Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200

Thỉnh thoảng tôi mở hộp nữ trang ra săm soi, nhìn ngắm. Gọi là hộp nữ trang cho oai vậy thôi chứ đó chỉ là một cái hộp bằng giấy, vuông vứt, tôi dùng để cất những kỷ vật gắn với cuộc đời tôi. Một mặt ngọc của mẹ để lại, một chiếc lắc vàng tây có khắc tên tôi mà ba tôi đã tặng tôi cách đây mười tám năm, khi lần đầu tiên tôi về thăm nhà sau mười năm xa cách và một vài kỷ vật nho nhỏ khác.

 

Tôi không quen mang nữ trang, nên những món quà ấy cứ nằm mãi trong hộp. Lâu lâu nhớ đến Ba mẹ thì mang ra ướm thử vài ba phút rồi cất vào. Đã nhiều lần như thế trong suốt mười tám năm, tôi cứ lấy ra rồi lại cất vào. Đôi khi tôi có mang cái lắc vàng tây, khắc tên mình trên đó rồi nhìn ngắm nó, rồi lại tháo nó ra. Tôi không thấy nó đẹp, không thấy nó hấp dẫn tôi chút xiú nào cả. Đơn giản là vì tôi không thích mang nữ trang nên không thấy nó đẹp; thấy vướng víu khi làm việc.

 

Đầu tháng 10 năm 2007, nghe Ba bệnh nặng, tôi vội vã về thăm. Ba vẫn còn tỉnh táo để hỏi sao tôi không mang chiếc lắc Ba tặng. Bối rối, tôi tìm cách trả lời để không làm Ba buồn lòng.

Biết bao lần trong đời mình phải dối người thân vì sợ làm buồn lòng! Nếu cái tội nói dối là một cái tội phải bị đày xuống địa ngục, thì tôi là người bị đày trước tiên. Ba ra đi sau đó hai tháng và tôi không về được để thọ tang Ba!

Có lần, trong khi lau chùi bàn tủ, bất ngờ mắt tôi chạm phải cái hộp nữ trang năm xưa trong góc tủ, nó gợi trong tôi nỗi nhớ nhung đến quặn lòng. Mẹ tôi mất khi tôi bốn tuổi. Tôi không nhớ gì về mẹ. Hoàn toàn không, không nhớ mình đã gọi hai tiếng "Mẹ ơi !" khi nào, không nhớ lần nào nằm trong vòng tay của mẹ, không nhớ gì hết. Và hình như, có một điều gì đấy thôi thúc trong tôi lúc này. Tôi mở hộp nữ trang của tôi ra. Tôi mang chiếc lắc vào và nhìn ngắm nó, không giống như mọi lần trong suốt mười tám năm qua, lần này một cảm giác thương yêu tràn ngập trong tôi. Tôi mân mê, vuốt ve và tâm tình với nó như tôi đang tâm tình với Ba tôi. Tôi như nhìn thấy ông trong từng chi tiết nhỏ của chiếc lắc. Tôi như đang nghe được những lời thì thầm, nhắn gửi của Ba dành cho tôi. Nước mắt tôi tuôn ra lúc nào không hay. Lần này, sao tôi lại cứ muốn mang nó lâu hơn một chút, trong vài phút, rồi vài giờ, để rồi vài ngày mà không muốn tháo nó ra như mọi lần nữa. Và từ cái ngày hôm ấy, tôi mang nó đến nay cũng đã một năm rồi.

Chiếc lắc nằm trong hộp giấy mười tám năm rồi, mười tám năm nằm một mình, lặng lẽ trong góc tủ. Mười tám năm không có mối ràng buộc gì với tôi, bỗng nhiên gắn liền với tôi như một người bạn, biết tâm tình với tôi, biết an ủi tôi, biết vỗ về tôi những lúc tôi muộn phiền. Tôi chưa bao giờ thấy chiếc lắc ấy đẹp, chưa bao giờ. Vậy mà giờ đây tôi lại thấy nó sáng ngời, lấp lánh dưới ánh đèn yếu ớt. Phải chăng tình yêu làm mọi vật trở nên đẹp đẽ trong mắt của chúng ta. Giờ đây, tôi thấy tình yêu Ba tôi ở trong ấy. Và tôi nhớ Ba tôi. Nhớ vô cùng!

Năm 1991, tôi trở về thăm Ba tôi. Đó là lần đầu tiên sau mười năm xa cách. Tôi nhớ rất rõ, ngày chia tay, Ba tôi tặng tôi một chiếc lắc vàng tây có khắc tên. Nhưng không phải là Kim Tiến mà là Kim Tiên. Tôi ngạc nhiên lắm: "Tên con là Kim Tiến sao Ba lại khắc là Kim Tiên, thiếu dấu sắc rồi". Ông nhìn tôi cười: "Không phải thiếu. Ba khắc đúng như khi ba đặt tên cho con". Tôi ngạc nhiên vô cùng, hỏi:"Nhưng con là Kim Tiến, hơn ba mươi năm con mang cái tên này mà". Lần này, dáng vẻ suy tư Ba tôi trầm ngâm: "Khi sinh con ra, tên con là Bé, rồi dì em mẹ con sinh một đứa con gái, dì đặt là Bé em. Nên con trở thành Bé chị cho dễ phân biệt". Tôi gắn bó với cái tên Bé chị từ đó. Tôi nôn nóng muốn biết cái tên Kim Tiên, vì sao nó được khắc trên cái lắc của tôi. Tôi hỏi dồn dập: "Nhưng mà con muốn ba giải thích cái tên Kim Tiến, cái tên đi học của con". Ba tôi nhìn tôi mỉm cười: "Định mệnh đấy con ạ!". Ba bắt đầu kể...

Ngày trước chỉ có những người làm công chức lãnh lương vợ, lương con thì con cái mới có giấy khai sinh ngay từ khi ra đời (đôi khi họ còn làm giấy khai sinh trước khi đứa bé sinh ra nữa kìa). Không như tôi, vì gia đình tôi buôn bán, đâu cần giấy tờ chi cho sớm, nên phải đợi đến khi vào lớp Một, tôi mới có giấy khai sinh đàng hoàng. Ba tôi đặt tên tôi là Nguyễn Thi Kim Tiên. Cái tên cũng hay, nghe có vẻ con gái hơn cái tên Kim Tiến tôi đã mang bên mình bao nhiêu năm nay và nó sẽ theo tôi đến suốt đời.

Khi ba tôi đi làm giấy khai sinh, không biết vì đánh máy hay vì nhân viên hộ tịch nghe lầm, cũng có thể cái số tôi là vậy, nên dấu sắt đã được "cẩn thận" thêm vào giấy khai sinh của tôi. Ngày trước, chuyện việc điều chỉnh giấy tờ ở nơi cơ quan công quyền cũng nhiêu khê, nên người dân ngại ngùng khi đến đó lắm, nhất là đối với người, ở quê lam lũ như ba tôi, nên ba tôi không buồn đính chính và chắc ông nghĩ, tên nào cũng là tên, miễn sao tên đó không phải Bé chị là được rồi. Vậy là bắt đầu từ đây tôi sẽ là Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ba tôi đâu có biết rằng tôi khổ sở vì cái tên này. Lúc học tiểu học ở trường Mai Xuân Thưởng, trong lớp có một bạn nam tên là Phạm Nhật Tiến, bạn bè cứ ghép đôi tôi với bạn nam này. Tôi khóc mỗi ngày mà ba tôi đâu có biết. Tôi ghét cái tên của mình. Tên gì mà giống con trai quá! Tôi ghét ba tôi. Tôi cứ ước gì ngủ một đêm đến sáng, tên mình sẽ biến thành Cúc, Lan, Huệ, Hồng, Đào...Ôi! Những cái tên của những loài hoa vừa thơm vừa đẹp. Tôi cứ ao ước, ước ao! Tôi tha hồ để trí tưởng tượng của mình đi từ tên này đến tên kia mỗi tối. Tự nhiên tôi lại mong đợi đêm về để sống với những cái tên tưởng tượng của mình.

Ba tôi nói rằng, ông không ngờ cái tên ông không chọn lại đúng như tính tình của tôi khi ông nhìn ngắm tôi ngày mỗi lớn. Con gái gì mà giống con trai, không thùy mị, nhỏ nhẹ gì cả; cười nói huyên thuyên, lại thích chơi những trò chơi con trai. Trong xóm có rất nhiều con gái cùng trang lứa. Vậy mà tôi cứ theo đám con trai chơi tạt lon, chơi đánh trổng, leo trèo và còn đi hái trộm sa-bu-chê và trái ô-ma nhà hàng xóm. Có lần tôi bị bắt quả tang đang trèo lên nóc nhà hái mận và sa-bu-chê của nhà trồng răng Thanh Trúc phía dưới, hay khi đang hái ô-ma của nhà chú Bốn phía trên thì bị túm áo. Một trận đòn đau điếng nhưng tôi có chừa đâu. Tiếp tục trốn leo lên nóc nhà hoài. Hình như của hái trộm ngon hơn của mua thì phải!

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ về cái tên Kim Tiến với ba tôi. Ba tôi không nhớ tên đi học của tôi. Cái tên ấy không gợi cho ông một điều gì hay ho hay tại vì không phải do ông đặt ra? Tôi nghĩ chắc ông không bao giờ dùng đến chăng? Năm tôi học lớp đệ Thất, có lần bạn tôi ghé thăm tôi, bạn tôi hỏi "Dạ con là Phượng. Có Kim Tiến ở nhà không hả bác?". Tôi vừa ở dưới nhà đi lên nhà trên, nghe loáng thoáng tên mình, vội chạy ra và nghe ba tôi trả lời tỉnh bơ, không hề có chút do dự: "Con lộn nhà rồi, ở đây không có ai tên Kim Tiến cả!". Có chút hờn dỗi, tôi nói "Con đây nè, trời ơi, tên con gái của ba mà ba cũng không biết, ba kỳ cục quá đi! Sém chút nữa là bạn con đi mất tiêu rồi". Tôi kéo Phượng vào nhà, hai đứa có một trận cười đến chảy nước mắt. Ba tôi cũng cười tít mắt nhưng hơi ngượng ngùng trả lời: "Ba có đặt cho con cái tên ấy đâu, mà ba có bao giờ gọi con bằng cái tên ấy đâu nên phản xạ tự nhiên trả lời là không đó mà". Tôi trêu ba tôi: "Chắc tại cái tên của con không đẹp và giống con trai quá nên ba không nhớ chớ gì". Và cũng nhờ vào câu chuyện này mà ba tôi nhớ tên đi học của tôi. Một kỷ niệm thật ngọt ngào mà tôi không bao giờ quên!

Giờ đây ba tôi không còn nữa, nhưng những kỷ niệm mà tôi có nơi ông luôn là những đề tài thú vị và hấp dẫn mỗi khi anh chị em có dịp ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe về Ba. Những đứa con của tôi, mỗi tối, luôn chờ đợi một vài mẫu chuyện vui về ông bà ngoại. Chúng cứ bắt tôi kể đi kể lại câu chuyện về cái tên con trai của tôi, về việc ba tôi không nhớ tên tôi. Chúng không bao giờ tin là ông ngoại đã từng không nhớ tên đi học của mẹ chúng là gì? Đến những ngày cuối đời, khi tôi ở bên cạnh Ba, ông vẫn cứ hỏi tôi "Bé chị đó hả con, con về thăm ba rồi bao giờ con đi lại?". Mỗi lần ông mơ màng hỏi như thế, trái tim của tôi đau đớn vô cùng, ruột gan tôi như đứt từng khúc. Không đếm được bao nhiêu lần ba tôi hỏi hoài một câu hỏi đó. Tôi biết là ông đang đếm từng ngày, từng giờ và không muốn cái ngày mà hai cha con phải nói lời chia tay. Ôi! Chia tay nào cũng đong đầy những nước mắt! Tôi sợ phút giây này!

Suốt đời, Ba không bao giờ gọi tôi bằng cái tên Kim Tiến, nhưng tôi biết là tôi không còn ghét cái tên này nữa. Cái tên đã gắn liền với tôi quá nhiều năm tháng. Giờ đây tôi yêu cả hai tên. Tên Kim Tiến là của bạn bè và tên Bé Chị là của ba mẹ và của người thân tôi! Tôi cũng không còn thắc mắc tên tôi nên là Kim Tiên hay Kim Tiến nữa. Tôi không còn ghét bỏ cái tên Kim Tiến, cái tên mà mới thoạt nghe không dịu dàng, ngọt ngào, con gái chút nào cả.

Tôi tin đó là định mệnh như ba tôi đã nói! Và tôi tin rằng sự ngọt ngào, dịu dàng, ân cần không đến từ những cái tên đẹp mà đến từ trái tim nồng ấm yêu thương. Tôi nghĩ bạn bè yêu thương và nhớ tôi không phải vì cái tên xấu, đẹp của tôi! Tôi đang có những người thân bên cạnh, những bạn bè cũ mới luôn động viên tôi, luôn cho tôi những nụ cười ấm áp, những lời hỏi thăm ân cần, và tôi tin rằng tôi đang giàu có; giàu có bạn bè! Tôi bắt đầu thấy cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến đẹp, lần đầu tiên sau năm mươi năm tình cờ tôi mang nó vào người. Bạn có thấy tên tôi đẹp không? Vậy lần nữa tôi có cần phải đổi tên không hở bạn?

  
Nguyễn Kim Tiến
12 tháng 01 năm 2010

  

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất