Nhân dịp cựu học sinh Cường Đễ LK 66-73 tổ chức họp mặt Kỷ niệm 45 năm,ngày ra trường 8-7-2018 tôi đăng lại bài đã viết 2016 cho cuộc họp mặt 50 năm ngày vào trường của LK tổ chức 5-8-2016 tại Quy Nhơn. Trần Phi Hùng.



Thế hệ chúng tôi sinh bất phùng thời. Sớm hơn một tí sướng hơn. Trễ hơn một tí dễ thích ứng hơn. Khi mùa hè Quãng Trị đỏ lửa, học sinh chúng tôi đã nóng lên .Học và học,học là trên hết, rớt Tú tài phải đi lính. Ai trong túi cũng có Thẻ động viên tại chỗ, nếu đậu được thêm mấy chữ :” Hoãn dịch vì học vấn” còn không, cái chắc là đến quân trường, Chúng tôi học ngày học đêm, thiếu ngủ nhưng không dám ngủ, muốn thức dù uống coffee cũng chẳng ăn thua,Tôi có 1 tấm bảng dài gần 3m, khi buồn ngủ phải đi tắm rồi cầm cục phấn trắng đứng trước bảng. Tương lai chúng tôi là Tú tài hai, thời đó rớt Tú tài 1 đi trung sĩ, rớt Tú tái 2 đi chuẩn úy, có Tú tài 2 đi lính cũng đươc Võ bị Đà Lạt, nếu muốn vào Đại học ghi danh không được trường này thì cũng được trường kia.Rồi sự kiện 30_4 đến, chúng tôi như những con chim chưa đủ lông cánh phải bay vào đời, mà đời thì đầy đắng cay .

Sau 1975 tôi có về Qui Nhơn, đứng ngoài đường nhìn trường Cường Đễ, ngôi trường 7 năm theo học. Có quá nhiều đổi thay, con đường đến trường và tên trường cũng thay đổi : Trường cấp III Quang Trung, sao lạ quá, trong tôi không thấy một mối liên hệ nào . Dường như một ngôi trường khác. Sao phải đổi tên? Trường Cường Đễ là một trường nổi tiếng.Nổi tiếng không phải vì cái tên, vì công lao bao thế hệ những người thầy, những học sinh và cộng đồng xã hội vun đắp.Thương hiệu nổi tiếng vì chất lượng chứ không phải cái tên, cho dù là cái tên của vua Quang Trung.Trong tôi Cường Để đã chết và một chút giận nổi lên, nhưng rồi tự nhủ, họ phải làm ( nhiều nơi cũng thế chứ chẳng phải riêng ở Bình Định).Về lý thuyết ,đổi tên để chứng minh từ bỏ quá khứ dù là một cái tên đẹp và đáng tự hào. Thời đó ai dám nói khác đi.

Ngày xưa thi đậu đệ thất vào Cường Đễ là một vinh dự. Cường Đễ là trường công, lớn nhất và có uy tín nhất Tỉnh Bình Định, một ngôi trường dành cho nam sinh, Trường cho nữ là trường Nữ Trung Học.Tôi học từ đệ thất lên đến hết 12 ở Cường Đễ nên không biết các trường khác thế nào nhưng trong tôi Cường Đễ vẫn nhất, đi ra đường lúc nào cũng hãnh diện với cái huy hiệu của trường và dường như ai ai nhìn thấy cũng có một ánh mắt nể vì.Đồng phục áo trắng quần xanh, sáng thứ hai chào cờ hát Quốc ca ( sau đó là Hiệu Đoàn ca ) mặc quần trắng, nên tội phụ huynh, năm nào cũng thay quần trắng cho con, bởi mỗi tuần chỉ mặc một lần, quần còn mới tinh mà chúng tôi đang sức lớn nên qua năm mặc lại chẳng vừa. Thời chúng tôi còn tôn sư trọng đạo lắm lắm,trong đầu chưa bao giờ gợn lên chút gì oán trách thầy cô ,Tôi nhớ thầy Ngự rất nghiêm về đồng phục, áo bỏ trong quần,có thắt lưng và dép phải có quai hậu, có hôm quên dây nịt tôi phải ra xe đạp lấy dây thun quấn vào và cứ mong thầy đừng thấy, Tôi đã chứng kiến thầy bắt học sinh quỳ ngoài lớp, lúc đó chúng tôi thấy bình thường và phụ huynh chẳng có ý kiến gì, chứ như bây giờ thì rùm beng trên mạng và chắc là thầy giáo phải kiểm điểm đến nơi. Cho hay cũng là một việc nhưng thời khác sẽ được nhìn nhận khác và chuẩn đánh giá đạo đức cũng khác .Trường Cường Để có dãy phượng đỏ đẹp, phượng và ve là hai thứ làm tâm hồn nam sinh đôi khi chùng xuống( là cũng do những chùm phượng vĩ ) Hoa phượng làm tôi nhớ đến những kỳ hè buồn vui lẩn lộn. Hàng cây bóng mát do khóa của chúng tôi trồng và chăm sóc, hình như lúc đó thầy Viễn phụ trách việc này. Thầy Viễn dạy vẽ,tôi nhớ thầy dạy đĩa Newton phối màu từ các màu gốc và sau đó bằng cách pha màu nước, tôi vẽ đươc trái vú sữa tuyệt đẹp .Thầy Ninh dạy nhạc,chúng tôi học nhạc lý rất cơ bản nhưng thực hành chỉ đứng hát có máy gõ phách tách tách tách và dùng tay đánh nhịp, ví dụ nhịp 3/4 thì đưa lên xuống giống hình tam giác, nhịp 4/4 thì từ trên xuống, đưa sang trái, ngang rồi đưa từ phải lên đủ 4 nhịp.Thầy là tác giả bài “ Hướng về chân trời sáng “ Hiệu Đoàn ca Cường Đễ, hầu như ai cũng thuộc. Sau này mỗi khi gặp người lạ, muốn kiểm tra có phải học sinh CĐ không thì bắt hát bài này. Cám ơn các thầy cô, nhờ hấp thụ các giờ văn, giờ nhạc ( cầm ) và vẽ ( họa) mà con tim này còn cảm nhận cái hay cái đẹp khi đứng trước một bức họa, một người con gái hay nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ trong cái thế giới nghệ thuật “hùm bà lằn “ hôm nay.Tôi nhớ thầy Tấn lúc nào cũng “ Xem một mạch điện”.Thầy Tâm dạy Triết lúc nào cũng ngông : Triết học là gì ?.Cô Nhạn dạy Anh… Nhớ thầy Giác, lúc chúng tôi xin bài để đăng trên giai phẩm” Xuân “và “Sợi nắng” hè, thầy nói nhiều về sử dụng chữ nghĩa, về “Bóng thuyền say” ,về Kim Dung. Sau này thầy sang Mỹ tôi có đọc một số bài thầy viết bên ấy. Biết thầy có in cuốn Sông Côn Mùa Lũ tôi cố tìm cho được,rất tiếc là bao năm trời vẫn chưa đọc xong.Tôi chưa thấy sử sách nào nói Nguyễn Huệ có người yêu tên An, không biết thầy Giác tìm cô An ở Sông Côn lúc nào mà làm lụy đến anh hùng.Nói thầy Nguyễn Mộng Giác tôi nhớ đến năm cuối lớp 12, trong đêm hè không ngủ ở sân vận động ( không phải đêm nổ lựu đạn ) có mặt tất cả trường Trung học ở Quy Nhơn, Trường Cường Đễ đại diện cho nam sinh có bài diễn văn, tôi vinh dự được trường chọn viết và đọc bài văn ấy. Lúc tôi vừa đọc xong, bên dưới chai lọ quăng tứ tung kêu chéo chéo, học sinh rối loạn hàng ngũ ,thầy Giác phải lên sân khấu kêu gọi giữ trật tự, thầy nói mà như muốn khóc. Xuống dưới sân mấy bạn bảo có một nhóm học sinh TH Kỹ Thuật và Cường Đễ đánh nhau. Những ngày sau, Quy Nhơn còn nóng vì xích mích giữa hai trường, nhưng rồi ngày thi và cuộc chiến át liệt đến sát bên chân làm chúng tôi quên đi. Học thi trong tiếng súng và thấy người chết hàng ngày làm chúng tôi quên nhiều thứ . “ Đại bác đêm đêm vọng về, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”(TCS) còn chúng tôi thì bịt tai, tìm chỗ nào cách âm để học. Quên mọi thứ mà học, chỉ có học cũng chẳng yên.

Thời chúng tôi, sách giáo khoa không thay đổi, học sinh lớp sau có thể sử dụng sách học sinh lớp trước. Bộ Giáo Dục ra đề cương và cá nhân viết sách giáo khoa.Mỗi môn có một vài bộ và tôi thấy chẳng ai chỉ ra sạn cát gì. Ví dụ Toán có bộ sách của Nguyển Văn Phú và Nguyễn văn Tá ( viết chung ) hay bộ của Đào Văn Dương.Nếu Giáo sư nào ( chúng tôi gọi Giáo sư chứ không phải Giáo viên như bây giờ ) muốn nâng cao có thể lấy một số bài tập ở sách Pháp ( vì sợ sách Việt chúng tôi đã cày nát rồi ).Lớp đệ tam đã phân ban. Có 4 ban, ban B là ban toán, học ban này , khi có Tú tài hai bạn có thể học bất cứ ngành nào, ban A dành cho ai sau này muốn trở thành bác sĩ, ban C cho người theo nghiệp báo chí văn chương, ban D là ban cổ ngữ ( lúc ấy trong trường chẳng có ai học ban D). Khi đã phân ban các môn chính sẽ nhân hệ số cao hơn. Ví dụ ban B ( tôi rất tự hào đi ban này ) Toán hệ số 5, nghĩa là khi thi Tú tài, Toán 18 điểm ( điểm số 20) bạn được 90 điểm, nếu bị 0 bạn có 5 con zero (nói vậy để bạn hình dung,. chứ bất cứ số nào nhân với 0 cũng bằng 0).Chúng tôi học rất nhiều môn : Toán; Lý; Hóa; Vạn vât; Sử Địa Công dân;Triết học; ; Đạo đức học; Lý luận học; Sinh ngữ 1; Sinh ngữ 2 ( thường chúng tôi học sinh ngữ 1 là Anh văn thì sinh ngữ 2 là Pháp văn hay ngược lại ). Học môn gì phải thi môn ấy, cả môn thi Thể dục cũng có điểm trong Tú tài 2. Môn Văn chúng tôi được dạy kỹ từ các lớp dưới chứ không phải như bây giờ thi tốt nghiệp THPT hay ĐH môn Văn còn lọng cọng .Kì thi Tú tài một và Tú tài hai tổ chức rất nghiêm túc và với chúng tôi đặc biệt quan trọng. Nghiêm túc bởi văn bằng Tú tài chẳng những đạt chất lượng chuẩn Quốc gia mà còn chuẩn Quốc tế.( có thể xin học ở nước ngoài ) Quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng và sự nghiệp của chúng tôi.Văn bằng có giá trị ghi danh vào đại học. Chỉ trừ một vài trường như Phú Thọ, Sư Phạm tổ chức thi đầu vào, bạn có Tú tài 2 được ghi danh học Đại học.Nếu vì lý do nào bạn chưa học , thì năm mười năm sau bạn vẫn lấy chứng chỉ này để vào Đại học một cách bình thường.Thi Tú tài gian truân. Vào Đại học bình thường còn tốt nghiệp Đại học lại là việc kiên trì gian khổ khác.

Tôi thấy nền giáo dục ngày nay có nhiều cái lạ, lạ chứ chẳng hay . Giáo khoa thay đổi liên tục, năm sau khác năm trước và bị giáo viên, dư luận phàn nàn về chất lượng ( không phải là khuôn vàng thước ngọc) .Phân ban không rõ nét, làm cho có vẻ phân ban, học sinh không thể định hướng cho mình. Thi tốt nghiệp chỉ chọn một số môn. Phải tổ chức 2 kỳ thi vì bằng tốt nghiệp THPT không có giá trị, muốn vào Đại học phải thi lại.Khi thấy lãng phí và bất cập gộp chung hai kỳ thi làm một , nhưng văn bằng cũng chẳng có giá trị gì, sau thi phát cho một tờ phiếu nộp vào trường ĐH để chờ khớp lệnh. Không thể lấy kết quả tốt nghiệp năm trước để xét tuyển cho năm sau .Thật là một nền giáo dục phá sản. Việc mà Bộ Giáo Dục hiện nay mong muốn hướng tới ,chúng tôi đã có sẵn và thực hiện trước đây hơn bốn chục năm : Sách giáo khoa; Tổ chức dạy vả học; Chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chữ nghĩa thời nay cũng đáng quan tâm ( quan ngại ). Hàng ngày trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương cho đến Địa phương, họ đọc và viết sai quá. Thời chúng tôi ai cũng biết 24 chữ cái có cái tên để gọi 24 chữ ấy , ví dụ A, B, C ( a, bê,xê ) và các phụ âm thì có vần để ghép với nguyên âm , ví dụ B,C hiện nay chọn là âm ờ : bờ, cờ, khi ghép với nguyên âm A thành BA , bờ a ba . Hai việc đọc tên và âm ghép khác nhau không được lẫn lộn .Đài BBC bê bê xê chứ không thể Đài bờ bờ cờ. Cho một tam giác ABC a bê xê chứ không thể a bờ cờ . Trong tiếng Anh cũng vậy đọc BBC bi bi xi, khi ghép vần b vào book thì b-ook /buk/ .Hiện nay tôi thấy chỉ có Đài truyền hình HTV ở Sài Gòn là đọc tương đối chuẩn. Hãy xem qua : VN ( Việt Nam ) đọc vê nờ,, MH 170 đọc mờ hát 170, G7 : gờ 7; ABC a bờ cờ ….nhưng QĐ ( Quyết Định) : qui đê… đọc thoải mái, đọc tùy hứng, chẳng có quy tắc nào .Tôi biết có ông Phạm S ( tên chỉ chữ S thôi ) hiện là Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng thì đọc sao, Phạm sờ ? thật thiếu tôn trọng và có thể kiện ra tòa.

Lại nói về “ Trong sáng Tiếng Việt ? “. Sài Gòn ở đường Hai Bà Trưng có “ Nhà khách người có công “. Tại sao không là nhà khách A, B gì đó , còn cho ai ở thì thuộc về quy định ở nội dung. Sài Gòn có Hầm Thủ Thiêm nhưng Chính quyền không đồng ý , rồi qua nhiều cuộc họp đổi thành “ Hầm vượt sông Sài Gòn “ . Sao không Hầm A, B gì đó, còn vượt sông Sài Gòn hay vượt sông Hồng thì ghi chú trong hướng dẫn địa chí. Ngày nay việc đặc tên ,danh hiệu phải nói rất dài để mọi người biết tường tận nội dung luôn. Tưởng tượng một ngày nào đó bạn đọc trên tấm danh thiếp :” Mr A, PGS,TS,Chủ tịch UBND Huyện Tuy Phước,…, Tỉnh Bình Định, ở Gò Bồi “.Trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội vừa rồi tôi đã đọc tiểu sử của 1 vị giới thiệu danh hiệu, chức vụ dài gần nửa trang giấy A4. Nói về Văn phạm : tiếng Anh khác tiếng Việt, Trong tiếng Anh tĩnh từ đứng trước Danh từ để bổ nghĩa cho danh từ ấy.Ví dụ cái áo đỏ phải viết red shirt.Trong tiếng Việt tĩnh từ đi sau để bổ nghĩa danh từ, ví dụ Nhà đẹp. Cũng vậy, đúng ra tên nước chúng ta phải viết là “ Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” Tôi không có ý gì chính trị ở đây ; Chỉ bàn thuần Văn phạm Tiếng Việt, CHXHCN là một cụm từ có chức năng tĩnh từ bổ nghĩa cho Việt Nam.Việt Nam là tên nước của chúng ta, Việt Nam không làm chức năng của một tĩnh từ, phải là một danh từ, mà một danh từ phải đứng đầu. Có bạn hỏi những việc này có liên quan gì đến Cường Đễ mà ông viết ở đây? Có đấy: Thứ 1, dân Cường Đễ thấy chuyện “ trái tai, gai mắt “ là nói ngay không để bụng được ( tôi có ý sẽ viết một bài riêng cho đề tài này nhưng không để bụng được ).Thứ 2, có rất nhiều học sinh Cường Đễ vào ngành Sư Phạm. Thứ 3, tôi nghe có học sinh Cường Đễ đang là Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, mà lĩnh vực này là của Bộ, ông Thứ Trường có biết những việc này không? (Phép thử để biết dân Cường Đễ thật.)

Khóa học sinh Cường Đễ của chúng tôi 1966-1973, nay ai cũng qua 60, nói về định lượng tuổi là già, nhưng mỗi khi tụ lại, ăn uống còn khỏe, nói chuyện cũng nhiều, từ trong nước đến thế giới, từ quản trị làm ăn to đùng đến tình cảm một bóng hồng mới thoáng qua ( chuyện nhỏ xíu ), hiểu biết, rành rõi và phong phú, nên tôi tạm ghép vào giới “cũng còn trẻ” nhờ cái định tính này. Nay nghe bạn bè hẹn gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày vào trường, tôi rà xem lại : Người già thường hoài niệm và muốn quay về kỷ niệm, sống trong kỷ niệm. Chúng ta đang hoài niệm, vậy chúng ta già, đúng Tam đoạn luận trong Lý luận học.

Năm 1966 ( chúng ta ) vào trường còn con nít, năm 1973 rời trường mái tóc còn xanh đen, năm 2017 có buổi hẹn họp lớp đầu tiên tại trường, tóc đã bạc.Chiến tranh dài là thế, sau 20 năm đã đoàn tụ gặp nhau, sao gần 45 năm mới về Trường Cường Đễ, mà trường thì có xa ở Châu Mỹ, Châu Phi gì đâu. Nếu không có buổi họp mặt này có lẽ về Quy Nhơn tôi cũng chẳng trở lại trường xưa.Không hiểu tại sao? Mà đâu phải mình tôi. Có lẽ sau 1975 kinh tế khó khăn, không khí khó thở, lòng người ly tán, ai biết tin ai, lo cơm ăn áo mặc chưa xong, lo cuộc sống yên thân chưa được ,có đâu mà hẹn gặp để bàn chuyện hay hàn huyên. Rồi bản năng trong mỗi người tự điều chỉnh cho phù hợp : Có những chuyện do cơ thễ mệt mõi mà quên, ta tạm gọi là quên cơ học, có những chuyện vẫn nhớ nhưng dùng ý chí để quên, ta tạm gọi là cố quên và sống trong một môi trường tha hóa đúng sai lẫn lộn , có cái ta cho đúng thì họ nói sai; có cái ta nói sai thì xã hội tung hô vạn tuế.Thôi thì quên hết, quên người xưa, quên lối về, quên phứt đi cho rồi, và rồi quên thiệt. Tổng hợp ta tạm gọi là “ Hội chứng lãng quên “ của thế hệ chúng tôi ,cho có vẻ Triết.

Có hứa với Võ Thanh Vân và Võ Ngọc Chuyển gửi một bài đến Nội san hay Kỷ yếu gì đó cho ngày lễ kỷ niệm 50 năm vào trường Cường Đễ, nên tôi viết lan man về Cường Đễ , nhớ đâu nói đó, nghĩ gì viết ấy, để nhắc nhớ kỷ niệm .Nhờ kỷ niệm ta dễ nhận ra bạn bè ngày xưa cùng học dưới một mái trường, bởi dám chắc bạn cũng như tôi sau chừng ấy năm, lần đầu gặp mặt sẽ chẳng nhận ra nhau, ở ngoài đường có thể đánh nhau như người xa lạ . Hy vọng các bạn yêu đời và yêu người… rồi nói to : Chúng ta như còn trẻ và làm được gì thì hãy làm ngay vì quỹ thời gian chúng ta không còn trẻ.

Sài Gòn, giữa tháng 6 năm 2016.

Trần Phi Hùng

Nguồn: Trang FB của Trần Phi Hùng