Có một đêm nào đó thức giấc nửa chừng, cái đài radio 92.7 vẫn còn chơi nhạc, cái kiểu mà mình vẫn thích, một bài Jazz, một bài classic, một bài pops, vân vân. Cái đài này là của cộng đồng Canberra, do những người tình nguyện làm, do đó có nhạc mới cũng như nhạc cũ. Có khi không ở Canberra, mình vào http://artsound.fm (bấm vào "listen online") để nghe, mình giới thiệu với các bạn nghe thử.
Mình tính luôn tiện lông bông vài hàng về âm nhạc, mà tự nhiên bí tị, chắc sẽ vào lại chỗ này lần tới.
Luôn tiện mình bỏ thêm vào mấy cái link từ ABC Australia, nhạc classic, nhạc Jazz
http://www.abc.net.au/classic/audio
http://abcjazz.net.au
Hồi xưa lúc còn học trong Cường Để, mình có vào thư viện trường (đầy những sách đóng dấu ấn "discarded" dày cui vô cùng ấn tượng, có lẽ sách của Mỹ bỏ đi), đọc một cuốn sách nhỏ nói về Albert Einstein (cũng có những cuốn khác nói về Mozart, Beethoven vân vân). Có một câu chuyện nhỏ do một người bạn kể về ông ta, người bạn ấy nói với Einstein, ông ấy không biết gì về nhạc classique, Einstein mới chỉ cho ông ấy một cách, vặn nhạc lên và ... thưởng thức ...
Hồi đó, mình không có phương tiện, ngay cả nhạc ngoại quốc cũng chưa nghe bao giờ (dĩ nhiên trừ những bài vang vẳng ra từ quán bar), có chăng là nhai lại từ những bài nhạc ngoại quốc do các ban nhạc trẻ dịch lại và hát tiếng Việt lẫn ngoại quốc.
Cũng như điếu thuốc đầu đời, ly bia đầu tiên, vân vân ... âm nhạc đối với mình cũng là một con đường mò mẫm ... Hồi mới nghe nhạc Jazz lần đầu tiên, mình bị sốc vì cái kiểu không bao giờ chịu ngọt xuống ... (như ông thợ hớt tóc dùng lưỡi dao cạo tóc mai mình xuống dưới cằm để chấm dứt màn), lúc nào cũng tửng tửng, treo tòn teng trên cái gamme bảy ác liệt ... Tưởng tượng cải lương mà vậy nhĩ, chắc là tới 1001 câu chứ làm gì mà 6 câu ...
Mình chơi guitar một phần cũng vì tò mò muốn áp dụng những gì thầy Ninh dạy vào cây đàn, sau này có dịp mình bèn mua những dĩa nhạc Guitar đem về, những tưởng là sẽ mê như điếu đổ, có điều, lúc mở lên nghe, hình như không giống mình nghĩ, lạc lõng và xa lạ vô cùng, hình như người ta cố tình đánh trật ...
Còn opera ấy hả ? Hồi ở trong cư xá, có một gã mê thứ này, mở nhạc tới cường độ tối đa, và cũng để giáo dục bạn bè, mở toang cái cửa phòng, ôi! khó học bài! Khó tập trung! Khó yêu đời!
Chỉ có nhạc pop là nhứt, nghe là thích, nghe là nghe đi nghe lại hoài, đâu phải người ta đặt nó là pop khơi khơi nhĩ, gần như cái mà bây giờ người ta ráng đặt cho nhạc sến cái tên nhã nhặn là nhạc đại chúng. Bây giờ mình mới nhớ ra, mình vốn thích nghe nhạc sến từ thuở nào đến giờ, nhớ hồi đó những bản nhạc mình tập đánh dễ nhất là những bản của Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Bằng, Anh Bằng) như Linh Hồn Tượng Đá, Đêm Nguyện Cầu, nghe ngọt như đường phèn.
Còn bây giờ nhĩ ? Mình đã nhớ bài học hồi đó, cứ dỏng tai lên ... Có những lúc ngồi uống ly cà phê, nghe tiếng kèn saxophone kéo dài, tiếng piano tíu tít phụ họa, hừm, không biết lúc nào đó mình đã bị "nhiễm vào cái tật" ... Và tật này qua tật khác mấy hồi nhĩ, người ta nói, tất cả những thứ này là "acquired taste", mình đồng ý vô cùng, nhưng cái đặc trưng của "acquired taste" là, nó không có tính phản hồi, do đó, mình xem nó là một cái duyên ... nợ.
Có những lúc, cái gì cũng ngấy, mình vặn bài Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà lên ... Trời ơi vì lỡ sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn ...
Ôi, thật là chân thành, chính xác, thẳng băng, ngay tim, không cục cựa ... Mình nằm dài ra nghe từng tiếng từng tiếng đi dần đến kết cuộc ... tằng tằng tằng ...
Tưởng