
Viết để tưởng nhớ Tr.t. Quận Trưởng Hoàng Lê Cường
Ở Việt Nam, Xuân về, Tết đến là dịp muôn hoa đua nở, cậy cối hồi sinh sau một mùa Đông lạnh lẽo.Nhưng khi nói đến Tết thì ở Miền Nam không thể thiếu Hoa Mai, và ở Miền Bắc không thể thiếu Hoa Đào.Bài nầy xin nói về chuyện Hoa Mai, còn Hoa Đào xin để vào một dịp khác.
Hoa Mai ( ) chữ Tàu viết bộ Mộc ( ) bên trái và chữ Mỗi ( ) bên phải. Theo cách giải tự từ “lục thư” thì trong chữ Mỗi lại có chữ Mẫu tức là Mẹ. Hàm ý của người Hoa cho rằng cây hoa Mai là loài hoa đứng đầu trong các loài hoa. Còn người Việt thì cho rằng chữ Mai và chữ May giống nhau ở cách phát âm, nên cho rằng cây Mai là một loại cây thường đem lại nhiều may mắn. Mai có nhiều giống nên tên khoa học cũng khác nhau như: Giống Mai có tên Prunus Mume, thuộc họ Hoa Hồng (Rosaleal). Giống Mai có tên Prunus Armeniaca Lin, có họ hàng giống với cây Mơ. Và giống Mai có tên Prunus Persica Stokes, cùng họ với cây Đào.Giống Dohna Harman thuộc họ Hoàng Mai Ochnaceae. Ngoài ra còn có Mai Tứ Quý, bốn mùa đều nở hoa và Mai Chiếu Thủy, hoa chiếu xuống đất mà không hướng lên trời. Lệ Thu đã tả Mai Chiếu Thủy như sau:
Khiêm nhường đứng giữa mênh mông
buồn vui thế sự... đục, trong... cõi người
Biết mình phận chẳng thắm tươi
Li ti cánh trắng mỉm cười trao hương
Không như muôn thuở lẽ thường
Nhởn nhơ khoe sắc, hướng dương phô mình
Thăng trầm lòng vẫn lặng thinh
Thản nhiên dưới lá, dấu mình sau cây
Gương soi mặt nước hồ đầy
Bốn mùa thơm một sắc gầy thủy chung
Đơn côi quen với lạnh lùng
Nắng mưa chẳng cậy bách tùng chở che
Xốn xan nắng dội trưa hè
Bóng mình nghiêng xuống lắng nghe nỗi đời
Với ai cuối đất cùng trời
Một loài hoa... một kiếp người hóa thân.
Cũng có giống cây gọi là Mai nhưng lại thuộc họ tre trúc, trong bài Lính Thú Đời Xưa có câu:“Miệng ăn măn trúc măn mai. Những gian cùng nứa lấy ai bạn cùng” là nói đến loại cây nầy chứ không phải cây hoa Mai.
Theo Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí xuất bản năm 1971 thì: 1. Mai là cây có hoa trắng hoặc vàng, cuối mùa Đông thì nở hoa; 2. Cây mơ (cũng gọi là Môi). Còn Tự Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, xuất bản năm 1997 thì: Cây nhỏ, hoa màu vàng, thường trồng làm cảnh.
Và tùy theo màu sắc hoặc đặt tính mà người ta đặt tên cho Mai:
Mai có sắc trắng như tuyết gọi là: Bạch Mai, Mai Ngự Sử.
Mai có sắc màu xanh có tên là: Mai Thanh Đài.
Mai có sắc vàng gọi là: Hoàng Mai, Lạp Mai.
Mai có sắc đỏ gọi là : Hồng Mai.
Mai có sắc xanh và có sáu cánh đan chéo vào nhau như sừng nai gọi là: Mai Thanh Đoài Lục Ngạt.
Mai Chuỗi có hoa và trái kết thành chuỗi.
Mai Tứ Thời hay Mai Tứ Quý có hoa cả bốn mùa.
Mai Chiếu Thủy, hoa có sắc trắng, cánh nhỏ, chiếu nghiêng xuống đất hoặc mặt nước.
Nhưng thực ra Mai là một loại cây thân mộc, đường kính của gốc cây có khi đến nửa mét và cao đến bốn hoặc năm mét. Bình thường người ta chỉ thấy những cây Mai nhỏ chừng hai mét trở lại, trồng trong những chậu sứ, chậu sành bày bán trong những dịp Tết là vì ở tuổi nầy Mai mới dể di chuyển mà thôi, còn nếu trồng dưới đất thì người ta cắt nhánh đem bán, phần gốc để cho Mai phát triển và sẽ cắt nhánh vào dịp Tết của những năm sau.Thân Mai có màu nâu nhạt, cành thường uốn éo, ẻo lả duyên dáng trông đẹp mắt. Do đó, giới thưởng ngoạn đánh giá cái đẹp của một cây Mai là “vô nữ bất thành Mai” có nghĩa là thân Mai không uốn éo như chữ nữ (女) thì không phải là Mai.
Hoa Mai thường nở rộ vào dịp đầu Xuân, trong ba ngày Tết. Muốn cho Mai nở đúng vào ngày Tết hoặc vào thời gian nào mình muốn thì phải lặt lá cho đúng ngày tháng. Đây là một nghệ thuật chơi Mai hay có thể nói là một bí quyết của nhà trồng trọt để thu được lợi là bán Mai đúng vào dịp Tết. Tùy theo khí hậu mỗi địa phương hay của từng năm từng tháng mà người ta sẽ lặt lá Mai vào thời điểm nào thích hợp, có nơi trước hai tuần, có nơi trước một tháng, hoặc biết cách kích thích bằng cách bón những thức ăn cho cây đúng lúc...Hoa Mai thường có năm cánh rất mỏng manh, màu vàng lợt sắc rất tươi cho đến khi rụng vẫn không thay màu. Sau hơn một tháng nở hoa, Mai bắt đầu tàn, các cánh hoa rụng hết thì để lại một đài hoa năm cánh màu xanh như một ngôi sao và dần dần xuất hiện một vành tròn với những hạt màu xanh rồi chuyển thành đen thẩm trông rất đẹp mắt. Đối với hoa Mai Tứ Quý thì đài hoa năm cánh dần dần biến thành màu đỏ và khi vành hột rụng hết sẽ để lại một đài hoa màu đỏ, nhìn cây Mai như đang trổ những đóa hoa màu đỏ rực rỡ vậy. Ngày nay với kỹ thuật lai giống, chiết cành người ta đã tạo được nhiều giống Mai mới; có loại hoa Mai nở tới mười cánh hoa cho tới hai mươi cánh hoa với các màu vàng, trắng có khi có nhiều màu sặc sỡ trên một thân cây, gọi là Mai Giảo, nên làm mất đi cái duyên dáng khôi nguyên của nó; có người cho rằng trông lố bịch và kịch cỡm.
Đối với người Việt Nam, nhất là người Miền Nam rất quý hoa Mai và có thể nói hoa Mai là loài hoa tiêu biểu cho ngày Xuân dịp Tết, vì cho rằng nó là cây mang lại may mắn và đẹp duyên dáng, cho nên ta thấy trên các trang báo Xuân từ trong nước ra đến hải ngoại vào dịp nầy đều có hình vẽ cành hoa Mai kèm với lời chúc mừng “Cung Chúc Tân Xuân, Chúc Mừng Năm Mới, Cung Hỉ Phát Tài, Chiêu Tài Tấn Bữu...”. Mai có nhiều và mọc thành rừng như ở Bình Thuận và Quảng Nam, dọc các tỉnh Miền Trung nơi các chân đồi núi thỉnh thoảng cũng có những rừng Mai nhỏ. Ngày nay kỹ nghệ trồng hoa Mai để bán vào dịp Tết có thể nói là ở khắp nước nhưng nhiều nhất là ở miền lục tỉnh như Sa Đéc, Mỹ Tho; miền Trung như Đà Lạt, Lâm Đồng. Hằng năm vào dịp Tết những chợ hoa ở Sài Gòn được đổ vào hàng trăm loại hoa, từ khắp mọi miền, nhưng đáng kể nhất là hoa Mai vàng.
Tại Sài Gòn trong quyển Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển có đề cập đến địa danh là Đồn Cây Mai, ở Phú Lâm và chùa Cây Mai mà theo ông Trịnh Hoài Đức (thời chúa Nguyễn Gia Long) thì chùa Cây Mai tên chữ là Thứu Lãnh Tự, nguyên xây cất trên một nền chùa cổ Cao Miên xung quanh có đào ao rộng và sâu, hồi xưa mỗi năm tại đây có tổ chức lễ đua ghe ngo, tức là lễ “đưa nước” khi cuối mùa làm lúa và “lễ rước nước” đầu mùa làm ruộng. Dưới triều Minh Mạng, chùa được tu bổ lại.Tương truyền hai ông Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản có lập tại đây một nhà Thủy Tạ trên có gác cao. Bấy lâu nghe đồn tại chùa có một gốc Mai già bông trắng, từng trải mấy phen biến cố, và đã làm đầu đề bài thi bất hủ như sau :
Vịnh Mai Sơn Tự
Đau đớn cho Mai cách dưới đèo
Mười phần trong sạch phận cheo leo
Sương in tuyết đóng cành thưa thớt,
Xuân đến thu về, sãi quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen con bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh thi thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu
Tôn Thọ Tường (Bản Khuông Việt, tr. 88)
Địa danh nầy nỗi tiếng chỉ vì một gốc Mai già chứ chắc không phải nơi đây trồng nhiều Mai.Trong thời Việt Nam Cộng Hòa tại đây có trường Quân Báo Cây Mai, chắc là cơ sở của đồn Cây Mai cũ.
Đầu xuân Canh Tý (1960) thi sĩ Đông Hồ đã đến thưởng ngoạn Bạch Mai tận gốc, rồi viết bài “Tìm Dấu Bạch Mai” đăng trên tạp chí Bách Khoa số 76, ngày 1.3.1960. Ông có bài thơ họa như sau:
Lọ thẳm khơi sông chót vót đèo
Rồng thiêng tiên néo bước xuân leo
Giang Nam mộng cũ xuân man mác
Thi xã hồn xưa gió hắt hiu
Cốt cách thẹn thò bang ngọc tối
Phong tao e ấp tuyết sương chiều
Năm ba hé nở năm ba nụ
Tâm sự nghìn thu chút bấy nhiêu
Trong “Thi Pháp Thơ Đường” thi sĩ Quách Tấn bàn về phép Lập Ý và Cấu Tứ có đề cập đến sự tích cây Mai của hai bài Xướng, Họa cảm vịnh trên như sau:
“Chùa Cây Mai ở Chợ Lớn, cất trên một nổng gò cao.Dưới chân gò có một gốc Mai cổ thụ. Do đó mà chùa được mệnh danh.
Ông Tôn Thọ Tường ra làm việc với chính phủ Pháp. Trước kia ông có cùng một số danh sĩ lập một tao đàn lấy danh hiệu là Bạch Mai Thi Xã, vì thường họp nhau nơi chùa Cây Mai để đề thi ngâm vịnh.
Về sau, khi Nam Kỳ thuộc Pháp, chùa Cây Mai được xem như một yếu điểm quân sự, nên người Pháp mới lập nơi đó một đồn lính. Tôn Thọ Tường vì nhớ cảnh cũ người xưa mà làm bài thơ thượng dẫn.
Thơ nầy, thuộc về thơ vừa cảm cựu vừa thuật hoài, vừa than tiếc nhớ thương người xưa cảnh cũ, vừa cảm nghĩ thân thế, vừa ký thác tâm sự mình.
Lời thơ vừa tả cảnh, vừa tả tình; vịnh vật đó mà thật là ngụ ý. Tác giả TTT làm bài thơ nầy kể được là đúng thể thức “Tỉ nhi phú” của Thi kinh.Thơ lại xây dựng có phép tắc vững vàng, có nghệ thuật điêu luyện.Thi tứ thì thê nhiên mà bút thái thì trang nhã, thi tình thì thâm thiết mà bút thế thì linh động, thuộc về văn chương đại gia, không phải là văn chương tiểu xảo.
Phàm thơ hoài cổ xưa nay có nhiều.Được truyền tụng hơn hết về loại nầy, về thơ Nôm thì phải kể là thơ bà Huyện Thanh Quan. Nhưng thơ Thanh Quan sang trọng quá, đài các quá, ít thiên nhiên mà nhiều nhân tạo, thêm có vẻ kiêu kỳ. Chúng ta thấy tác giả xa cách với chúng ta.
Thơ nầy của TTT thì không thế.Thử so sánh mà coi.
Thanh Quan qua Thăng Long Thành Hoài Cổ thì cũng như Tố Như qua Trấn Bắc Hoài Cổ.
Hương ngự áo chầu của họ Lê không còn thì đã có hương ngự áo chầu của họ Nguyễn thay vào.Hơi hương nếp áo, trước sau đã có khác gì nhau.
Tòa cố cung của Lê triều sụp đổ mà bức tân thành của Nguyễn Tộ dựng ngay lên. Tay thợ kiến trúc nên cung nọ thành nầy vẫn là một tay kiến trúc,
Sóng hồ xưa dẫu có rộn lớp phế hưng, mà chuông chùa cũ vẫn lắng hồi kim cổ.
Thanh Quan, Tố Như có thương nhớ người xưa cảnh cũ nữa cũng là nhớ thương bằng một hoài niệm quen thuộc của tâm hồn, nhớ thương theo nếp cảm tình sẵn có, nhớ thương theo nghĩa lý của sách vở thánh hiền. Trong tâm hồn thương nhớ như có một chút êm ái nhẹ nhàng tạo nên bởi văn chương điển cố.
Đến TTT là một thay đổi đột ngột, một biến cố phi thường, mắt thấy tai nghe thảy đều khác lạ.
Mai nở đó mà phải đâu rớt mùi hương ngự cũ, sương in kia mà phải đâu phong nếp áo chầu xưa. Chẳng những cự thất đã thành quan đạo, mà cố cung với tân thành tất cả đều băng hoại hết. Hồi chuông từ bi thanh tĩnh vừa lặng tiếng ngân trên nền cổ tự điêu tàn, thì đã thay vào đó, nhịp kèn khiêu khích xâm lăng trên đồn lũy chiếm đóng của đoàn quân tinh chiến dị quốc.
So với thơ Thanh Quan, so với thơ Tố Như, thơ của họ Tôn ý tình không xa vắng mà thân mật gần gũi biết bao nhiêu, hoài cảm không lâm li mà thiết tha chua xót biết chừng nào !
Đọc câu thứ 5 và thứ 6 :
Lặng lẽ chuông quen con bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Thì thấy đó là một câu tả cảnh bình dị tự nhiên, mà thật thì thê lương thảm thiết.
Một khi tiếng chuông quen đã lặng lẽ rồi, thay vào đó, tiếng tò le kèn lạ thì chẳng những lòng người con đất nước đau đớn dày vò, mà lòng con bóng xế cũng chua xót dày vò, chẳng những mặt dân tộc ngơ ngác kinh hoàng mà mặt trời chiều cũng giậc mình ngơ ngác.
Thương xót thân mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Tác giả mượn lời vịnh vật thương xót cho cây Mai mà đúng là thương xót cho chính mình.Lại vừa nhắn gởi ai đó có muốn thương xót hộ cho mình, mặc dù ai đó có thương xót nữa, cũng chỉ đứng cách dưới đèo mà thương xót.
Đã đứng cách xa mà thương xót cho nhau, thì nỗi thương xót đó, nếu có, cũng là thương vay xót mướn, là mối thương xót bàng quang hờ hững của khách qua đường.Lòng thương xót và đối tượng thương xót đã bị một lần đèo ngăn cách.
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Lòng thì trong sạch mười phần, mà phận thì cheo leo trăm nỗi. Tôn Thọ Tường muốn phân trần với đồng bối, muốn biện bạch với thiên hạ xưa sau rằng mình trong sạch mười phần, nhưng mà vì cảnh ngộ cay nghiệt éo le, khiến cho lòng trong sạch đó cũng nằm trong tình thế cheo leo khó nói nên lời.
Sương in tuyết đóng cành thưa thớt,
Xuân tới thu về cảnh quạnh hiu.
Thật là vắng vẻ lưa thưa, não nùng hiu quạnh.Một “cành thưa thớt” mà nghe như không gian trống lỏng trống lơ.“Tuyết đóng sương in” mà chỉ thấy những tuyết sương lạnh lẽo.“Thu về xuân tới” mà thời gian dằng dặc miên miên. Xuân thu còn có hạn, mà lòng quạnh hiu đâu có kỳ hạn xuân thu.
Tội nghiệp thay ! Bơ vơ cô độc biết chừng nào !
Những tay rượu thánh thơ thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.
Nhưng ai đâu, tay rượu thánh thơ thần ?Ai đâu, những Đồ Chiểu, những Phan Văn Trị, những Thủ Khoa Huân, những Tuần Phủ Đạt, bạn hữu ta ơi ! Trách ta chi mà sao chẳng xót cho ta, giận ta chi mà sao chẳng tiếc cho ta ?
Trông thấy cảnh mà tiếc thương cho cảnh, chi bằng đoái lại ai mà ái ngại cho ai! Phẩm thanh cao đây cũng ngọc cũng băng, lòng trinh bạch đây cũng sương mà cũng tuyết! Rõ là giọng kêu van của kẻ bị đồng bào khinh bỏ, bè bạn căm hờn, kêu van để cầu xin một tiếng thương tiếc thở dài của đồng bối, cầu xin một nụ cười bao dung tha thứ của thiên hạ xưa sau.
Đọc đi đọc lại, lời thơ gói ghém đón rào, ý thơ ân cần chu chí, khiến cho người đọc thơ trăm năm sau, dầu không rủ lòng thương xót nữa cho nhau, thì cũng khó mà nhẫn tâm ruồng rẫy, khó mà nặng tiếng mỉa mai !
Đông Hồ thông cảm nỗi lòng của Tôn Thọ Tường nên mới phân tích, giải thích bài thơ được rõ ràng, tác giả nói :
Thơ họa thường đã khó mà họa thơ nầy lại càng khó.Khó vì thơ nầy đâu phải chỉ vì một ý muốn họa bài thơ cũ của người xưa.Thơ nầy làm nên là nhân một cuộc du xuân, tìm lại dấu cũ Bạch Mai Thi Xã, thì ý du xuân làm màu cho ý điếu cổ mà lồng trong cảnh ngoạn thưởng Mai hoa.
Tuy là thơ họa, có phải đâu chỉ muốn họa thơ cũ mà chơi, thật là dụng ý gọi hồn cổ nhân sống dậy mà nghe tiếng phán đoán phẩm bình của hậu thế.
Tác giả Tôn Thọ Tường làm thơ Cây Mai đã từng một lần điếu cổ mà bâng khuâng lòng cảm cựu.Nay họa thơ Tôn Thọ Tường là người họa thơ điếu cổ qua một lần điếu cổ, cảm cựu thêm một lần cảm cựu; đem lòng bâng khuâng nghìn sau mà thắc mắc cho tâm sự nghìn xưa từng thắc mắc bâng khuâng, lấy mắt nhân thế tang thương mà nhìn suốt qua tầng lớp tang thương nhân thế.
Lọ thẳm khơi sông chót vót đèo.
Gò Cây Mai này sở dĩ quý là vì đây là nơi trải qua bao nhiêu hưng phế của tiên triều, chứng kiến bao nhiêu tang thương của lịch sử. Quý đây là nơi từng in bước chân du ngoạn của bao nhiêu tay rượu thánh thơ thần.
Tứ thơ đã lồng trong khung ngoạn thưởng, lời thơ lại phải điểm trang bằng màu sắc Mai hoa, khiến nên xuân man mác bóng vẩn vơ mộng cũ Giang Nam, gió hắt hiu chiều ngơ ngẩn hồn xưa thi xã.
Trên gò lịch sử của Miền Nam nước Việt, còn sót lại một cội Mai già, cành Mai cằn cỗi hôm nay không để cho nhìn thấy được một bông hoa nào nở trọn; năm ba vừa hé nở như có chiều e lệ, năm ba còn đang nụ như ngậm ý âm thầm.
Hoa có lời chăng, mà hoa cứ nghẹn ngào; hoa có giọt sương hoa, mà hoa không nức nở:
Năm ba hé nở, năm ba nụ,
Tâm sự nghìn xưa chút bấy nhiêu.
Than ôi ! Nghìn xưa tâm sự chút có bấy nhiêu ! Trăm năm tâm sự, còn chút bấy nhiêu là tình !”
Sau đó học giả Thái Văn Kiểm và cụ Vương Hồng Sển cũng có đến ngắm cây Mai “cổ tích” và viết bài “Tìm Dấu Bạch Mai” cũng trong Bách Khoa, số 78, ngày 1.4.1960.
Còn ở Miền Bắc có lẽ thích hoa Đào hơn, nhưng vẫn có những rừng Mai, nên trong bài thơ Hương Sơn Phong Cảnh của Chu Mạnh Trinh có viết :
Bầu trời cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non nước nước mây mây,
Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải ?
Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái,
Lững lơ khe nước cá nghe kinh,
Vẳng bên tai một tiếng chày kinh,
Khách tang hải giậc mình trong giấc mộng...
Cây Mai chắc chắn đã có từ lâu đời, nhưng người đời thích Mai từ lúc nào chưa thấy có tài liệu nào ghi chép, chỉ qua thơ văn chúng ta thấy từ đời nhà Đường (618 – 905) là thời thịnh nhất của Đường Thi, các thi nhân thường ngâm phong ngợi nguyệt, đề cập đến hoa xuân, nhưng ít thấy có bài ca tụng hoa Mai. Lưu Vũ Tích trong bài Xuân Tứ cũng chỉ phớt qua :
Tân trang nghi diện hạ chu lâu,
Thâm tỏa xuân quang nhất viện sầu.
Hành đáo trung đình sổ hoa đóa,
Tình đình phi thượng ngọc tao đầu.
Diễn nghĩa :
Điểm trang xong xuống vọng lầu,
Buồn chan chứa khóa vẻ màu viện xuân.
Đếm hoa bước vội ra sân,
Chuồn chuồn bay đậu phân vân trên đầu.
Và Ôn Đình Quân trong Xuân Nhật Ngẫu Tác cũng chỉ viết :
Dạ văn mãnh vũ phán hoa tận
Hàn luyến trùng khâm giác mộng đa.
Diễn nghĩa :
Đêm nghe mưa nặng hoa rơi hết,
Nhớ lạnh nhiều chăn thấy mộng tràn.
Đến đời Bắc Tống (960 – 1126) rồi Nam Tống (1126 – 1279), ca tụng hoa Mai có Lâm Bô (967-1028), ông là một ẩn sĩ thuần túy : không đi thi, không cầu làm quan và cũng không lấy vợ. Sau một thời gian ngao du vùng Trường Giang và sông Hoài, ông trở về Hàng Châu, làm nhà trên núi Cô Sơn, Tây Hồ. Tại đây ông trồng Mai, nuôi hạc, sống tiêu dao tự tại. Người đương thời gọi ông là “Mai thê, hạc tử” (lấy Mai làm vợ, lấy hạc làm con”. Ông có nhiều bài thơ ca tụng hoa Mai trong Hoa Tĩnh Thi Tập, gồm hơn ba trăm bài thơ, nhưng đặc sắc nhất là bài Mai Hoa :
Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên,
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên.
Sở ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Sương cầm dục hạ tiên thâu nhãn,
Phấn điệp như tri hợp đoạn hồn.
Hạnh hữu vi ngâm khả tương hiệp,
Bất tu đàn bản cộng kim tôn.
Diễn nghĩa :
Trăm hoa rụng héo, một mình vươn,
Trọn chiếm phong quang cả mảnh vườn.
Nghiêng bóng thưa trông làn nước cạn,
Ngát hương rộng tỏa lúc hoàng hôn.
Chim trời ghé mắt đà mong đậu,
Bướm phấn tan hồn hẳn muốn nương.
Nhờ có tiếng ngâm, chen chúc lại,
Đâu cần đàn địch, rượu nồng hương.
Hai câu “Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển.Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn” được Âu Dương Tu rất mực tán thưởng, nhiều sách thi thoại xưng tụng là “thần cú” (câu thơ thần).
Và Vương An Thạch (1021-1086) cũng có bài thơ tựa đề Mai Hoa :
Tường giác sổ chi mai,
Lăng hàn độc tự khai.
Dao trì bất thị tuyết,
Vị hữu ám hương lai.
Diễn nghĩa :
Góc tường có mấy nhành mai,
Vượt trời mưa lạnh trổ vài bông hoa.
Biết không phải tuyết từ xa,
Vì chưng đưa lại ngạt ngào mùi hương.
Ở Việt Nam thì từ đời nhà Lý, Đại sư Mãn Giác (1045-1096), tục danh Lý Thường, con quan viên ngoại Lý Thường Tố, được vua Lý Nhân Tông (1072-1127) dựng chùa Giáo Nguyên bên cung Cảnh Hưng để ông tu hành, nhìn sức sống tràn đầy của cây Mai đã hứng khởi viết lên bài “Cáo Tật Thị Chúng” rất nổi tiếng còn truyền tụng đến ngày nay :
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Diễn nghĩa :
CÁO BỆNH CÙNG MỌI NGƯỜI
Xuân đi hoa rụng hết rồi,
Xuân về hoa lại bồi hồi nở hoa.
Việc đi trước mắt nhạt nhòa,
Già trông tóc đã điểm màu tuyết sương.
Cuối xuân đừng tưởng Mai tàn,
Đêm qua sân trước một cành nở hoa.
Trong “Kiến Văn Tiểu Lục” của Lê Quý Đôn có nhắc tới câu chuyện Nhất Chi Mai như sau :
Tổ phụ của Hồ Quý Ly vốn người Tàu, đã tị nạn chiến tranh sang Đại Việt, và định cư ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Một hôm trên đường đến Thăng Long tìm kế tiến thân, Hồ Quý Ly đã lượm được một quyển sách bỏ rơi bên đường có nhan đề là “Quảng Hàn Cung Lý Nhất Chi Mai”. Nhờ đọc nó mà kiến thức của ông trở nên uyên bác nhất là về chính trị và quân sự.Sau được vua Trần Nghệ Tông trọng dụng, được thăng quan tiến chức rất nhanh.Một hôm nhân triều thần hội họp, đông đủ các quan văn võ. Vua Nghệ Tông chỉ vào rừng quế quanh điện Thanh Thủ mà ra một câu đối là:
Thanh Thủ điện tiền thiên thụ quế.
Trong khi các quan đang suy nghĩ, thì Hồ Quý Ly chợt nhớ tớ nhan đề quyển sách lượm được liền ứng đối ngay:
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai.
Vua Trần kinh ngạc bởi nhà vua có một công chúa tên Nhất Chi Mai đang ở bên cung Quảng Hàn do vua đặt tên. Hỏi ra Hồ khai thật, vua cho là duyên số.Từ đó Hồ được vua tin yêu và cho kết duyên với công chúa Nhất Chi Mai, tức Huy Ninh công chúa. Do đó mà Hồ mới có cơ hội củng cố thế lực rồi cướp ngôi nhà Trần (1400) sau khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông đã băng hà.
Trong thơ văn, các văn thi sĩ thường tả nét đẹp của người con gái qua vóc dáng Mai gầy Liễu rủ. Cụ Nguyễn Du tả chị em Thúy Kiều với câu:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Hoặc:
Điệu buồn như liễu, dáng gầy như mai.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu cũng mượn Mai để ví người con gái :
Cành Xuân hoa chúm chím cười,
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.
Người đời, nhất là những văn nhân thi sĩ thường ưa thích hoa Mai là bởi ảnh hưởng của Nho Giáo vì cho rằng Hoa Mai tượng trưng cho đức tính của người quân tử, bởi vì cây Mai rất dẻo dai, bất khuất trước mưa gió, và khí hậu khắc nghiệt của mùa đông. Mùa đông Mai rụng lá trơ cành nhưng đến mùa xuân thì đâm nụ và nở ra đầy hoa với mùi hương thoang thoảng ngạt ngào.Cũng như chuộng trúc vì “tiết trực tâm hư”. Do đó mà mỗi độ xuân về, Tết đến mọi người ai ai cũng muốn có một cành Mai chưng trong nhà vì họ tin rằng hoa Mai sẽ đem lại may mắn trong năm.
Mai có thật sự đem lại may mắn hay không ? Xin kể ra đây vài câu chuyện về Mai :
1.Chuyện “Hoa Lạc Hoa Khai”.
Trường thi Bình Định khoa Ất Mão (1885) dưới triều vua Hàm Nghi, Chánh Chủ Khảo là Bố Chánh Quảng Nam Bùi Tiến Tiên.Một đêm trước ngày thi quan nằm mộng thấy một bà lão đem tặng một nhành hoa Mai, nhìn kỷ chỉ thấy toàn nụ xinh tươi. Quan đưa tay cầm lấy thì nụ hoa liền rụng xuống nghiêng son và từ từ nở bông cánh trắng nhụy vàng, mùi hương tỏa ra thoang thoảng nhẹ nhàng, nhìn quanh bà lão đã biến mất. Giật mình tỉnh giấc cảm thấy mùi hương như còn phảng phất quanh phòng, nên băng khoăn không hiểu là điềm gì.
Khoa năm ấy vừa thi xong trường ba thì được tin kinh thành Huế thất thủ trước sức tấn công của quân Pháp.Nhà vua phải lánh nạn ra Quảng Trị. Sĩ tử mất tinh thần, hoang mang bỏ thi gần hết.Vào trường tư chỉ còn tám người đều trúng tuyển Cử Nhân.Khi thấy trong số tám cử nhân có người họ Mai tên Xuân Thưởng, quan xem lại quyển của Mai Xuân Thưởng thì thấy văn chương có khí phách nên đoán rằng điềm mộng ứng vào người nầy.
Trong lễ ban áo mão cho các tân khoa, quan Chánh Chủ Khảo có tặng một bài thơ :
Sơn hà phong cảnh dị tiền niên,
Hoàng giám du khan thử địa huyền.
Hận mãn xương môn trần ám ngoại,
Lệ linh văn viện bút đình biên,
Lịch triều giáo dục ân như hải,
Bát giải thanh danh phẩm thị tiên.
Nhất dự y quan nan tự hủy,
Cương thường khán thủ cổ anh hiền.
Diễn nghĩa:
Non sông xưa đã khác rày,
Gương “hoành công khí” nơi nầy còn treo.
Cửa rồng hận ngất trời hiu,
Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn.
Lịch triều lai láng biển ân,
Dự phần bát tuấn thêm phần thanh cao.
Áo xiêm trót đã buộc vào,
Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.
Riêng Mai Xuân Thưởng được quan mời vào phòng riêng ủy thác đại sự: “Lúc nầy nước nhà còn mất, phần lớn đều do nơi đám sĩ tử. Làm việc phải hết sức cẩn thận”.
Mai Xuân Thưởng lĩnh ý trở về quê noi dấu người xưa dấy binh giúp vua chống Pháp.Đại nghiệp không thành, Mai công đã bị tử hình cùng với các đồng chí, vừa tròn 28 tuổi. Tuy sự nghiệp dở dang nhưng gương TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA đã được các thế hệ thanh niên Việt Nam soi chung. Danh thơm còn rạng đến muôn đời, như hoa Mai vẫn tỏa ngát hương khi mỗi mùa xuân đến.
2. Chuyện “Hoa Mai Báo Điềm Gở”.
Tháng 12 năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường QGHC, tôi được bổ nhiệm về tỉnh Bình Định và nhiệm sở đầu tiên của tôi là Văn Phòng hành Chánh Quận Hoài Nhơn. Vị Quận Trưởng bấy giờ là Thiếu Tá Hoàng Lê Cường, ông tốt nghiệp khóa 16 trường võ bị QGVN, được biệt phái từ binh chủng Biệt Động Quân. Tuy là võ quan nhưng tính tình của ông rất hiền hòa, khiêm cung và từ tốn. Ông về nhậm chức Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng ở đây cũng chưa đầy một năm, dân tình rất mến ông có lẽ vì những đức tính trên và đang được tiếng là một vị Quận Trưởng giỏi và thanh liêm. Trước khi nhận nhiệm sở tôi có gặp ông tại nhà riêng của cha tôi, vì thỉnh thoảng ông đến thăm cha tôi và nói chuyện với nhau về tình hình địa phương và những việc mà ông muốn biết về dân ý. Do đó khi tôi được về phụ tá cho ông trong cương vị một Phó Quận Trưởng hành chánh thì được ông đối xử như người nhà. Và cũng nhờ thế mà chúng tôi rất được các vị lãnh đạo tinh thần, các vị nhân sĩ và đồng bào rất thương yêu mà bằng chứng là những công tác chúng tôi đề ra đều được họ hết lòng hưởng ứng. Tôi và ông rất tương đắc cho nên có nhiều đêm đã một hai giờ sáng mà ông vẫn cho lính mời tôi vào phòng tiếp khách của ông, có khi thì bàn việc công, có khi thì đàm đạo với nhau về đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất.
Một ngày gần Tết của năm Nhâm Tý (1972) trong khi nói chuyện về hoa trong ba ngày Tết, ông nói với tôi:
-Anh Lượng nè, Tết năm nay chắc tôi không chơi Mai.
-Tại sao ? Tôi hỏi.
-Vì năm ngoái ông Hiền (tức vị Quận Trưởng tiền nhiệm và cùng một khóa 16 trường VBQG với ông) chơi một cây Mai thật đẹp nhưng sáng mồng một thì tự nhiên hoa bị héo rụng, tháng sau Hiền bị thuyên chuyển vào Bình Dương, sau đó bị Việt Cộng phục kích bắn chết, cả lính và Cố Vấn Mỹ đến cả chục mạng.
-Tôi nghĩ có Mai hay không Mai thì sự việc cũng sẽ xảy ra cho mình như thế thôi. Cây Mai nở hoa tươi thắm thì báo cho mình năm mới công việc làm ăn sẽ tốt đẹp, còn bị héo thì nó báo cho mình biết trước những việc xảy ra không tốt để mình đề phòng thì càng hay chứ có sao đâu. Tôi tiếp lời
Sáng 30 Tết, tôi nhớ hôm đó là thứ Hai, tôi vào văn phòng của ông và mời ông chiều hôm đó sang nhà cha tôi ăn tất niên. Ông thoái thác vì bận công chuyện phải ra Căn Cứ Đệ Đức nơi Trung Đoàn 40 đang đóng quân.Chiều tối tôi trở về và đi vào văn phòng quận gặp ông. Vừa bước chân vào văn phòng tôi đã thấy một chậu Mai thật lớn và rất cao cở một mét rưỡi và bông thì rất sai không chê vào đâu được. Tôi lên tiếng trước :
-Sao Thiếu Tá nói năm nay không chơi Mai, mà bây giờ kiếm đâu ra cây Mai đẹp thế nầy ?
-Ông Nguyễn Văn Vinh (một thương gia có tiếng trong quận) vừa mới đem tặng đó, chẳng lẽ mình không nhận. Ông nói.
-Sáng mồng một, theo thông lệ, tất cả nhân viên và binh lính phải tập trung trước sân Quận Đường để chào cờ đầu năm. Sau đó thì chúng tôi được mời vào văn phòng dùng trà. Khi bước vào tôi rất ngạc nhiên thấy chậu Mai mới chiều hôm qua rất tươi tốt mà chỉ qua một đêm bây giờ các nụ hoa bị héo cả và chúc đầu xuống đất. Tôi không dám lên tiếng cho đến khi ra về. Tôi biết Thiếu Tá Hoàng Lê Cường đang lo âu và buồn lắm. Tôi cũng đâm lo việc gì sẽ xảy ra ?
Tháng Tư năm ấy (1972), bắt đầu chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa tấn công vào các quận Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tam Quan thuộc Bắc Bình Định. Thiếu Tá Hoàng Lê Cường bị tử thương và quận Hoài Nhơn bị giặc tràn ngập. Ba tháng sau quân lực VNCH tái chiếm, sau đó dân chúng lập Miếu Thờ Thiếu Tá Hoàng Lê Cường tại đầu cầu phía Bắc bên bờ sông Lại Giang. Cựu Dân Biểu Lê Huy Hồng tặng một đôi liễn đối để ghi nhớ một anh hùng tuẩn quốc và được thờ tại Miếu :
Nhất Phiến Hùng Tâm Thân Tuẩn Quốc,
Thiên Thu Cao Tiết Chính Lâm Dân.
3.Quyển “Mùa Mai Đỏ”
Sau biến cố 1975, một cán binh Việt Cộng cho ra đời quyển “Mùa Mai Đỏ”(tôi không còn nhớ tên tác giả). Sách không nói gì về Mai Đỏ hay Mai Vàng mà ghi lại vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại Huế. Tác giả nhận lệnh từ đâu, phải bắt người, phải giết người tập thể như thế nào, và đã góp phần gây cho Cố Đô Huế một biển máu trong mùa hoa Mai đang nở rộ ra sao !!!... Nó cũng tố cáo phần nào tội ác chiến tranh và diệt chủng của nhà cầm quyền Hà Nội và đảng Cộng Sản Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên nó bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành sau đó!
Cho dù có nói gì đi chăng nữa, và mỗi người có cái nhìn về hoa Mai dưới một nhãn quan như thế nào, thì hoa Mai vẫn gắn liền với phong tục tập quán trong nét văn hóa của người Việt Nam chúng ta.
Nguyễn Công Lượng