Bài viết này lẽ ra nên nằm trong mục Lời Bàn. Nhưng tác giả thấy nội dung có thể chia sẻ với nhiều người nên mạnh dạn coi nó là Tạp Ghi. Dù sao những mẫu chuyện liên quan đến những người nồi niêu bếp núc cho trang cuongde.org.- cũng đáng xem và thú vị!

Số là mới đây tôi viết một email dài gần trang giấy gửi cho Admin trang web cuongde.org, trong thư tôi nêu cảm nhận của mình như sau: "Phản hồi rất kịp thời, biên tập hợp lý, nội dung phong phú, đa số bài vở có chất lượng, phần giới thiệu tác phẩm và tác giả trên Trang Nhà khoa học... Nói chung là nội dung tôi khá hài lòng nhưng hình thức thì chưa".

Không lâu sau đó tôi nhận được hồi âm từ Admin. Thư khá dài nhưng tôi xin chỉ rút ra một vài ý chính sau:

"Cái đẹp của hình thức thì chỉ tới một giới hạn nào đó mà cái đẹp của chữ nghĩa thì không biết đâu mà lường..." Admin phán một câu chí lý!.

Đúng, ví dụ Truyện Kiều của Nguyễn Du hay ba bài thơ mùa thu (Thu Ẩm, Thu Điếu, Thu Vịnh) của Nguyễn Khuyến đã là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người có học ai cũng biết, đâu cần gì minh họa, giả sử cho minh họa cũng khó. Không khéo dễ bị phản cảm. Tỷ dụ (đã xảy ra rồi) vẽ bìa Truyện Kiều bằng hình ảnh một thiếu nữ trang phục cổ xưa, ôm đàn tỳ bà hay minh họa ba bài thơ mùa thu bằng vài bức tranh thu nào đó (chẳng hạn tranh Mùa Thu của Levitan hay tranh Tàu) thế nào cũng bị chê : "Ê, cô gái này xấu lắm, đâu có được làn thu thủy, nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh như Thúy Kiều đưa ra làm chi...", hoặc là: "ảnh mùa thu của tây, tàu chứ đâu phải thu Việt Nam thế kỷ 19 mà post lên làm gì, trớt quớt!".

Nếu bố bảo, tôi sẽ tìm cách minh họa bằng một đoạn thơ chữ Nôm, viết chữ thư pháp đàng hoàng. Để cho bàn dân thiên hạ thực mục sở thị chữ viết ngày xưa. Ai cũng biết chữ Nôm là do ông cha ta chế tác từ chữ Hán. Trăm = bách + lâm, Năm = niên +nam ... đại khái như vậy. Từ con chữ bác học mà cải biên thành con chữ nôm na tải đủ hàng loạt tác phẩm tiếng ta để lại cho con cháu đời sau, kể cả những câu thơ cực kỳ tài tình quỷ quái như "trái gió cho nên phải lộn lèo" của nữ sỹ họ Hồ, phải nói là đại kỳ công. (Mãi đến thời vua Quang trung chữ Nôm mới được công nhận là Quốc ngữ, tiếc con cháu ngày nay ít người biết vì trót học chữ La tinh của giáo sỹ Đắc Lộ mất rồi).

Tính tôi đơn giản, đi chợ mua gà dù thứ gà nào cũng chỉ chia thành 3 loại, tiền nào của nấy:

Loại 1: gà ngon (gà tơ, gà đồng, gà thả vườn, gà đi bộ ...);

Loại 2: gà làng nhàng;

Loại 3: gà dở (gà công nghiệp, gà siêu thịt, gà đông lạnh, gà tồn kho năm ngoái năm nay đem ra bán...).

Trở lại chuyện văn chương, thôi thì cứ như vậy đi:

Văn chương loại 1: các tác phẩm để đời, tác phẩm đoạt giải Nobel, Goncourt, Pulitzer, giải quốc gia, giải khu vực, giải thành phố, best sellers ...; các tác phẩm  /tác giả đã được công nhận là di sản văn hóa (Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính ...).

Văn chương loại 3 : loại câu chữ tù mù, nội dung trống rỗng, văn như nói, thơ như vè (dù có được in / trình bày đẹp cỡ nào).

Văn chương loại 2: không thuộc hai loại trên, là loại "tài tử" (chữ dùng rất sang của Admin). Một lần nữa Admin nhà mình lại nói chí phải và "chí dễ thương": "Anh sẽ thấy là trang web (cuongde.org) chính là cho những người viết "tài tử", viết cho mình vui là chính, rồi thảy lên web, ai đọc thì đọc".(ai không đọc thì thôi. he! he!)

Không tự cao quá, rất khiêm hơi tốn, bỉ nhân tự động bước vô hàng số 2. Nghĩ rằng hàng số 1 là của tiền nhân, cuongde.org may ra được vài người như thầy Nguyễn Mộng Giác, mà chắc gì các vị còn sống lâu (tài hoa yểu mệnh mà! Em không có nói Thầy đâu...); còn hàng số 3 thì xin miễn vì counter cho thấy bài nào của bỉ nhân "nhảy lên web" cũng đón tiếp chục đến trăm người dạo.

☻.

Nhưng phàm ở đời, đàn bà không đẹp để chim sa cá lặn như Tây Thi, không xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn như Chung Vô Diệm thì nên biết trang điểm; phụ nữ mà không biết trang điểm một chút cho thiên hạ coi thì cũng dễ bị rớt hạng lắm đó!

Nhà thơ, nhà văn tầm tầm cho ra quyển thơ, trang văn mà hình thức bèo nhèo ai coi ? It ra cũng giấy trắng, mực xanh, bìa cứng, ảnh màu, bạn bè cầm lên tay thấy thơm thơm mới ghé mắt: Ờ thằng nầy coi vậy mà biết viết , chỉ cần vậy vậy thôi là "sướng" rồi. Một vài tấm ảnh nghệ thuật chèn vô bài thơ; một vài tấm ảnh tư liệu chèn vô bài văn, vô hình trung nâng cao giá trị thưởng thức cho người xem. Cảnh trợ tình, tình nhuận cảnh, bạn đọc sẽ thấy tâm hồn thú vị hơn, cảm xúc dâng trào hơn ...

Cho nên khi Admin bảo: "thi" nếu hay là đủ rồi, không cần "ảnh" phụ theo! Tôi không làm thơ, nhưng nếu có thì tôi sẽ không thích "bị" chèn ảnh vô thơ mình", theo tớ là hơi quá, chỉ đúng với văn chương loại 1 mà thôi - loại văn chương mới đọc qua đã lạnh gáy rồi thì đâu cần minh họa minh héo làm chi.

Quy Nhơn đang mùa hè oi ả , bỗng dưng nổi nóng: "Nếu tớ làm được thơ tình như Xuân Diệu, Nguyễn Bính; thơ trào phúng như Tế Xương, Bút Tre; thơ tả cảnh như Bà Huyện, Nguyễn Khuyến; thơ nôm như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương ... à... á... cần quái gì các cậu chèn hình!".

Quy Nhơn, nắng hạ
Xuân Phong