Son_Nam.14

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.

Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.

Son_Nam.5
Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...
Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở trong bưng (chiến khu), nhà văn Sơn Nam đoạt các giải thưởng cho truyện ngắn đầu tiên: Bên rừng cù lao Dung (Khuyến khích) và giải Nhì cho ký sự Tây đầu đỏ trên báo Tiếng súng kháng địch và tạp chí Lá lúa.

Trong hôm sinh nhật mừng thọ nhà văn Sơn Nam tròn 80 tuổi (2006) do NXB Trẻ tổ chức tại TP.HCM, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã phát biểu: Xin phép anh Sơn Nam cho tui nói thật, hồi đó chắc vì anh sợ xa miền Nam nên không tập kết ra Bắc, chứ nếu anh đi thì sau này biết đâu anh là quan lớn. Nhưng cũng may cho nền văn học nước nhà, vì tuy mất đi một nhà lãnh đạo Sơn Nam thì bù lại chúng ta có một nhà văn Sơn Nam còn sang trọng gấp bội.
Khoảng giữa những năm 1980, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo cấp cho nhà văn Sơn Nam một ngôi nhà mà ông đã ở đến lúc mất trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cấp nhà cho nhà văn Sơn Nam không chỉ vì tình cảm yêu mến cá nhân, mà còn vì những đóng góp của Sơn Nam trong thời kháng Pháp gian khó.

Nhà văn - nhà Nam Bộ học Sơn Nam từ trần vào lúc 12h40 ngày 13.8.2008 ở TP.HCM, và yên nghỉ tại Công viên Nghĩa trang Chánh Phú Hoà tỉnh Bình Dương.
Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là “nhà Nam Bộ học” hay “Ông Già Ba Tri”...
Son_Nam.7
Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau ngày thống nhất đất nước, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay? Có lần có người hỏi vậy, ông cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị.
Sau khi ông qua đời, con gái ông đã dựng một nhà lưu niệm trên khuôn viên rộng 1500m2 bên bờ kênh Bảo Định (xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang). Nơi đây được gia đình dùng làm nơi hương khói cho ông, đồng thời cũng để những người yêu mến ông có thể ghé thăm ông.
Những tác phẩm chính đã xuất bản:

Chuyện xưa tích cũ (2 tập, 1958); Nguyễn Trung Trực - Anh hùng dân chài (1959); Tìm hiểu đất Hậu Giang (1960); Hương rừng Cà Mau (1962); Chim quyên xuống đất (1963); Hình bóng cũ (1963); Vọc nước giỡn trăng (1965); Hai cõi U Minh (1965); Nói về miền Nam (1967); Truyện ngắn của truyện ngắn (1967); Vạch một chân trời (1968); Xóm Bàu Láng (1968); Người Việt có dân tộc tính không? (1969); Bà chúa Hòn (1970); Đồng bằng sông Cửu Long (1970); Trời nước bao la (1970); Thiên địa hội và cuộc minh tân (1971); Gốc cây, cục đá và ngôi sao (1973); Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973); 26 truyện ngắn (1987); Tục lệ ăn trộm ( 1987); Người Sài Gòn (1990); Gia Định xưa (1990); Bến Nghé xưa (1991); Theo chân người tình (1991); Một mảnh tình riêng (1992); Dạo chơi (1994)...
.Son_Nam.8
Bài thơ Vô đề (trích từ Hương rừng Cà Mau)

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
.
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng, buồn buồn
.
Hơi vọng cổ vương bờ tre bay vút
Điệu hò ... ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Nhà văn Sơn Nam tự ví mình như là hạt bụi nhỏ nhoi rong chơi qua thế gian.Hạt bụi chân quê - không ham mê phú quí giàu sang, - nhưng đối với hầu hết độc giả say mê các tác phẩm của ông, “Ông Gìa Ba Tri” là một bậc hiền tài lớn, xứng đáng được tôn vinh và yêu quý.

YÊN HẠ tổng hợp