Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200

Quê Tôi

Những năm tháng theo học ở Huế, về mùa  đông trời mưa rả rích dai dẳng, nhớ nhà vô cùng. Tôi trải lòng vào bài thơ Quê Tôi với cảm xúc tột cùng. Nay thêm ảnh minh họa cảnh Làng quê cho bài thơ thêm sinh động.
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Quê tôi đấy – nằm bên đường Quốc lộ,
Rẽ vào đây – đường đất rộng thênh thang.
Con mương nhỏ, cống xây, chiều nắng đổ,
Tiếp cổng làng cao vút đứng hiên ngang.

Cổng Lý Môn mặt truóc ngó ra Quốc lộ 1. Và mặt sau ngó vào dãy vườn nhà trên con đường làng.

Xem tiếp...

Cái Duyên Đến Với Đề Tài Lễ Hội Cầu Ngư Và Hát Bả Trạo

Tôi viết xong bài “Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư” tại San Jose, ngày 30 tháng 10 năm 1998. Rồi tiếp soạn xong bài “Hát Bả Trạo” ngày 09 tháng 03 năm 1999. Bởi cơ duyên nào tôi hoàn thành được hai đề tài này.

Với loạt bài ấy là cả một sự đầu tư lâu dài, tưởng chừng đề tài không bao giờ thành tựu.

- Cái duyên đầu tiên đến rất sớm, từ lúc tôi còn là học sinh của Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn (1955 - 1958). Thời ấy, tôi được may mắn chứng kiến đám tang cá voi tại Khu Hai ở Qui Nhơn. Dân chài vùng này vớt được một cá voi dài khoảng 2 mét, đã chết, xác trôi dạt vào bờ. Họ che rạp trên bãi cát Khu Hai, đặt cá ông trên một sạp gỗ, thiết bàn án có đủ tam sơn ngũ sự, hương trầm nghi ngút khói, rất uy nghiêm trọng thể. Dân chài Khu Hai tụ họp đông đủ, đầu chít khăn tang, lần lượt vào lễ bái trong trật tự và yên lặng. Có một người mặc áo tang trắng toát, đầu đội dây rơm mũ bạc, tay chống gậy, đứng hầu cạnh xác “Ông lụy.” Hỏi ra mới biết, đây là người đầu tiên nhìn thấy “Ông lụy bờ.”

Xem tiếp...

Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư

Làng Hưng Lương và Xương Lý [1] chỉ cách nhau một đồi cát, đều ngó ra biển và nằm về phía Đông bán đảo Triều Sơn. Hưng Lương xoay mình hứng gió bấc nên thường gọi là Vũng Bấc. Xương Lý lại nghiêng về Đông Nam hưởng trọn gió nồm nên gọi là Vũng Nồm. Ở vào địa thế ba mặt cát trắng vây phủ, dân chúng hai làng này sống về nghề đánh cá biển; cuộc đời gắn bó với sóng nước, may ít rủi nhiều. Vì thế họ tin rằng, có đấng thần linh cứu giúp họ.

Ngày xuân đối với ngư dân là những ngày bận rộn nhất trong năm, vì đang mùa cá. Ăn Tết Nguyên Đán xong, dân chài làm lễ cáo Thủy Thần, trước khi ồ ạt ra quân cho vụ mùa năm mới. Tuy hai làng nằm sát cạnh nhau, nhưng Xương Lý tổ chức lễ vào mồng 10 tháng giêng âm lịch, còn Hưng Lương vào mồng 10 tháng 5 âm lịch, và cũng gọi là Lễ Cầu Ngư. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của hai làng này [2].

image001
H 1: Toàn cảnh làng Xương Lý và Vũng Nồm.
(Ảnh: Phan Minh Châu cung cấp)

Xem tiếp...

Từ Võ Lý Đến Chiến Thuật

Thừa lệnh vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang chiếm nước ta. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã đem võ lý vào chiến thuật một cách khoa học và sáng tạo.

1    -     Thế phục hồi:

Trong võ lý, thời gian ra thế võ cần phải cân bằng với thời gian nghỉ ngơi, gọi là thế phục hồi. Chính nhờ có phương pháp lấy lại sức lực, nên cuộc đấu võ có thể kéo dài hàng giờ. Với võ Bình Định, nếu đánh bằng roi, thế phục hồi được gọi là “đứng chong roi”; nếu đánh bằng tay, gọi là “đứng ngựa.” Tiếng là nghỉ ngơi, nhưng đúng ra là cách đứng để vừa được nghỉ, vừa đón đối thủ xông tới; hoặc đứng để nghỉ, vừa chọn thế trận tốt nhất tấn công đối phương. Vì vậy, trong thế nghỉ, võ sĩ không bao giờ đứng thẳng 180 độ, mà khủy đầu gối và khủy tay hơi co lại trong thế thủ, người hơi khom, thu mình lại để toàn thân được bảo vệ.


H 1: Lễ Đống Đa tại Kiên Mỹ, Bình Định, 1972, biểu diễn thế võ phục hồi trong quân đội Tây Sơn. (Ảnh: cuongde.org)

Xem tiếp...

Khung Trời Kỷ Niệm

Ngày 27 tháng 4 năm 2020, vào khoảng trưa, điện thoại reo. Bên kia đầu dây giọng quen thuộc của Đường Anh Đồng, đương kim Hội Trưởng Hội Tây  Sơn Bình Định Bắc California, nhưng hôm nay có vẻ thảng thốt:

- Em Đồng đây! Anh Bích chết rồi!”

Tai tôi còn thính, nhưng vẫn không tin mình đã nghe chính xác. Tôi hỏi lại:

- Sao? Đồng nói lại đi.

- Anh Bích chết khoảng nửa đêm về sáng hôm nay. Em vừa hay tin, vội báo cho Anh đây.

Nghe tin đột ngột, đầu óc tôi bổng trở nên hụt hẫng…

Với tôi, nói đến anh Đặng Đức Bích là cả một Khung Trời Kỷ Niệm:

Xem tiếp...

Với San Jose Giáp Bốn Mùa

San Jose, được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng, cứ đến mùa xuân hoa cải vàng đua nhau nở rộ trên các sườn đồi và những bãi đất hoang. San Joes còn có tên là Thung Lũng Điện Tử vì nơi đây quy tụ nhiều hãng xưởng lớn về Điện tử và Computer. Gọi là thung lũng vì San Jose được bao bọc bởi đồi núi và địa hình thấp dần về hướng trung tâm thành phố, tạo thành một lòng chảo. Ban  đêm, thành phố lên đèn, nếu đứng ở sườn đồi nhìn xuống San Jose như một cái chảo khổng lồ rực sáng trời sao.

Vì thế San Jose, có khí hậu miền núi, ngày nóng đêm lạnh, có thể tạm nói bốn mùa thu gọn trong một ngày: buổi sáng là mùa xuân, đến trưa là mùa hè, về chiều chuyển sang mùa thu, và đêm khuya là mùa đông.

image001
San Jose có diện tích 181,4 mi².
     image003
Vào Xuân ở Thung Lũng Hoa Vàng. (Ảnh: Lê Hân

Xem tiếp...

Duyên Tri Ngộ - Đoạn 1: Gặp Mộng Bình Sơn

Tôi bỏ vùng kinh tế mới ở Bình Long, về Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian này, tôi suy nghĩ mãi, chẵng lẽ mình chịu chết già để rồi mục nát với cỏ cây hay sao? Món nợ “Cơm cha, Áo mẹ, Chữ thầy,” quên hết hay sao. Bài thơ Quê Tôi viết năm 1960, lúc tôi học ở Huế (1960), vẫn còn đó:

Tôi lớn lên trong vườn khoai ruộng thóc
Đọt rau bùi, trái chín ngọt tình thương...
Nhờ hai buổi trường làng, tôi biết đọc
Luyện tay mềm, tôi viết chữ  “Quê Hương.”

        (Trích Quê Tôi, đoạn 8)

Cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, không còn cầm phấn trên bục giảng, tôi phải cầm bút tô điểm cho Quê Hương. Đề tài đầu tiên tôi viết trong thời kỳ này là “Thổ Âm Và Thổ Ngữ Bình Định” và đang biên soạn đề tài “Thể Thơ Đường Luật.” Hai đề tài đó hợp với hoàn cảnh biên soạn của tôi lúc ấy, là không có tài liệu tham khảo. Vốn liếng về thổ âm và thổ ngữ Bình Định, tôi đã góp nhặt vào trí nhớ trong 12 năm dạy học tại quê nhà thường tiếp xúc dân chúng vùng An Nhơn và Tuy Phước; lúc tù “cải tạo” ở K 18 (Kim Sơn, Bình Định) hằng ngày gần gũi với đồng hương khắp tỉnh cùng cảnh ngộ. Còn với thể thơ Đường luật, kiến thức đã có sẵn trong đầu bởi những năm tháng dạy môn Quốc văn, mỗi lần bình giảng một bài thơ luật Đường của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,… tôi thường đề cập đến 10 luật cấm của thơ này; nào Luật Bằng trắc, Niêm, Vận, Đối, Khổ độc, Diễn đề, Phạm đề, Nhất khí, Trùng chữ, Trùng ý, và Kết cấu. Vâng, với tôi, các đề tài này không cần tài liệu, vẫn có thể tạm viết được, rồi chờ dịp tham khảo tài liệu sẽ bổ sung để được phong phú hơn.

Xem tiếp...

Giới Thiệu Tác Phẩm "Bình Định Chuyện Xưa, Tuy Viễn Dấu Cũ"

Trong Email của Phan Tường Nghị gửi ngày 2 tháng 6 năm 2020, có đoạn: “Vì là tập sách đầu tay của em, nên xin phép Thầy Chương, nếu Thầy thấy được, thảo cho đôi lời giới thiệu thì thật quý cho em. Em vô vàn cảm kích. Chắc là Thầy không nỡ từ chối.”

Qua điện thư phúc đáp, đề ngày 9 tháng 6 năm 2020, tôi có đoạn viết: “Em Nghị có nhã ý nhờ tôi viết Lời Giới Thiệu tác phẩm ‘Bình Định Chuyện Xưa - Tuy Viễn Dấu Cũ.’ Nhận thấy Em nhiệt tình với sự nghiệp, và đồng điệu với tôi trên lãnh vực biên khảo, nên tôi nhận lời; mặc dù hiện nay mắt của tôi có vấn đề, hiện đang chữa trị, việc đọc và viết gặp khó khăn khi nhìn vào màn ảnh trên computer.”        

BinhDinhChuyenXua900

Xem tiếp...

Thế Võ Phòng Thân

Ai đến Tuy Phước cũng biết câu hát của dân quê, về các phiên chợ trong phủ:

Chợ Huyện liệng Cây Gia,
Cây Gia xa chợ Mới,
Chợ Mới tới chợ Dinh,
Chợ Dinh rinh Bồ Đề,
Bồ Đề kề chợ Huyện. [1]

Phiên Huyện nhằm các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch; là phiên chợ lớn nhất của huyện nhà nhưng lại cách Phủ Mới (nay là thị trấn Tuy Phước) gần 4 cây số về phía Tây Bắc. Ngày phiên, không những dân trong vùng tập trung về mà còn đủ mặt dân buôn từ xa đến. Họ mua gom sản phẩm địa phương và bán hàng hóa ở nơi khác mang tới. Con đường Quốc lộ 1, từ phủ lỵ [2] đến chợ Huyện, người mua kẻ bán đi lại tấp nập, có cả những chàng trai dạo chơi tìm ý trung nhân, ca dao có câu:

Xem tiếp...

Trường hợp bài "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế

Dọc theo các tỉnh duyên hải của nước Tàu, từ thủ đô Bắc Kinh (Bei Jing) theo đường xe lửa xuống phía Nam, ta sẽ lần lượt gặp Thiên Tân (Tian Jin) thành phố lớn hàng thứ 3 (sau Thượng Hải và Bắc Kinh), rồi đến Tế Nam  (Ji Nan) thủ phủ của tỉnh Sơn Đông (Shan Dong), xuống nữa sẽ gặp Nam Kinh (Nan Jing) thủ phủ của tỉnh Giang Tô (Jiang Su). Tại Nam Kinh, con đường chia làm hai, một ngả đi về phía Tây Nam đề sang   tỉnh An Huy (An Hui); ngả kia đi về hướng Đông Nam dẫn tới Tô Châu (Su Zhou), một   thành phố sông nước thuộc vùng Đông Bắc Thái Hồ (Tai Hu) và nằm ở cực Nam tỉnh Giang Tô. Vẫn theo con đường xe lửa ấy, đi thẳng về Đông chừng 150 cây số sẽ gặp Thượng Hải (Shang Hai) thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Trung Hoa. Và nếu đi nữa, sẽ ngoặt về hướng Tây Nam để tới Hàng Châu (Hang Zhou) thủ phủ của tỉnh Chiết Giang (Zhe Jiang).

Xem tiếp...