Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Bình Định

anh dao tan
ảnh Ông Đào Tấn

Trong số các danh nhân văn hóa Bình Định, Đào Tấn hiện lên như một ngôi sao sáng chói. Ông là một nhà thơ, nhà soạn tuồng, một nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Đào Tấn (1845-1907), tên đầy đủ là Đào Tăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu Tô Giang, Mai Tăng, Mộng Mai thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở Đàng trong đầu thế kỉ XVII. Ông người làng Vinh Thạnh, nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh. Năm 22 tuổi, Đào Tấn là một trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Bốn năm sau, vào năm Tự Đức thứ 24 (1871), ông được bổ quan rồi thăng tiến rất nhanh: Tri phủ Quảng Trạch, Quảng Bình (1874), Phủ doãn Thừa Thiên (1882). Ông thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc. Những năm này triều đình Nguyễn ươn hèn liên tiếp nhượng bộ, mà thực chất là từng bước dâng đất nước cho thực dân Pháp. Là người nặng tư tưởng trung quân, Đào Tấn dường như đứng ngoài cuộc kháng chiến của toàn dân đang sôi sục khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng mặt khác, ông lại là người yêu nước, thấy nước nhà lâm nguy mà không cứu, tự thấy hổ thẹn với chính mình. Viện cớ cha mẹ yếu, ông xin từ quan về phụng dưỡng nhưng không được chấp nhận. Mãi khi cha mất, ông mới được phép về quê. Cuộc binh biến ở kinh thành Huế ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) của phái chủ chiến thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần Vương đã thổi bùng ngọn lửa cứu nước.

Ban tho Dao Tan
Bàn thờ Ông Đào Tấn

Ở Bình Định, phong trào Cần Vương do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo phát triển mạnh mẽ, nhưng Đào Tấn vẫn đứng ngoài cuộc, từ chối lời mời tham gia nghĩa quân, đến chùa Linh Phong (Phù Cát) ở ẩn. Đồng Khánh lên ngôi, vốn là chỗ cố tri, lập tức cho mời ông tiếp tục tham chính. Đào Tấn trở lại triều đình nhậm chức, được thăng tới Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) năm 1889, Công Bộ Thượng thư (1897)... Năm 1904, vì chống tên việt gian Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Ba năm sau (1907), ông mất, thọ 62 tuổi. Cuộc đời chính trị của Đào Tấn có thể nói là hanh thông. Nhưng đặt trong hoàn cảnh đất nước lúc ấy quả có nhiều điều đáng chê trách.

Tuy nhiên, cái làm nên một danh nhân Đào Tấn không phải là sự nghiệp chính trị mà là sự nghiệp văn hóa.

Danh nhân Văn hoá Đào Tấn

 Nói đến Đào Tấn là nói đến những cống hiến lớn lao của ông đối với nghệ thuật tuồng. Sân khấu tuồng có ở Việt Nam từ rất sớm. Đến đầu thế kỉ XIII đã xuất hiện nhiều vở nổi tiếng nhưng chưa mang tính chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lòng say mê, tài năng và tâm huyết, ông góp phần đưa nghệ thuật tuồng Việt Nam đạt đến bước phát triển rực rỡ. Ông lập Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, Học bộ đình ở Bình Định chuyên đào tạo diễn viên. Hàng trăm vở tuồng nối tiếp nhau ra mắt công chúng, trong đó có 30 vở của Đào Tấn như "Quần trân hiểu thoại", "Tứ quốc lai vương", "Tam bảo thái giám hữu bửu", "Cổ thành", "Quan công quá quan", "Hoàng Phi Hổ quá quan", "Trần hương các", "Hộ sanh đàn"...

Mo Dao Tan
Mộ ông Đào Tấn -ảnh Lệ Hiền

Trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất. Ngoài ra, ông còn có công trong việc hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống hóa các vấn đề mĩ thuật sân khấu tuồng, từ trang trí, phục trang đến đạo cụ... Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn xứng đáng được hậu thế suy tôn là "Hậu Tổ" của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Cũng không thể không nhắc đến một Đào Tấn văn sĩ. Thơ ông được nhiều nhà nho đương thời khen ngợi. Những tác phẩm "Mộng Mai thi tồn", "Mộng mai từ lục", "Mộng Mai ngâm thảo", "Mộng Mai văn sao" đều được ông viết bằng chữ Hán, trong đó về thơ có tới hàng trăm bài, nhiều bài có giá trị. Mặc dù không giống nhiều sĩ phu bấy giờ, trước sự ươn hèn của vua tôi nhà Nguyễn, đã đứng về phía nhân dân hoặc phất cờ cùng nhân dân chống Pháp nhưng Đào Tấn vẫn là một người yêu nước. Điều này thấy rõ qua thơ văn của ông, đặc biệt qua nội dung các vở tuồng do ông sáng tác. Tuồng Đào Tấn nêu cao những tấm gương nhân nghĩa, lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng hi sinh vì đại nghĩa, đồng thời lên án mạnh mẽ bọn quan lại hèn nhát.

mo DaoTan 01
Mộ Ông Đào Tấn - ảnh Lệ Hiền

Những năm cuối đời, Đào Tấn về quê sống ẩn dật. Xa lánh chốn quan trường nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật tuồng. Ông lo trước về "hậu sự" của mình, chọn núi Hoàng Mai làm nơi an nghỉ nghìn thu. Ông mất, người nhà theo ý nguyện của ông đã an táng ông tại núi Hoàng Mai, hay còn gọi là núi Đá Vàng, nay thuộc thôn Hoàng Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1994, trước tình hình ngôi mộ bị xuống cấp nghiêm trọng, Sở VH&TT, UBND huyện Tuy Phước, UBND xã Phước Nghĩa, Nhà hát tuồng Đào Tấn trùng tu di tích lịch sử quan trọng này. Về cơ bản việc trùng tu tôn tạo dựa trên nguyên gốc, phần gia cố thêm chỉ nhằm chống xói mòn và làm bậc từ dưới đường lên đến mộ để nhân dân, khách du lịch lên thăm viếng được dễ dàng. Mộ xây hình chữ nhật dài 3m, rộng 2m, có bờ xung quanh cao 0,8m. Trước mộ có bia đề ngày lập mộ, trước nữa là bức bình phong làm tiền án. Phía ngoài mộ là một vòng tường bao dài 10m, rộng 6m, trước có trụ cổng đề đôi câu đối của Hà Đình tướng công, lưng có bình phong kiểu cuốn thư, hai bên cổng và hai bên cuốn thư là hình bốn con sấu được tạo dáng đuôi vểnh lên trên. Khu lăng mộ đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia.

Phi Long



Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất