tuong QD
Tượng đồng bán thân của Vệ Quốc Quân Quang Dũng được đặt tại Trường Tiểu học thị trấn Phùng (Trường THPT Đan Phượng cũ)

Về thượng nguồn sông Mã thăm dấu chân nhà thơ Quang Dũng - tác giả bài Tây Tiến; Đôi mắt người Sơn Tây ....

1- Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào dài 512 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km; phần trên lãnh thổ Lào dài 102 km. Ý nghĩa của từ "Mã" hiện có nhiều cách nhận định khác nhau nhưng chủ yếu thiên về hai cách giải thích : "Mã" là mạ, mẹ, là "cái"; sông Mã là sông Cái; hoặc "Mã" là mạ, tên loại rau có nhiều ở thượng nguồn sông này, sông Mã = Nậm Mạ = sông cây rau mạ (Nậm Rốn = sông cây lác ...)

Sông Mã có hai nguồn chính; nguồn thứ nhất là từ ngã ba Pắc Ma (Sơn La); nơi hội lưu của 2 dòng suối từ Tuần Giáo và Mường Luân (huyện Điện Biên Đông), khi đến huyện Sông Mã (Sơn La) sông chảy ngược qua đất Lào tại cửa khẩu Chiềng Khương. Nguồn thứ hai từ Sầm Nưa (Lào) vào Việt Nam tại xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Sông Mã chảy qua các huyện phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, hội lưu với sông Nậm Khoai, Nậm Lương (sông Luồng), sông Lò, sông Bưởi và sông Chu rồi đổ ra biển tại cửa chính là cửa Hới (Sầm Sơn) cùng hai cửa phụ là cửa Lèn và cửa Lạch Trường. Cầu Hàm Rồng qua sông Mã trên QL 1A rất nổi tiếng trong lịch sử.
luong_1

Đến Mường Lát có thể đi từ Mai Châu theo QL 15A qua Bản Lác, Phố Vãng, đến ngã 3 Co Lương là hết địa phận Hòa Bình. Từ ngã 3 này có lối rẽ phải men sông Mã qua xã Thành Sơn, Trung Sơn, Mường Lý, Chiềng Nưa, Tam Chung, Mường Lát. Cung đường này chưa thể đi bằng ô-tô và xuyên qua những vòm tre, rừng luồng; những bản làng hoang vắng; có các bè tre kéo tay đưa khách sang sông. Suốt quãng đường có rất ít hàng quán và dễ lạc đường khi đến các ngã 3 vì không có người để hỏi; đường hẹp lởm chởm và lầy lội khi mưa. Từ Mai Châu đi 16km đến Co Lương; rẽ phải khoảng 11km đến xã Trung Sơn, đi tiếp 80km đến thị trấn Mường Lát.

Từ Ngã 3 Co Lương nếu đi bằng ô-tô phải đi tiếp khoảng 20km đến TT Hồi Xuân thuộc huyện Quan Hóa; tại đây theo ĐT 520 rẽ phải đi Hiền Kiệt, Pù Nhi, bản Táo, Mường Lát, Đường này có thể đi bằng ô-tô nhưng rất xấu; không nên đi vào mùa mưa, từ Hồi Xuân đến thị trấn Mường Lát khoảng 70km.
bang-suoi
Mường Lát được tách ra từ huyện Quan Hóa; là huyện biên giới phía tây Thanh Hóa, được xem như huyện nghèo nhất nước, cách trung tâm tỉnh gần 300 km. Nơi đây địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên được mệnh danh là vùng “ma thiêng, nước độc”. Thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến phần nào nói lên cái cheo leo, hiểm yếu của vùng biên ải thâm sơn cùng cốc này. Nhiều địa danh ở đây cũng đã được lồng ghép vào bài thơ, như sông Mã, Sài Khao, Mường Hịch ....; nơi đây có 6 dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống; dân tộc Thái và Mông chiếm đa số.

Từ TT Mường Lát đi tiếp 19km đến xã Tén Tằn, có cửa khẩu Tén Tằn, cột mốc 281 với Lào; cầu treo Tén Tằn; đây là nơi sông Mã nhập cảnh nước Việt. Tén Tằn có đường đi Sầm Nưa theo QL 6 của Lào; có ngã đi các xã biên giới Quang Chiểu, Mường Chanh. Các xã biên giới này có thể nói là rất nghèo do thổ nhưỡng; sốt rét, đi lại khó khăn và đặc biệt đây là vùng đất dữ được dân buôn hàng trắng từ Sầm Nưa theo QL 6 (Lào) đến biên giới rồi len lỏi đường rừng đưa vào Thanh Hóa. Xã Mường Chanh đặc biệt có 3 mặt giáp với Lào nên việc ngăn chận hoàn toàn nạn buôn thuốc phiện là hết sức khó khăn hoặc không thể.
cau-treo
Từ thị trấn Mường Lát đi 20km đến bản Sài Khao; đường đi hết sức gian nan, nguy hiểm nhưng hùng vĩ, nơi đây lèo tèo vài chục mái nhà người Mông, tiêu điều, xơ xác như mới trải qua cơn bão "hàng trắng" từ bên kia biên giới thổi về..... Sài Khao có thời được xem như là nơi "tập kết" hàng trắng trước khi theo các đường rừng, mảng bè làm bằng tre luồng trôi xuống miền xuôi...; từ Sài Khao có thể thấy đỉnh Pha Luông cao vời vợi bên Châu Mộc.
Chúng ta sẽ không mấy ai biết đến Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Sầm Nưa .... nếu không được nhà thơ tài hoa Quang Dũng thổi hồn qua các câu thơ :

Sông Mã xa rồi,Tây tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi;
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời;
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Lương mưa xa khơi.

Khi về có thể ngược ra TT Hồi Xuân qua phà Na Sài (nay đã có cầu) đi tiếp 11km đến ngã 3 QL 217; nếu rẽ phải đi cửa khẩu Na Mèo; từ đây có thể đi suối cá thần Cẩm Lương hoặc đi thẳng đến Phố Cống, Lam Sơn, Thanh Hóa. Đi cách này sẽ xa hơn là về lại Mai Châu, Hà Nội nhưng biết được nhiều di tích lịch sử như Lam Kinh, thành Nhà Hồ, Cúc Phương, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư ....

Thượng nguồn sông Đà có ngã 3 Pác Ma gần Kẻng Mỏ; một trong 2 thượng nguồn sông Mã cũng có tên Ngã 3 Pắc Ma; sông Mã dài thứ 4 trong "top 7" các con sông chảy trong lãnh thổ Việt Nam. Dài nhất là sông Đồng Nai (586km), sông Đà (530km), sông Hồng (516km), sông Mã (410km), sông Lam (300km), sông Lô (277km) và sông Mekong (sông Hậu = 250km).
chan-dung-Quang_Dung
2- Nhà thơ Quang Dũng
Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: thơ, nhạc, họa nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ ca. Ông là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám.
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông học trung học trường Thăng Long, sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.
Ông vào quân đội sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

* Năm 1947, ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến; đơn vị được điều đi chiến đấu ở các vùng biên giới Lào-Việt thuộc tỉnh Thanh Hóa (nay là huyện Mường Lát, Quan Hóa...), Hòa Bình (huyện Mai Châu), Sơn La (huyện Mộc Châu) đến tận Sầm Nưa (Thượng Lào). Thuở đó vùng này hoang vắng, núi cao sông sâu, rừng nhiều thú dữ lại thêm bị sốt rét hoành hành; số chiến sĩ Tây Tiến chết vì bệnh tật nhiều hơn vì súng đạn.
* Năm 1948, ông làm tại Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.
* Năm 1954, sau hiệp định Genève, ông xuất ngũ, về làm việc tại nhà xuất bản Văn Nghệ Hà Nội rồi chuyển sang nhà xuất bản Văn học.
* Năm 1956 ông gia nhập nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm cùng với một số văn nghệ sĩ khác như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Văn Cao, Nguyễn Bính .......
* Năm 1958 phong trào này bị dập tắt; thơ của ông bị phê bình thiếu tinh thần chiến đấu, ông được gởi đi cải huấn sau đó ẩn thân trong nghèo nàn và tật bệnh; tên tuổi và các tác phẩm của ông cũng gần như hoàn toàn bị quên lãng từ đó cho đến cuối đời.
* Năm 1988 sau thời gian lâm bệnh, ông mất đi một cách âm thầm như các nhà thơ lớn khác : Hữu Loan, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính .....
Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông cũng sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Bài "Nhớ Tây Tiến" cũng được ông viết trong thời gian ở quân ngũ; bài thơ mang nét hào hùng, bi tráng, pha chất lãng mạn, sau này được giảng dạy trong giáo trình trung học. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc; một đoạn của bài thơ Tây tiến đã được khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Châu Trang, xã Thượng Cốc,huyện Lạc Sơn (Hoà Bình).
bia

Tây Tiến ra đời đến nay đã hơn 70 năm, bài thơ cũng như thân phận tác giả đã nếm đủ nỗi thăng trầm thế sự, có lúc tưởng nó đã chìm sâu vào quên lãng; nhưng những bài thơ hay sẽ bất hủ dù có bị nhấn chìm và tên tuổi tác giả cũng thế. Ở Việt Nam ta có những bài thơ bất hủ khác; tác giả có cùng số phận thăng trầm; cùng tính cách phóng khoáng bất khuất; cùng chết trong nghèo khổ; trong số này có 3 nhà thơ cùng mang họ Bùi : Quang Dũng - Bùi đình Diệm (Tây Tiến); Hoàng Cầm - Bùi tằng Việt (Lá diêu bông) và Bùi Giáng (Mắt buồn) ....

Quang Dũng đã có "Đôi mắt người Sơn Tây", "Đôi bờ" rất nổi tiếng và được xem là nhà thơ của "Xứ Đoài mây trắng" :

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trăng lắm....
Em có bao giờ em nhớ thương

Đôi mắt người Sơn Tây là bài thơ nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ nhất, bài thơ nói lên cuộc gặp gỡ của nhà thơ với người con gái thời loạn lạc, một thoáng quen biết rồi chia tay giã biệt trong cuộc tình buồn, ngắn ngủi thời loạn ly.
Người con gái trong bài thơ tên Nhật (Akimi Nhật), theo mẹ từ Sơn Tây về khu kháng chiến thuộc làng Kinh Đào mở quán nước nhỏ bên đường và Quang Dũng đã gặp nàng tại đây. Đôi mắt nàng đã gợi lên nhiều cảm hứng để ông viết nên những dòng thơ :

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây...
. . . . . .
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
vang
Sau này, chiến tranh lan rộng, bà Nhật theo mẹ vào Sài Gòn, bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình; nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ, chỉ biết :

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

và :

Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào...
rồi giải sầu qua cốc rượu :
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Pha-Luong
phong cảnh Phà Luông

Sau 1975 bà Nhật sang định cư tại Mỹ; bà Nhật cung cấp đoạn thơ Quang Dũng viết về bà :

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương - người cùng quê với nhà thơ - đã phổ nhạc từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), bản nhạc được đánh giá rất hay.
Thời gian đã sàng lọc và chứng minh các tác phẩm của Quang Dũng là kiệt tác : năm 2001 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thật đáng buồn là ông sống trong bệnh tật và hết sức nghèo túng vào những năm tháng cuối đời; ông mất khi chỉ 67 tuổi..

Tượng đồng bán thân của Vệ Quốc Quân Quang Dũng được đặt tại Trường Tiểu học thị trấn Phùng (Trường THPT Đan Phượng cũ) là một minh chứng về sự tôn vinh của Nhà Nước đối với nhà thơ. Ông mất tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) và dược an táng tại nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội).
Từ Hà Nội theo đường Cầu Diễn (QL 32) qua Thị Trấn Đan Phượng (TT Phùng), gần đến ngã ba giao QL32 cũ và đường tránh TT Đan Phượng thì rẽ phải, cách đường lớn chừng chừng 200 m vào trường viếng tượng nhà thơ Quang Dũng.
Tri_Dung
Nguyễn Trí Dũng