Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Trong lúc chuẩn bị chuyển bản mẫu Đặc San CĐ - NTH 2014 đến nhà in, chúng tôi được biết Thầy cựu HT Tôn Thất Ngạc cũng đang chuẩn bị chuyến đến nhà in một tác phẩm đặc biệt mang tính kỷ niệm của ông. Mặc dù chưa được xem qua đầy đủ nội dung của tập kỷ yếu mang tên Tiểu Phượng Hoàng của Thầy, nhưng qua tâm tình với Thầy và được Thầy cho xem một phần tác phẩm, chúng tôi rất vui được biết chúng ta sắp được ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ của một thời trường lớp với Thầy, với bạn qua những chia xẻ từ trái tim của một vị Thầy khả kính của chúng ta cùng sự góp lòng của nhiều thân hữu đặc biệt của Thầy từ Thầy cựu TT Bộ Giáo Dục Nguyễn Văn Trường, các đồng nghiệp của Thầy như các cô cựu HT Nữ Trung Học Vương Thúy Nga, Lê Thị Cúc đến các Thầy Nguyễn Đức Giang từ Đan Mạch, Hà Thúc Hoan từ quê nhà và nhiều học trò cũ của Thầy. Đây là một món quà tinh thần quí của tất cả chúng ta. Chúng tôi xin phép giới thiệu chút tâm tình của một học trò cũ về tác phẩm của Thầy ...

Thưa quí vị,

Khi bất ngờ nhận được điện thoại của tác giả tập sách quí vị đang giữ trong tay, với lời yêu cầu viết lời giới thiệu cho công trình tim óc của ông, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của mấy chữ "chết đứng như Từ Hải". Thật sự đây không phải là điều gì mới lạ đối với tôi. Bằng vào sự thương mến và tin cậy của nhiều thân hữu cầm bút, lúc này lúc khác, chỗ nọ chỗ kia, tôi đã được vinh dự viết hay phát biểu về rất nhiều tác phẩm, của rất nhiều người. Tuy nhiên, lần này là một trường hợp đặc biệt, rất đặc biệt bỡi lẽ người muốn tôi giới thiệu tác phẩm của ông là Thầy tôi: Hiệu Trưởng Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn, Giáo Sư Tôn Thất Ngạc - Đúng ra, nói theo kiểu ngôn ngữ của phim bộ Hồng Kông, tôi phải gọi ông là Sư Tổ bỡi ông là Thầy của rất nhiều Thầy Cô của tôi và mặc dù khi làm Hiệu Trưởng trường Cường Để ông có dạy một số lớp, nhưng thằng bé nhà quê như tôi, năm 1959 mới may mắn vượt qua được nhiều ngàn bạn đồng trang lứa để trở thành một trong hai trăm học sinh đệ Thất Cường Để, tôi chưa đủ trình độ được ngồi vào những lớp cao của trường để được làm học trò của ông.

Tôi run tay, run giọng khi thưa chuyện với Thầy. Đề nghị của Thầy đã du tôi vào một trạng thái tâm lý rất phức tạp: có một chút vui mừng, có một chút hảnh diện nhưng đầy ắp trong tôi là một nỗi lo âu, gần như là sợ hãi. Tuổi tác, vị thế và "tầm cỡ" của tôi đều không xứng đáng để được trao cho một vinh dự quá lớn lao như vậy. Tôi không được phép... tôi không thể.... Tôi tự khẳng định với mình như thế và đã thật lòng thưa lại với Thầy như thế. Mọi chuyện tưởng như đã được khép lại. Tuy nhiên, bằng giọng nói từ tốn của một tu sĩ và bằng tấm lòng thương mến của một người cha, Thầy tôi cho biết ông đã suy nghĩ rất nhiều khi chọn tôi và ông muốn tôi làm theo yêu cầu của ông, ông sẽ rất vui khi tôi biết vâng lời.

Thưa quí vị, ai ở trong hoàn cảnh tôi có thể làm gì khác: Ước muốn của Thầy tôi gần như là một mệnh lệnh đối với tôi và niềm vui của Thầy tôi khác nào là một hạnh phúc lớn của tôi. Tôi nhận lời Thầy với tất cả âu lo và chỉ nhẹ lòng một chút khi được Thầy cho coi bản thảo tập kỷ yếu của Thầy: Kỷ yếu mang tính kỷ niệm, nội dung tác phẩm là những hồi ức về trường lớp, về đồng nghiệp, về môn sinh của thầy, thêm vào đó là một tập họp những chia xẻ của nhiều người, thân thiết với Thầy thế này hay thế khác - Tôi chỉ được xem bản thảo chưa hoàn chỉnh nên không được biết đầy đủ những thân hữu cùng chia xẻ buồn vui với Thầy, tuy nhiên, những gì tôi biết cũng đủ làm tất cả chúng ta ấm lòng, bỡi vì cùng đến với thầy, ngoài một số học trò cũ, còn có Thầy cựu TT Giáo Dục Nguyễn Văn Trường, các cô cựu HT Nữ Trung Học Vương Thúy Nga, Lê Thị Cúc các Thầy Nguyễn Đức Giang ở Đan Mạch, Thầy Hà Thúc Hoan ở quê nhà và nhiều nữa. Bên cạnh đó còn có sự chung lòng của thế hệ thứ ba như Thủ Khoa Nguyệt Hạ Trần Đào...- và đối tượng độc gỉa muốn nhắm tới cũng vẫn là Thầy trò, thân hữu. Cả mục đích, nội dung tác phẩm và đối tượng độc giả đều thật dễ thương, thật thân quen này đã giúp tôi bớt đi cái cảm giác áy náy của công việc giới thiệu một tác giả và tác phẩm mà chỉ còn lại niềm vui được có cơ hội chung tiếng với Thầy tôi, nhắc về những tháng ngày thật đẹp, những tình cảm thật đáng quí của Thầy trò chúng tôi trong cả hai giai đoạn: Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn ngày cũ ở quê nhà và Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để Nữ Trung Học Qui Nhơn ở xứ người.

@

Tôi vào lớp đệ thất 3 năm 1959 khi Thầy Tôn Thất Ngạc đã làm Hiệu Trưởng nhiều năm ở trường Cường Để. Tôi chỉ nghe tên Thầy, thấy dáng Thầy ở xa xa mà "may mắn" chưa lần nào phải trình diện Thầy. Tôi - và cả lẽ tất cả anh chị em cùng thế hệ của tôi - sợ Thầy Cô lắm, sợ lắm, nhất là Thầy Hiệu Trưởng. Đã có lúc chúng tôi nghĩ tất cả Thầy Cô chúng tôi không phải "người phàm", họ có một cái gì toàn bích, cao trọng, vượt lên trên thường nhân và chúng tôi vừa tôn kính, vừa quí trọng, vừa ... sợ. Nỗi sợ hãi này phải chăng một phần do quan niệm quân sư phụ của xã hội cũ còn sót lại, một phần bỡi cái kỷ cương nề nếp của một trường Trung Học lừng lẫy như trường Cường Để của chúng tôi tạo ra. Có lỗi thời quá không? có hủ lậu quá không? Nhất định là không. Thời gian đã chứng minh tính ưu việt của nền giáo dục miền Nam của chúng ta, và việc "sợ" Thầy là một trong những nguyên nhân, những động lực giúp nhiều thế hệ học sinh Việt Nam tự phấn đấu, tự trui rèn để trở thành những con người hữu dụng đúng nghĩa, nhìn từ hai phía: khả năng và nhân cách. Tuy nhiên đây là một chuyện dài, chuyện lớn tôi không định nói và có lẽ cũng không đủ khả năng để nói. Phần chia xẻ nhỏ này chỉ nói về việc sợ Thầy Cô nói chung - Thầy Tôn Thất Ngạc nói riêng - như một chút kỷ niệm đáng nhớ của Thầy trò chúng tôi, kỷ niệm đáng nhớ của một giai đoạn, một quảng đời. Hồi đó, cuối thập niên 60, do hoàn cảnh khó khăn của một ngôi trường nhỏ, nhà tranh vách đất, mới mở lại sau khi chính quyền quốc gia tiếp thu tỉnh Bình Định, trường Cường Để phải chia hai khu vực: Trường cũ và trường mới. Văn phòng Thầy Hiệu Trưởng ở trường mới và Thầy chỉ về thăm trường cũ vào mỗi thứ tư hàng tuần. Những lần như thế, chúng tôi đã bồn chồn, lo âu từ tối thứ ba và sáng thứ tư đã hồi hộp đến trường thật sớm để chuẩn bị "đối phó với tình hình". Chúng tôi lập những "trạm gác" để kịp thời thông báo cho nhau những tin tức sốt dẻo hòng "tự bảo vệ": Thầy Hiệu Trưởng xuống xe Cyclo trước tiệm thuốc Hồng Nam..., Thầy HT vào Văn Phòng ..., Thầy HT đi về phía đệ ngũ một khu nhà ngói ..., Thầy HT đang hướng về phía nhà lá khu đệ lục...,. Thầy HT đang trở lại khu nhà tranh đệ thất. Cứ như thế chúng tôi báo tin cho nhau và dạt ra xa để "trốn" Thầy. Chúng tôi "sợ" Thầy. Nỗi sợ có từ trong tâm thức được hiểu như một sự kính trọng và tuân phục chứ thật ra chưa ai từng nghe Thầy đã "hung dữ" trách phạt bất cứ học sinh nào - Tôi thường đứng xa xa nhìn Thầy và đã có lần thầm nghĩ, giá như tôi được có một điều ước, tôi sẽ cầu sao cho người đàn ông "dễ sợ" nhưng không "dễ ghét" kia đừng bao giờ biết là trên đời này có một thằng nhóc tên NMD. Lời ước của tôi đã linh nghiệm, cho đến ngày rời trường Thầy vẫn không biết trên đời có tôi và tôi cũng chưa được "thấy rõ" Thầy lần nào, nhưng trong lòng cá nhân tôi, và có lẽ trong lòng rất nhiều, rất nhiều học sinh Cường Để, kể cả những thằng nhóc, những cô bé vẫn thường trốn Thầy, vẫn thầm cầu một lời ước như tôi, không có tên tuổi nào đậm nét hơn, đáng nhớ hơn với tất cả sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ như tên Thầy. Một con người đã dùng tám năm tuổi trẻ, dồn mọi nhiệt huyết với tất cả trách nhiệm của một nhà giáo dục và tình thương của một người anh, người Thầy dành cho thế hệ tương lại để xây dựng một ngôi trường tân lập trên một nền nhà cũ đổ nát để tạo dựng nên một trường Trung Học bề thế, đáng hảnh diện về mọi lãnh vực. Một người như thế luôn "dậm nét" trong lòng học trò cũ của mình thì có gì là lạ lùng, quá đáng, phải không?

@

Tôi gặp lại Thầy tôi năm 1998 lần cùng Nhóm Sáng Lập Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để Qui Nhơn đến thăm Thầy tại Thiền Đường nơi Thầy đang tu tập. Gần 35 năm đã qua kể từ ngày tôi vừa mừng - vì sẽ không còn phải gặp người "dễ sợ" nữa - vừa buồn vì biết phải sắp phải mất một ông Thầy của Thầy, một người luôn hết lòng vì học trò của mình - ngày tiễn Thầy đi nhận nhiệm vụ mới tại Bộ Giáo Dục. Ấn tượng đầu tiên khi được gặp lại Thầy là một cảm giác xao xuyến và xúc động trước hình ảnh một thiền sư từ tốn, nhân hậu toát ra nét an nhiên tự tại và xuất thế thoát tục. Tôi thuộc "lớp trẻ" trong số những anh chị em cùng đến thăm Thầy ngày hôm đó. Thầy niềm nỡ bắt tay từng người, tự reo tên nhiều người mà không cần phải đợi đối tượng tự giới thiệu như người từng trốn thầy là tôi. Thầy vui lắm, vui vì gặp lại học trò cũ, càng vui hơn khi biết học trò của Thầy đang chung tay nổ lực để tập họp thành một gia đình, qui tụ Thầy Cô bạn bè từ ngôi trường nghèo Cường Để, thành phố nhỏ Qui Nhơn đã xa cách bao năm hiện đang lưu lạc khắp nơi trên địa cầu . Lúc chia tay Thầy, trong lòng mỗi anh chị em chúng tôi đều cảm thấy rất lạc quan, rất tin tưởng vào việc làm của mình, bởi vì, mặc dù không ai nói thành lời những tất cả chúng tôi đều cảm thấy mình đã tìm lại được một bóng mát, mình đang có một mái che đủ nồng, đủ ấm để tất cả những đứa con ngày cũ tìm về. Bóng mát ấy, mái che ấy là Thầy Cựu HT Cường Để Tôn Thất Ngạc của chúng tôi.

Mười bảy năm đã trôi qua kể từ ngày gặp lại Thầy cựu Hiệu Trưởng Tôn Thất Ngạc, muời bảy năm đã trôi qua kể từ ngày mới có dự trù "sáng lập" Gia đình CHS CĐ - NTH. Bây giờ, Gia Đình đã chào đời và mạnh bước qua tuổi 17. Trong suốt đoạn đường buồn vui ấy, Thầy chúng tôi luôn ở bên chúng tôi, luôn như một lực đẩy giúp chúng tôi bước tới, luôn như một chất keo để chúng tôi gần lại, luôn như một mái ấm cho chúng tôi tìm về. Chúng tôi đến thăm Tết Thầy, chúng tôi đưa anh chị em phương xa về dự các Đại Hội đến "trình diện" Thầy. Thầy đến với chúng tôi trong tất cả các Đại Hội, Thầy đến với chúng tôi trong nhiều dịp buồn vui tại các tư gia. Là những người ly hương tỵ nạn, khi ra đi chúng ta đã mang theo cả quê hương và phải chăng Thầy trò chúng tôi đã mang theo, đã giữ được những gì tốt đẹp nhất trong nghĩa sư sinh, tình bằng hữu. Và phải chăng, cái truyền thống tốt đẹp này chúng tôi đã học được từ quí Thầy Cô, nhất là từ Thầy Hiệu Trưởng "dễ sợ" Tôn Thất Ngạc của chúng tôi từ nửa thế kỷ trước.

Thưa quí vị.

Thầy tôi bảo tôi viết lời giới thiệu cho tác phẩm của ông. Tôi không làm được nhưng cũng không "xin tha" được. Tôi lo lắm, nhưng là một người lính, trường sĩ quan Thủ Đức có dạy cho tôi một bài học chiến thuật tên là "mưu sinh thoát hiểm". Xin quí vị thông cảm coi những lời lang mang nhưng có dụng ý gợi lại một khung trời, một quảng đời đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của Thầy trò chúng tôi như một cách "thoát hiểm" của tôi. Hy vọng những gì tôi gợi lại không "lạc đề" với những gì mà Thầy tôi muốn gởi gắm trong tác phẩm của ông, và như thế, hy vọng tôi sẽ không bị bác cai trường cầm giấy vào lớp gọi lên văn phòng để trình diện Thầy Hiệu Trưởng

Trân trọng
Nguyễn Mạnh Dạn
(Cựu Học Sinh Đệ Thất Cường Để năm 1959)

Nguồn: Đặc San CĐ&NTHQN 2014
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất