hai đứa nhỏ nữa và chồng cô đang ở trong tù. Làm sao ông trả lời không khi nhìn đôi mắt đầm đìa nước mắt của cô em ông. Không biết những giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt van lơn hay là những giọt nước mắt đau đớn khi phải để hai đứa con còn nhỏ xíu ra đi như thế này. Trong đời người có bao nhiêu lần mình phải đứng giữa ngã ba đường. Ông cũng đã từng chọn lựa và đã trả một giá quá đắt cho cuộc đời mình. Và bây giờ, cô em của ông đang chọn lưạ. Chọn lựa nào đúng, chọn lựa nào sai? Nào ai biết! Tuổi trẻ của ông đã qua, vợ con cũng không, nghề nghiệp cũng không. Ông hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm gì trong việc nuôi dạy con cái. Ông đâu ngờ rằng nuôi nấng là một trách nhiệm nặng nề quá đổi. Đâu chỉ cho ăn cho mặc là đủ. Bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công lao, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu buồn phiền, bao nhiêu khó khăn. Có đôi khi ông cảm thấy mình cạn kiêt sức lực. Bù lại hai đứa là cái gạch nối duy nhất của ông để mỗi ngày ông có thể lời qua tiếng lại mà sống tiếp cuộc đời còn lại buồn bã này. Nổi cô đơn cũng đỡ dần bởi những bận rộn cơm nước, giặt giũ và yêu thương.

Ông kêu hai đứa nhỏ ra và nói "Đây là hai cái chả giò nè, bà chủ cho mang về đó, ăn đi". Ông đâu ngờ hai cái chả giò ngon và quí dữ vậy, hai đứa ngốn một cái, hết sạch chứ đâu giống như mấy món ông nấu cho tụi nhỏ ăn. Mỗi khi ông dọn cơm ra, là hai đứa nhỏ cứ nhìn nhau, rồi nhìn ông mà không dám nói lời nào. Hết trứng luột, rồi đến trứng chiên, hết chiên rồi luột, ăn riết rồi tụi nhỏ thấy trứng là mặt mày tái xanh. Hôm nay, ông vui quá vì hai đứa mặt mày hớn hở như bắt được vàng. Tụi nhỏ khoái quá mới nói "cậu ơi, mỗi ngày nhớ mang về hai cái nghe cậu". Ông trợn tròn mắt "bộ ăn cắp dễ lắm sao mà mỗi ngày, tại hôm nay là ngày đầu tiên nên bà chủ đãi đó chớ, còn mua thì tiền đâu mà mua, chiụ khó đi nghe hai đứa". Ông vừa nói vừa mở cánh cửa ở balcony. Ông bước ra, dựa tay vào thanh lan can nhìn mông lung, ngó trời, ngó đất, rồi nhìn xuống bàn tay mình. Ở trên cao nên ông co thể nhìn thấy được một góc thành phố về đêm, sao trên trời và những ngọn đèn xanh đỏ tím vàng rục sáng như những viên kim cương lấp lánh đủ màu. Một vầng trăng treo lơ lững giữa bầu trời. Ông nhớ vầng trăng quê nhà. Làm sao ông quên được cái háo hức, rạo rực của mỗi tối nhìn trăng khuyết, rồi chờ trăng đầy. Trăng mười sáu! Trăng của tuổi vừa lớn!

Trời hôm nay oai bức quá, bầu trời như bao trùm trong một không gian ẩm ướt, ngột ngạt khó thở. Ông càu nhàu, trời đất gì kỳ cục quá, mùa đông thì lạnh đến cóng người, nhiệt độ có khi lạnh xuống đến mấy chục độ C. Ra đường thì phải trùm kín mít, đôi khi chỉ chừa hai con mắt ra mà thôi. Không may hôm nào mà sổ mũi, thì nước mũi đóng thành đá ở hàm râu lỏm chỏm của ông. Hết than phiền mùa đông, ông xoay qua than phiền mùa hè. Nhưng ông vẫn yêu mùa hè hơn vì ông có thể đứng bên ngoài hàng giờ, ngắm trăng sao mà nhả những vòng khói từ cuống phổi đã hư hao của ông. Mùa đông đầu tiên, với cái lạnh ở nơi này mà ông không chuẩn bị quần áo ấm đầy đủ, nên sau mấy tuần đi bộ bỏ báo từng nhà, ông đã bị sưng phổi và phải nằm bệnh viện đến cả hai tuần. Mới đầu bác sĩ không định được bệnh, lo sợ cứ tưởng ông mang một mầm bệnh nào kỳ quái từ đất nước của ông đến đây, nên cách ly ông với tất cả mọi người. Đã vậy, ông còn ghiền thuốc lá nữa chứ, nên ông bèo nhèo không phải vì sốt mà còn vì chất nicotin đang hành hạ ông. Bác sĩ thông cảm, cho ông một điếu, ông thấy như đất trời đang hoà nhập cùng ông. Ông đứng tần ngần và nhớ lại những ngày mới đến đây, nước mắt ông lăn dài trên má hồi nào không hay. Đôi khi ông ước gì mình có thể khóc như phụ nữ, chắc nổi đau, nổi buồn phiền, nổi nhớ nhà da diết, nổi nhớ người bạn gái thân thương nhất, sẽ theo nước mà trôi đi. Ông lim dim nghĩ , Thượng đế đã không phải là không có lý khi ban tặng cho phụ nữ một tâm hồn nhạy cảm, và những giọt nước mắt như suối nguồn không bao giờ cạn. Tưởng là yếu đuối lại chính là sức mạnh. Tưởng là tuyệt vọng hoá ra là niềm tin để suốt đời cứ phải gánh vác khổ đau, cứ phải khóc tiễn đưa những đứa con, những người chồng đi vào cõi chết trong những năm chiến tranh triền miên trên mãnh đát nghèo nàn của ông. Những chia lìa cứ giáng xuống dân tộc ông. Vợ khóc chồng, con khóc cha. Ôi, cả một chiều dài lịch sử, có lúc nào ông thấy những bà mẹ của ông không ngồi tựa cửa mong ngóng người thân.

Ông liên tục, hút hết điếu này, đến điếu khác như cái đầu tàu, rồi có khi còn nhả ra từng vòng, từng vòng và đếm như đếm ngày, đếm tháng cuộc đời mình. Ông rít từng hơi, như rít từng cơn đau chảy ngược vào tim. Bạn bè thì xa xôi quá, mà ai cũng có những bận rộn, lo âu riêng, nếu gọi điện thoại đường dài thì tiền đâu mà trả hằng tháng. Thế nên có những lúc chán đời, ông chẳng biết tâm tình với ai. Phải chăng đó là lý do càng ngày ông càng cảm thấy điếu thuốc như người bạn tri kỷ của ông. Hai đầu ngón tay ông vàng khè. Cũng có vài lần ông cố gắng bỏ hút thuốc không phải chỉ vì tốn kém mà vì lý do sức khỏe. Vậy mà có lần nào ông bỏ được đâu. Ông nhớ đến lần đầu tiên ông quyết định cai thuốc, ông ngủ li bì, không buồn ăn uống gì cả. Ông cảm thấy tâm thần ông bấn loạn, tay chân ông nhức mỏi, không còn thiết tha với công việc. Buổi sáng thức dậy, ông cũng chẳng thèm đánh răng, súc miệng, thấy mụ người ra, cái đầu nhức như ai đang dùng cái búa tạ gõ vào nổi u mê của mình. Ông có cảm giác như mình đang kéo lê, kéo lết cuộc đời trong vô vọng. Ông ráng qua được một ngày, đến ngày thứ hai, đến ngày thứ ba, thứ 4, thứ 5 và đến ngày thu 6 thì ông không còn chịu đựng được nũa. Ông đầu hang vô điều kiện. Ông chạy đi mua mà lòng nôn nóng. Ông tự trách mình, sao mình lại vứt hết thuốc lá đi làm gì, để bây giờ muốn rít một hơi cũng phải mang khăn, đội mũ đi trong gió tuyết mịt mùng như thế này. Lần sau mà co muốn bỏ thuốc thêm lần nữa thì không dại dột như thế nữa!

Mùa hè nơi này cũng kỳ lạ lắm, có hôm nhiệt độ lên đến 42 độ C, độ ẩm cũng không thua gì độ ẩm ở xứ sở ông. Chẳng hạn như hôm nay, trời đậm đặc. Đứng ở lan can trên từng lầu thứ 20 mà một chút gió cũng không tìm thấy. Gió trốn ở đâu? Ông lại miên man nghĩ đến những ngọn gió quê nhà. Những ngọn gió lào khô róc làm miệng môi nức nẽ, mắt mũi rát buốt. Bầu khí quyển như bình dưỡng khí hết hơi. Rồi có lúc, đặc quánh, ẩm ướt, rít chịt từ biển thổi vào. Ôi, mùi gió biển mằn mặn, mùi tanh của rong rêu, mùi tanh của tôm cua, mùi tanh của đời sống thiếu vệ sinh quyện lại thành một cái mùi rất ư là đặc biệt. Cái mùi mà ngày xưa chỉ cần ông thả bộ dọc theo đường Lê Lợi, thẳng một đường đến đường Nguyễn Huệ là đã nghe cái mũi mình dị ứng với nó rồi. Hôm nào cùng bạn bè làm một vòng ở eo nín thở thì một tay cầm cái ghi đông còn tay kia phải bịt mũi. Vậy mà giờ đây ông lại nhớ nó, thèm được ngưởi nó, thèm được nhốt nó vào buồng phổi của mình. Cuộc đời thật lạ lùng, ông thầm nghĩ, cái gì mà đã vuột tầm tay rồi mới thấy là nó quí giá vô cùng. Lời nói này ông nghe cũng rất nhiều lần rồi, nhưng hình như con người khi nào cũng muốn mình là người phải trải qua. Ông cứ thả hồn bồng bềnh theo những cơn sóng lòng của ông mà không nghe tiếng báo động cháy nhà. Khi ông nhìn xuống phía dưới sân, sao thấy người người lố nhố, lớn có, nhỏ có, rồi còi hụ tứ bề. Ông giật mình, chạy vào trong nhà, gọi hai đứa nhỏ. Ông vội vàng cầm lấy cái đèn pin vì sợ bất ngờ cúp điện, cầu thang bộ sẽ tối om. Trong trường hợp này, thang máy ngừng hoạt động. Mà ông lại ở trên cao, đến tầng thứ 20. Ông an ủi ông, còn đỡ hơn những người ở tầng 40. Ông tưởng ông là người sau cùng, vậy mà không phải vậy. Cũng có một vài người, vẽ mặt hớt ha hớt hãi chạy lúp xúp theo sau gia đình ông. Xuống đến nơi, nhìn lên, ông lại giật mình thêm lần nữa. Cái phòng phía dưới phòng ông có hai tầng bốc khói nghi nghút, vậy mà sao ông không ngửi được mùi khét, sao ông không nhìn thấy khói bay nghi ngút. Vậy mà ông đã thản nhiên, tự tại như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông nhìn ông mà ngao ngán ông! Ông nghe loáng thoáng hình như ai nấu nướng quên tắt lò nên mới xảy ra cớ sự. May mắn có người ngửi được mùi khét nên đã gọi sở cứu hoả và đã kịp thời chữa được. Không có ai bị thương cả. Hú hồn! Sau vụ này ông lại nghĩ đến hoàn cảnh của ông. Những lúc ông đi làm, đi học, ông để hai đứa nhỏ ở nhà một mình. Lúc trước, không lo sợ, không nghĩ đến nguy hiểm, chứ bây giờ, nhưng mà tiền đâu mà gửi nhà trẻ ! Ông làm liều, biết sao!

Leo xuống mấy chục tầng lầu bằng đường bộ không thấy sao, mà giờ phải leo lên sao thấy hai cái giò mỏi quá, vừa leo lên ông vưà thở hồng hộc, còn hai đứa nhỏ thì thích thú như đang chơi trò chơi, nói cười tía lia. Ông liên tưởng đến cuộc đời ông. Leo lên thì khó, mà xuống dốc thì sao mà dễ quá, có khi ngủ qua một đêm đã thấy mình nằm ở dưới thung lũng sâu, rắn rít bám chặt đầy người. Mới hôm nào ông còn là môt cậu trai trẻ trung và nhanh nhẹn, với biết bao hoài bảo của tuổi mới lớn, những chiều, những sáng cùng bạn bè tranh luận về một quyển sách mới đọc, về những hệ lụy của cuộc đời mà thấp thoáng ông và bạn bè cảm nhận được. Rồi chiến tranh leo thang. Ông không có quyền chọn lựa, và ông đã bắt đầu cuộc đời lính chiến trong hoài nghi và tuyệt vọng. Me ông khóc. Ba ông trầm ngâm. Ông đã đốt cuộc đời ông bằng những đêm hành quân, bằng những ngày trở về thành phố. Nằm ở trong rừng sâu, nhiều khi cả mấy tháng trời, thèm chút cơm nhà, thèm nhìn thấy nụ cười trẻ thơ, thèm chút ấm nồng từ ánh mắt yêu thương của mẹ, thèm một lời khuyên của ba, thèm một vòng tay của người yêu dấu. Ông không còn ngửi được mùi hương từ trái chùm kết thoảng bay trong gió, mùi bạc hà quyện ở đầu môi. Ông luôn mang theo mùi hương này suốt con đường trở về nhà từ những buổi hẹn hò với người yêu dấu. Nhưng ông đã thay đổi cuộc đời ông bằng một lá thư từ biệt vì sợ ngày trở về không lành lặn, vì sợ ngày trở về là chiếc áo quan. Một cuộc đánh đổi quá nhiều mất mát và đớn đau. Ông đã quyết định đúng không? Câu hỏi này cứ lẫn quẫn trong đầu cuả ông. Ôi!, chiến tranh! Chiến tranh đã lấy mất tuổi trẻ của ông. Bây giờ, ông chỉ ngửi toàn mùi lá mục nát, bởi sương đêm, bởi mưa, bởi nắng, một mùi hăng hắc xông vài mũi, có khi làm ông buồn nôn, lợm giọng. Tình yêu tuổi mới lớn, tình yêu cuộc sống, tình yêu bạn bè, tình yêu cha mẹ, anh em bỗng chốc thay vào là tình yêu đồng đội. Và ông đã cảm nhận được tình yêu này, cũng đằm thắm, sâu đậm, cũng cao quí, cũng mãnh liệt không kém những tình yêu khác. Nhưng mà biết thế nào là đủ. Ối! tình yêu!

Những ngày mới chập chững trở thành lính chiến, lo âu, sợ sệt, bất an cứ chập chờn trong từng suy nghĩ, trong từng giấc ngủ. Ông nhớ đến cái giây phút nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển đến một trung đoàn đóng quân dọc quốc lộ 1. Ông nghe bạn bè hay nói, ai mà bị thuên chuyển về đây là xem như cuộc đời đã khóa sổ, sang trang. Ông nhớ như in, cái đêm 30 tết, cái tết đầu tiên, ông và vài người bạn được mời đến dự bữa tiệc đón giao thừa ở nhà một người quen trong làng. Cũng bánh mứt, cũng bánh tét, bánh chưng và những trò chơi mấy ngày tết như bầu cua tôm cá, xì lát, bài cào từng nhóm nhỏ chia phe, tiếng cười nói rộn rang vang lên giữa mà đêm tĩnh mịch, như hứa hẹn một năm mới với nhiều yên bình và may mắn. Thường thì ông cũng hay tham gia vào trò chơi nếu có dịp, nhưng sao hôm nay ông không thấy hứng thú. Ông ngồi thu mình ở một góc, suy nghĩ mông lung. Ông nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ bạn bè anh em cuả ông, và tưởng tượng giờ này họ đang làm gì, chắc cũng chờ đón giao thừa. Chắc họ cũng đang nghĩ đến ông như ông đang nghĩ đến họ? Ông nhớ đến những đêm giao thừa khi ông còn ở nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có một đĩa trái cây thật xanh tươi với đủ loại hoa quả. Mẹ ông luôn nói với ông, phải có một trái đu đủ, con ạ, thì may ra đời sống mình mới no đủ. Ông theo chọc mẹ ông hoài vì cái ý nghĩ này. Cái nghèo nó bám riết lấy, nó làm tội làm tình mình nên mình phải tự tìm cách vỗ về, an uỉ, cầu xin ơn trên. Ông nghĩ thế và thấy thương mẹ ông nhiều hơn. Rồi còn lập bàn thờ ngoài trời nữa, gọi là để tạ ơn trời đất. Ông thấy ba ông vái tứ phương và lâm râm thì thầm cùng trời đất. Những hình ảnh ấy, ngày xưa, ông thấy tầm thường, vậy mà giờ đây ông lại nhớ nó quay quắt, nhớ đến tím ruột, tím gan. Ông nhắm mắt lại để trí tưởng tượng của ông đi xa hơn nữa, đi xa hơn nưã, bất ngờ, có một bàn tay nhỏ xíu nắm lấy tay ông và hỏi, "sao anh buồn vậy? nhớ nhà hả?". Thì ra đó là cô bé độ khoảng 7 tuổi con ông bà chủ nhà, chắc từ nảy giờ cô bé quan sát ông. Cô bé có một cặp mắt buồn quá, đáy mắt sâu thăm thẳm, đó là cái nhận xét đầu tiên của ông về cô bé. Ông mỉm cười cho cô bé an lòng và trả lời " anh nhớ nhà, anh cũng có một người em gái nhỏ giống em vậy, nhớ lắm". Rồi ông và cô bé cứ quấn quít với nhau cả buổi tối, cô bé cứ theo ông đòi ông kể hết chuyện này đến chuyện nọ. Chuyện Phạm Công Cúc Hoa, chuyện Thạch Sanh, chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn....Ôi! đủ thứ chuyện trên đời. Và ông khám phá ra cô bé cũng có một giọng cười dòn tan mà ấm áp lạ thường, và những chiếc răng mới mọc chưa ngay hàng thẳng lối, mới đáng yêu làm sao!

Đêm cũng tàn, ông và mấy người bạn cũng phải về đơn vị. Ông đâu ngờ rằng, đêm đó là đêm cuối cùng ông gặp cô bé và cũng là đêm ông ôm những người bạn của ông trong hai cánh tay dính đầy máu của ông. Ông ngửa mặt lên trời và một tiếng hét xé trời đã rót ra từ cái cuống họng đắng chát của ông. Một trận tấn công vào nữa đêm đã xảy ra. Cả thị trấn chìm trong khói lửa. Chiến tranh đã thật sự đến với từng số phận.

Ông nắm tay cô cháu gái của ông mà cứ tưởng là đang nắm tay cô bé của ông năm nào, ở cái thị trấn nghèo, xa lắc, xa lơ trong tiềm thức của ông. Đôi mắt ? Đôi mắt ? Sao ông vẫn mang theo bên mình đôi mắt ấy trong chừng ấy năm tháng. Đôi mắt ấy đã muốn nói với ông điều gì? Ông mở cửa bước vào nhà. Căn nhà tối om vì cúp đìên. Ông lại thả người xuống cái ghế xa lông cũ kỹ ấy. Và lần này thì cái mông bên phải rướm máu.


Nguyễn Kim Tiến

28 tháng 10 năm 2008

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất