Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Nguyễn Trọng Trì (阮 仲 持; 1851 - 1922, năm sinh và mất theo mộ bia), người thôn Vân Sơn, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn; nay là thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ông đỗ Cử nhân thứ 8/12 khoa Bính Tý (1876) tại Trường thi Bình Định, được sơ bổ chức Tư vụ tại triều. Vua Tự Đức mất, triều đình Huế ký hòa ước năm Quý Mùi (1883), chịu nhận Pháp bảo hộ, ông từ quan về quê.

image001
H 1: Chân dung Nguyễn Trọng Trì
(Viwikipedia)

Sáng ngày 5- 7- 1885 (tức 23 tháng 5 năm Ất Dậu) Kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Từ Tân Sở, ngày 13 tháng 7 năm 1885 (tức mồng 2 tháng 6 năm Ất Dậu), Nhà vua ban Dụ Thiên Hạ Cần Vương, khẩn cấp chuyển đi khắp các tỉnh Bắc và Trung Kỳ.

Ông Cử Trì hưởng ứng, gia nhập Phong trào Cần Vương Bình Định, giữ chức Hiệp trấn [1] thứ Hương Sơn trong lực lượng Cần Vương của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng. Năm 1887, lực lượng này tan rã, Nguyễn Trọng Trì vào rừng lánh nạn.

Mãi năm 1895 triều Thành Thái ban lệnh ân xá, Nguyễn Trọng Trì cùng với anh cả là Nguyễn Bá Huân (? - 1915) và em là Nguyễn Thúc Mân (1858 - 1896), từ giã núi rừng ra trình diện chính quyền, rồi về quê quán gặp lại cha già mỏi mòn trông đợi. Nhưng cũng từ ngày ấy, ông sống trong cảnh cá chậu chim lồng, chính quyền địa phương ngầm theo dõi, vì vậy hoài bảo khôi phục lại giang sơn tan thành mây khói.

Trong bài họa đáp bài xướng của người em út Nguyễn Quý Luân, mừng ngày cha con, anh em đoàn tụ, ông cử Trì cũng đã gửi gắm nỗi lòng:

Nát ruột nhìn theo năm tháng qua,
Bầy voi dày xéo nước non nhà.
Hết mong gặp hội đền ơn nước,
Còn sống về quê thấy mặt cha.
Xúm xít gò chim tìm tổ ấm,
Nhúm nhen bếp trấu sưởi canh tà.
Khóc chăng? hổ lắm! Cười? thêm hổ!
Thôi giữ lòng ta trọn với ta.

Sum họp gia đình chỉ được một năm thì cha mất, ông càng phẫn chí. Ngày ngày, ông Cử Vân Sơn ngao du sơn thủy, mình mặc áo cộc vải thô, chân mang dép cỏ, đầu đội nón lá, vai mang bầu rượu túi thơ, đói vào quán, buồn ngủ thì bất kỳ vệ đường, bóng cây hay bờ cỏ cũng xong. Dưới mắt người đời, ông là một cuồng sĩ. Nhưng với những bậc chí sĩ của tỉnh nhà, họ thông cảm cho hoàn cảnh của ông, và nể trọng. Ông thường tới lui làng Vinh Thạnh cùng với Cử nhân Đào Tấn thảo luận về Hát bội. Đến Hòa Cư gặp Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo để hàn huyên tâm sự. Xuống làng Biểu Chánh nói chuyện văn chương với Phó bảng Đào Phan Duân, và nhiều nhân sĩ khác trong vùng.

Trong bài “Tự Thuật,” tác giả cũng công nhận mình thay đổi tính tình:

Tự tiếu niên lai Nguyễn Trọng Trì,
自 笑 年 來 阮 仲 箎
Hành tung đại dị thiếu niên thì.
行 蹤 大 異 少 年 時。
Hoặc nhân túy lúy mạ đồng bối,
或 因 碎 裡 罵 同 輩
Diệc phục sầu trung sân tiểu nhi.
亦 復 愁 中 嗔 小 皃。
Vô bệnh xuất môn hoàn ỷ trượng,
無 病 出 門 还 倚 杖
Phi cuồng khoản khách hoặc vong y.
非 狂 欵 客 或 忘 衣。
Thê noa tương tập hồn tương quán,
妻 孥 相 習 渾 相 慣
Bất biện kỳ gian thị dữ phi.
不 辨 其 間 是 與 非。

Việt Thao dịch:

Nực cười tớ đã mấy năm qua,
Cử chỉ giờ đây đổi khác xa.
Chửi mắng bạn bè khi quá chén,
Hăm he con trẻ lúc say mà!
Không đau, tay cũng quen cầm gậy,
Chẳng lú, mình trần tiếp khách a?
Lần lữa vợ con đà quen mắt,
Biết đâu hay, dở để khuyên ta.

Năm 1922, ông ngã bệnh, biết mình không thể vượt qua, sai người nhà đi mời các bạn tâm giao đến thăm trước khi lìa đời. Và muốn được chính tác giả đọc câu liễn điếu cho ông nghe khi còn tỉnh táo. Lúc ấy, cụ Đào làng Vinh Thạnh đã mất từ lâu (1907), chỉ còn cụ Tiến sĩ làng Hòa Cư và cụ Phó bảng làng Biểu Chánh.

Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, hiệu là Lam Giang, đến thăm với câu đối điếu:

- Tử nhi điếu, hà như sanh điếu hồ,
死 而 弔 何 如 生 弔 乎
song tiền tương dữ sổ bôi,
窻 前 相 與 數 杯
bất phường vi ca, vi khốc, vi hoan, vi bi,
不 坊 爲 歌 爲 哭 爲 歡 爲 悲
tất thế hình hài vong cố ngã;
畢 世 形 骸 忘 故 我;
- Kim chi tuế, hoặc diên lai tuế giả,
今 之 歳 或 延 來 歳 者
biệt hậu chung thành thiên cổ,
别 後 終 成 千 古
vị tưởng kỳ đạt, kỳ cùng, kỳ tài, kỳ ngộ,
爲 想 其 逹 其 穷 其 才 其 遇
nhứt trường khối lỗi khái phù sinh.
一 場 塊 儡 慨 浮 生。

Bùi Văn Lăng dịch (Danh Nhân Bình Định):

- Thác đi điếu chi bằng sống điếu chơi,
trước song đôi chén cùng nhau,
cần gì mà vui, mà tủi, kẻ khóc, người cười,
xác thịt một đời rồi bỏ hết;
- Năm nay chăng? hay đợi năm nữa đã!
từ biệt ngàn thu chẳng gặp,
nghĩ lại lúc đạt, lúc cùng, tài này, cảnh ấy,
bồ nhìn cả lũ sống mà chi!

image002
H 2: Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869 - 1934),
tác giả câu điếu sống hay nhất. Ảnh chụp năm 1932.

Phó bảng Đào Phan Duân, hiệu là Biểu Xuyên, cũng đến thăm và đọc cho ông nghe câu đối điếu:

- Mạt lộ cánh hà ngôn,
末 路 更 何 言
Vân Sơn kỳ thọ cựu du,
雲 山 祁 樹 舊 逰
lãng tụng Ngư Tiều ngô dữ tử;
浪 誦 漁 樵 吾 與 子;
- Trần duyên an túc vấn,
塵 縁 安 足 問
Yên Triệu bi ca bản sắc,
燕 趙 悲 歌 本 色
trầm mai hào kiệt cổ nhi kim.
沉 埋 豪 傑 古 而 今。

Bùi Văn Lăng dịch (Danh Nhân Bình Định):

- Đường cuối cùng thôi biết nói sao,
thú nhởn nhơ, cây mát gò cao,
Vân Sơn mấy vận Ngư Tiều,
đây đó ngâm nga đà lắm lúc;
- Việc trần thế ra gì hỏi nữa,
mặt ngơ ngác, than dài thở vắn,
Yên Triệu những phường hào kiệt,
xưa nay chôn lấp biết là bao.

image003
H 3: Phó bảng Đào Phan Duân (1864 - 1947)
người sáng lập Phước An Thương Hội.

Nghe được các câu đối điếu của bạn, ông mỉm cười, nhẹ nhàng ra đi, thọ 71 tuổi (1851 - 1922).

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trích Chương V: Chuyện Làng Văn,
Trong tập Sắc Hương Quê Nhà


GHI CHÚ

[1] Hiệp trấn (協 鎭) là chức phó quan Trấn thủ, cai quản một trấn, (sau gọi là tỉnh). Cuối năm 1831, Minh Mạng bỏ đơn vị trấn lập thành tỉnh, Hiệp trấn thay bằng chức Bố chánh, là phó quan cho Tổng đốc (tỉnh lớn). Chức Hiệp trấn có hàm Chánh Tam phẩm Văn ban.
Thêm bình luận