doi-mat-so-hai

LAMA TSONY

Làm thế nào có thể thiền định khi chúng ta quá sợ hãi không dám tọa thiền? Lama Tsony* cho chúng ta lời khuyên để đối trị sợ hãi.

Dạo gần đây tôi có những lúc rất sợ hãi trong khi hành thiền. Nỗi sợ có vẻ như đến bất chợt và nó gắn liền với một đối tượng cụ thể rõ rệt hoặc biểu hiện như một cảm thức mơ hồ về một sự việc gì đó. Làm sao tôi có thể đối phó với tình trạng này?

Sợ hãi xuất hiện khi thực tế va chạm với thế giới tưởng tượng của riêng mỗi cá nhân chúng ta. Việc tu tập của chúng ta dựa trên những dự tưởng-những dự tưởng về bản chất con người chúng ta là ai, tại sao chúng ta tu tập và cách hành thiền của chúng ta phải như thế nào. Khi hy vọng của chúng ta tan rã, nó có thể thay thế bằng sự sợ hãi. Những nét đặc trưng, nhân cách, mọi kế hoạch và ý tưởng tốt đẹp của chúng ta đều giống như những bông tuyết sắp sửa rơi xuống tảng đá nóng – của sự thực hành thiền định.

Có thể rằng bạn đã bắt đầu thoát ra khỏi sự buồn chán và đã có cảm nghiệm đầu tiên về không gian rộng lớn. Trước khi cảm nghiệm của bạn trở nên vững vàng ổn định, bạn vẫn còn sợ những giấc mơ, cuộc đời và nền tảng của bạn có thể tan rã. Càng quán niệm khoảng không, bạn càng ý thức rõ về sự tan rã của mọi thứ mà bạn đã tưởng là chúng hiện hữu thật sự, trường tồn và đáng tin cậy – kể cả động cơ thúc đẩy và việc tu tập của mình. Bây giờ thì bạn cảm thấy tất cả đầu phù du tạm bợ và không đáng tin cậy. Cơn khủng hoảng này bắt nguồn từ sự tan rã và mang tên là sự sợ hãi. Đây là thời điểm chủ chốt trong khi chúng ta hành thiền. Mỗi khi sợ hãi biểu hiện, mỗi khi nhận biết nó, chúng ta có một sự chọn lựa: chúng ta có thể chấp nhận vấn đề và tìm cách đối phó hoặc chúng ta trốn chạy và tìm chỗ ẩn náu ở một nơi khác, chẳng hạn như trong các trò giải trí, dược phẩm, những buổi họp mặt cuối tuần phù hợp sở thích, hoặc bất cứ hoạt động nào. Chúng ta có quyền tự do từ chối tình trạng thất vọng và sự tan rã. Không buộc chúng ta phải đặt mình trở lại trong tình huống cảm thấy nền tảng của con người chúng ta bị lung lay bởi trải nghiệm về sự vô thường và trống rỗng.

Nhưng nếu chúng ta quyết định tiếp tục, nếu chúng ta vững tin vào tính chất lành mạnh của Tứ Thánh đế và quyết định nương tựa giáo pháp của Đức Phật dạy bảo, chúng ta cần có can đảm. chúng ta có thể chọn cách nương tựa vào khả năng cứu độ xuất sắc của sự giác ngộ là Phật; tin tưởng và quá trình thành đạo là Pháp; tin cậy kinh nghiệm của những vị hướng dẫn chúng ta trên đường tu tập là Tăng. Chúng ta có thể chọn cách thăm dò tâm thức của chúng ta, tìm hiểu những vùng có vấn đề và những vùng có kho báu chìm khuất, có điều việc làm này không đem lại sự thoải mái. Trong giai đoạn tu tập này, sự hướng dẫn của một vị thầy hay của một bậc thiện tri thức là tối cần thiết.

Đồng thời, chúng ta có thể tỏ ra khoan dung đối với bản thân, chấp nhận con người chúng ta đúng như hiện thực và xả bỏ những gì chúng ta mong muốn trở thành. Cơn khủng hoảng của chúng ta là một diễn biến bình thường. Mọi chúng ta đều là những con người chấp ngã khi bước vào con đường tâm linh và như thế nên chúng ta có những niềm hy vọng và sợ hãi do ngã tưởng. Việc tu tập không hẳn giống như là ta dự tưởng. Chúng ta cảm thấy mình đã không đạt kết quả và nghĩ rằng "Càng tham thiền, tôi càng trở nên tồi tệ hơn". Đáp lại câu nói đó, sự phụ của tôi, Ngài Gendun Rinpoche luôn luôn phát biểu: "khi bạn nhìn thấy những thiếu sót của chính mình, đó là lúc bắt đầu phát sinh những phẩm chất tốt đẹp. Nếu chỉ thấy những phẩm chất tốt đẹp của bạn thì có vấn đề đấy".

Quả thật rằng nếu chúng ta cố tạo lập cõi Niết-bàn riêng cho bản thân mình bằng con đường tu tập thì chúng ta sẽ càng đau khổ nhiều hơn. Nếu chúng ta sử dụng những công cụ tu tập để phát triển trí thông minh và tuệ nhãn với một động cơ ích kỷ, mê lầm, chắc chắn thực tế sẽ va chạm với thế giới tưởng tượng của chúng ta. Điều này chính là mốc điểm mà sự tu tập nhắm đưa chúng ta tới. Điều này là chứng cứ cho thấy giáo pháp có tác dụng. Đó là sự chấm dứt của thế giới giả tưởng, mê lầm và sự bừng sáng của chân lý.

Khi sợ hãi khởi lên trong lúc chúng ta thiền định, chúng ta dùng một phương thuốc đối trị. Khi nhận ra sự kiện đang xảy ra từng giây phút là do tâm sinh, chúng ta an trú trong hiện tại. Mẫu thức của sự kiện xảy ra không nhất thiết phải giống nhau. Nhờ an trú trong hiện tại, chúng ta có thể buông xả quá khứ và tương lai – trung tâm phát sinh các nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ta nhận diện rồi buông xả và trở về với điều mà tâm đang tập trung vào trong lúc hành thiền – thế ngồi, hơi thở, hình ảnh quán tưởng – hoặc trở về với không gian vô niệm. Với nhiệt tình hứng khởi, thành tâm,tin tưởng, bạn có thể tập quen với các nỗi sợ hãi của mình và vượt qua chúng bằng một cách mà trước đây bạn không nghĩ là có thể thực hiện được.

Châu Văn Thuận dịch (theo Tricycle)

* Lama Tsony là thủ tọa của cộng đồng Tăng già tại lâm cư Dhagpo Kundreul Ling ở Auvergne, Pháp. Ngài du hóa khắp Hoa kỳ và Âu châu, giảng dạy và hướng dẫn các khóa tu tập thiền định.