Trên chuyến bay chuyển tiếp từ Baltimore đi Orlando vừa qua tôi tình cờ đi chung với một phái đoàn cựu chiến binh Mỹ tham quan Washington D.C về. Họ đã được các hành khách đi cùng chào đón,hoan hô nồng hậu. Nhất là khi khoảng 10 vị đi trên xe lăn xuất hiện, tất cả mọi người đứng lên vỗ tay hoan hô chào mừng, mọi việc đều xuất phát từ trái tim, sự biết ơn và cảm tình nồng ấm của người dân dành cho những người đã từng một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường để phục vụ đất nước.

Tuy nhiên lịch sử Mỹ không phải lúc nào cũng đối xử công bằng với những chiến binh từ trận tuyến trở về, cụ thể là những chiến binh trở về từ chiến trường Vn. Thay vì được chào đón long trọng với những cuộc diễn hành, những bài diễn văn cám ơn, họ đã được đón tiếp với sự thờ ơ, lạnh nhạt, ngay cả với thái độ thù địch của một số người. Họ trở về với một nước Mỹ đầy phân hóa, bọn truyền thông cánh tả đã thao túng truyền thông với những phóng viên thích ngồi ở những quán ăn sang trọng SG viết bài hơn là từ thực tế chiến trường. Họ phải đối mặt với sự tẩy chay, phản đối của bọn phản chiến, gọi họ là những kẻ giết trẻ em( baby killers). Giới văn nghệ sĩ cũng cho việc chống đối chiến tranh Vn là một mode thời thượng, điển hình là cô ca sĩ dân ca Joan Baez và cô đào Jane Fonda. Jane Fonda đã đâm sau lưng chiến sĩ khi sang Hà Nội năm 1972 cười nói, diễn trò khỉ, khi trên chiến trường lính Mỹ vẫn hy sinh và đổ máu ngày đêm, cũng vì vậy mọi người chế diễu đặt cho bà danh hiệu Hanoi Jane.

Sau khi chiến tranh VN kết thúc, Joan Baez rất quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của chính quyền VN. Làn sóng tỵ nạn của thuyền nhân với những câu chuyện kinh khủng về trại cải tạo nơi mà nhiều người phải bỏ mạng khi phải chịu đựng tra tấn, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật và lao động khổ sai. Hằng triệu người, chủ yếu là dân thành phố, nhà cửa bị tịch thu hay vay mượn có ký tên và đóng dấu nhưng không được lấy ra bất cứ thứ gì ngay cả cái bóng đèn, họ phải "tình nguyện" đến các vùng "kinh tế mới", sống sót bằng cách khai hoang đất đai, phá rừng để trồng trọt. Bà nhận ra mình đã quá ngây thơ, bị lợi dụng, góp phần không nhỏ giúp chính quyền CS chiến thắng Miền Nam. Để chứng tỏ sự ân hận và như nói lời xin lỗi, Joan Baez đã cho đăng quảng cáo trên 4 tờ báo lớn nhất của Mỹ ngày 30.05.1979 tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền. Đồng minh một thời trong phong trào phản chiến, Jane Fonda từ chối không tham gia chỉ trích chính quyền CSVN. Cho đến ngày nay Hội Cựu Chiến Binh Vietnam của Mỹ vẫn chưa tha thứ Hanoi Jane, lời xin lỗi của bà được cho là thiếu thành thật, bà đã từng bị một cựu chiến binh nhổ thuốc lá vào mặt cho món nợ năm xưa, nhưng chẳng dám thưa kiện, nếu ra tòa thắng hay thua đều bất lợi cho bà.

Phải trải qua một thời gian dài người mỹ mới thay đổi quan điểm của họ về cựu chiến binh Vn, họ nhận ra rằng các chiến binh đến Vn để làm công việc của họ, chiến đấu và thi hành nhiệm vụ cấp trên giao phó và không có nhiều chọn lựa. Ngày nay cựu chiến binh Vn đã được nhân dân Mỹ biết ơn cho những đóng góp và công nhận là những anh hùng như các chiến binh khác trở về từ đệ nhị thế chiến hay chiến tranh hàn quốc.
tren may bay

Trên máy bay, ngồi kề bên tôi là 2 ông cựu chiến binh, Tôi được giới thiệu ông lớn tuổi hơn (89t) là cựu chiến binh thời đệ nhị thế chiến, ông rất hảnh diện thành tích của mình, năm 16 tuổi khai tăng tuổi lên để được hợp pháp gia nhập hải quân, ông đã tham gia chiến tranh ở mặt trận Thái Bình Dương, ông khoe tấm name tag với tấm hình chụp khá đẹp trai khi ông đi lính thời trai trẻ. Bây giờ ông là lão làng trong hội cựu chiến binh. Các cụ cựu chiến binh thời đệ nhất thế chiến đều đã lần lượt qui tiên.

Ông trẻ hơn giới thiệu với tôi là cựu chiến binh Vn, khi biết tôi là người Vn thì cuộc nói chuyện của tôi và ông có phần thêm thân mật. Ông đến từ một gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội, ông và chị ông đã từng phục vụ ở chiến trường Vn. Ông rất hảnh diện con trai út ông hiện nay đang tham gia chiến trường Iraq và con gái đang phục vụ trên một chiến hạm hải quân. Ông cho biết, không như ngày xưa thanh niên phải thi hành nghĩa vụ quân sự, ngày nay quân nhân mỹ là những người tình nguyện và được đào tạo rất bài bản trước khi ra trận. Khi được hỏi ông có trở lại thăm chiến trường xưa hay có ý định du lịch Vn không? Ông trả lời "Tao là lính hải quân nhưng chẳng biết con tàu là cái chi chi, họ thả tao xuống Danang, ngày đêm phải càn bố vc trên những cánh đồng đầy đỉa ở ngoại ô Danang. Trên nón sắt của tao luôn có gói thuốc lá dù không hút thuốc, mỗi khi về doanh trại tao phải dùng thuốc lá đốt mấy con đỉa đeo bám hút máu tao, 10 tháng sau tao bị thương và trở về mỹ chấm dứt cơn ác mộng, tao chưa từng đến SG và không có ý định quay lại Vn" Và ông kết luận "Chiến tranh Vn là cuộc chiến duy nhất chính quyền mỹ không muốn thắng trận ".

Phi cơ đáp xuống Orlando, sau khi bắt tay từ giã ông cựu chiến binh già chúc ông nhiều may mắn, siết tay thật chặt ông cựu chiến binh VN, tôi nói mặc dù rất muộn màng nhưng cám ơn ông đã chiến đấu và đổ máu trên quê hương tôi, ông nói rất vui tôi đã nói lời cám ơn và những lời tử tế không bao giờ trễ.

Trần Quang Kim